Loạt trận đầu tiên vòng bảng Champions League 2015/16 vừa kết thúc trong sự tương phản dữ dội giữa 2 nền bóng đá Anh và Italia. Người Anh đóng góp 4 đại diện, trước mỗi trận ra quân đều trống giong cờ mở, khẩu khí ngút trời.
Người Italia yếu thế rõ rệt khi chỉ đóng góp 2 đại diện Roma và Juventus (Lazio đã bị loại từ vòng play-off). Khiêm tốn về số lượng, Serie A cũng khiêm tốn luôn ở khẩu khí.
Nhưng sau khi loạt trận đầu tiên kết thúc, bóng đá Anh nhận 3 cái tát điếng người khi Man United, Man City và Arsenal cùng thua.
Còn Serie A nở mày nở mặt khi Juventus đánh bại chính Man xanh còn Roma xuất sắc cầm hòa Barcelona.
Nhưng sự tương phản này sẽ kém thú vị đi rất nhiều nếu như chúng ta không để ý tới chi tiết 2 cầu thủ chơi hay bậc nhất trong chiến thắng của Juventus là Cuadrado và Pogba, còn bộ đôi ít nhiều gì cũng đã khiến Barca khốn khổ bên phía Roma là Salah và Dzeko.
4 ngôi sao này có một điểm chung: Họ đều là những cầu thủ mà Premier League đã thải loại vì tin rằng đã hết hạn sử dụng.
Pogba bị Man United ném đi từ rất lâu, còn Salah, Cuadrado và Dzeko lần lượt bị Chelsea và Man City đẩy sang Serie A mới đây vì không còn đất dung thân ở Anh.
Trước khi loạt trận mở màn vòng bảng Champions League bắt đầu, Premier League có quyền huyên hoang nói rằng: Serie A đang tái sử dụng rác thải từ Premier League.
Nhưng giờ đây có lẽ bản chất của vấn đề là: Những cầu thủ đó hoàn toàn không phải là rác thải, mà chính những kẻ nhìn vàng ra rác mới thật sự là vứt đi.
Bản chất vấn đề của Premier League nằm ở chính những sự kiện này: Họ luôn đánh giá thành công hay thất bại của những cầu thủ dựa trên khía cạnh… giải trí là chính.
Chelsea gần như không tạo cơ hội để Juan Cuadrado đá chính thường xuyên, rồi kết luận một cầu thủ có quá ít thời gian cọ xát là vứt đi.
Angel Di Maria chưa thi đấu đủ 50% thời lượng của Premier League mùa trước, cũng nhanh chóng bị Man United coi là rác rưởi và cho sang PSG.
Có lẽ Man United nên cảm thấy xấu hổ khi nhận ra rằng, Di Maria vừa giúp PSG đánh bại Malmo, còn Man United thì thua xấu mặt trước PSV.
Ở Serie A, bóng đá là một trò chơi chiến thuật. Người ta ngắm nhìn chiến thuật, cảm nhận bóng đá. Còn ở Premier League thì ngược lại: Quá nặng về chiến thuật bị coi là thực dụng, và khi đã thực dụng thì thiếu cống hiến, thiếu tính giải trí.
Đó là lý do chức vô địch của Chelsea mùa trước bị tấn công buộc Jose Mourinho phải thay đổi triết lý và chuốc lấy thất bại