Sự thực là, Barca hay chính xác hơn là ông luật sư lừng danh Joan Laporta đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua danh hiệu QBV FIFA 2010 cho Messi. Đó là nguyên nhân khiến Wesley Sneijder bị bỏ quên, dù năm 2010, ngôi sao Hà Lan đạt phong độ xuất sắc trong cả màu áo CLB lẫn cấp ĐTQG.
Từ cú sốc Sneijder...
Đầu tháng 12/2010, người hâm mộ kẻ bất ngờ, người bất bình khi trong danh sách rút gọn cho cuộc đua QBV FIFA 2010 không có cái tên Wesley Sneijder. Thay vào đó là 3 ngôi sao của Barca gồm Xavi Hernandez, Andres Iniesta và Lionel Messi. Thực ra, Xavi và Iniesta hoàn toàn xứng đáng có tên trong danh rút gọn, thậm chí HLV Jose Mourinho còn cho rằng, Xavi hoặc Iniesta hoàn toàn xứng đáng nếu nhận được danh hiệu cá nhân cao quý nhất trong năm. Nhưng còn Lionel Messi?
Kể từ trước khi FIFA và tạp chí France Football hợp nhất hai danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và Quả bóng Vàng (Ballon d'or) vào năm 2010 thì những cầu thủ từng được 2 tổ chức này vinh danh có hai trường hợp. Một là cầu thủ đạt được những danh hiệu lớn như World Cup, Euro hoặc Champions League cùng CLB hoặc ĐTQG. Hai là, nếu không có danh hiệu lớn, cầu thủ được vinh danh phải là nhân vật đặc biệt nổi bật và kiệt xuất.
Nếu cứ lấy 2 “tiêu chí truyền thống” trên để bầu chọn thì Messi nghiễm nhiên không có tên trong danh sách 3 ứng viên của năm 2010. Bởi ngôi sao Argentina không quá nổi bật trong tương quan so sánh với ngay cả những ngôi sao Hà Lan như Sneijder hay Robben. Trong khi đó ở mặt trận Champions League, Messi cùng Barca dừng chân tại bán kết. Đáng thất vọng hơn cả là màn trình diễn tệ hại của Messi trong màu áo ĐT Argentina ở VCK World Cup tại Nam Phi.
Messi chỉ chứng tỏ được giá trị của mình ở La Liga năm 2010. Và thành tích đó của ngôi sao Barca hoàn toàn lu mờ nếu so sánh với Sneijder, nhân vật có đóng góp rất lớn giúp Inter đăng quang ở Serie A và Champions League. Còn tại giải đấu lớn nhất năm là World Cup, Sneijder tỏa sáng với 5 bàn thắng, giúp ĐT Hà Lan vào chung kết.
Nhưng rốt cuộc, Sneijder vẫn bị gạt không thương tiếc ra ngoài cuộc chơi và bất ngờ hơn nữa là, thành tích vô địch World Cup của Xavi và Iniesta cũng không giúp họ thắng nổi Messi.
... tới túi tiền của Laporta
Messi giành QBV FIFA 2010 là kết quả của một cuộc bầu chọn mang đầy cảm tính của những nhà báo, HLV trưởng và đội trưởng ĐTQG? Không có bất ngờ hay cảm tính nào trong cuộc bầu chọn này, bởi thực chất, danh hiệu cá nhân cao quý này đã được mua và bán.
Ngày 19/12/2009, trên khán đài sân Zayed Sports City, Abu Dhabi, Joan Laporta và Sepp Blatter nhỏ to tâm sự khi dự khán trận chung kết FIFA Club World Cup giữa Estudiantes và Barca. Sau trận đấu này, các tay paparazzi bắt gặp vị Chủ tịch Barca khi đó và Chủ tịch FIFA cùng bộ sậu có cuộc gặp mặt đặc biệt trong nhà hàng La Fontana. Mối quan hệ của vị luật sư nổi tiếng xứ Catalan và các quan chức FIFA bắt đầu thân thiết từ đó? Chẳng biết Blatter và Laporta bàn bạc gì trên bàn tiệc ở La Fontan. Nhưng đầu tháng 12/2010, Laporta cùng Phó Chủ tịch Barca, Xavier Sala I Marti lại có cuộc gặp mặt đặc biệt với Sepp Blatter cùng một số quan chức FIFA dưới quyền.
Cuộc gặp ở Zurich diễn ra nhanh chóng chứ không kéo dài lê thê như ở Abu Dhabi gần 1 năm trước. Tuy nhiên một thỏa thuận nhanh chóng được thống nhất. Theo đó, FIFA bằng cách nào đó phải loại Sneijder để danh sách rút gọn QBV 2010 là cuộc chơi của các ngôi sao Barca. Sau đó, người thắng cuộc phải là Lionel Messi. Đổi lại, Blatter cùng các đồng nghiệp sẽ có 35 triệu euro.
“Mập mờ đánh lận con đen”
“Phù phép” làm thay đổi các kết quả bầu chọn không phải nhiệm vụ quá khó đối với FIFA, bởi một suất đăng cai VCK World Cup (2022), người Qatar còn mua được thì QBV - một danh hiệu cá nhân lại càng dễ dàng mua và bán.
Nhưng làm thể nào để che mắt thế gian? Nhưng đã đề cập ở phần trên, mọi cầu thủ được vinh danh là xuất sắc nhất phải có một trong hai tiêu chí rất rõ ràng. Tuy nhiên, vì nhận tiền của Laporta, FIFA đành phải “đẻ” ra thêm một tiêu chí hết sức mù mờ, ấy là: “Cuộc bầu chọn dựa trên phong độ thi đấu và toàn bộ hành vi, cách ứng xử trong và ngoài sân cỏ”.
“Hành vi, cách ứng xử trong và ngoài sân cỏ”, với tiêu chí mù mờ này, liệu những Ronaldo (2002) hay Ronaldinho (2005) với lối sống không đúng mực ở ngoài đời, bê bối nổ ra liên miên có được vinh danh? Tiêu chí mù mờ này giúp FIFA tránh những nghi ngờ từ người hâm mộ. Thế nên khi Messi đoạt QBV 2010, phe phản đối cho rằng, những người bầu chọn (phóng viên, HLV trưởng và đội trưởng ĐTQG ở 209 nước) đã bỏ phiếu cảm tính vì yêu Messi. Nhưng thực chất, kết quả bỏ phiếu được thay đổi mang lại chiến thắng cho siêu sao Argentina.
Vì sao Laporta mua QBV cho Messi?
Nhưng vì sao Laporta lại chịu bỏ tiền mua 3 suất rút gọn cho Barca và QBV cho Messi?
Thời điểm đó, Messi đã có tiếng nói rất lớn trong phòng thay đồ ở Nou Camp. Vậy nên, danh sách rút gọn toàn Barca và QBV cho Messi không chỉ giúp uy tín của Laporta tăng lên trong con mắt các cule, mà còn giúp ông cùng cộng sự nhận được sự nể trọng và ủng hộ của Messi và đồng đội.
Mà Laporta rất cần uy tín vào thời điểm ấy, thời điểm cuộc bầu cử Chủ tịch Barca đang đi vào giai đoạn nước rút. Laporta không thể ứng cử nhưng do không muốn đối thủ không đội trời chung Sandro Rosell chiến thắng, Laporta ra sức lăng xê cho “đàn em” Xavier Sala I Marti trong cuộc đua này để dọn đường cho mình trở lại Barca trong cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng rốt cuộc, dù có sự hậu thuẫn của vị luật sư nổi tiếng nhất xứ Catalan, Xavier vẫn không phải là đối thủ của Rosell. Tháng 06/2010, chiếc ghế quyền lực nhất ở Nou Camp thuộc về Rosell.
Một vụ mua và bán vì cuộc chiến quyền lực ở Nou Camp và đó là lý do Sneijder mất QBV. Còn Messi, dù muốn hay không, anh cũng phải nhận giải thưởng cá nhân cao quý ấy.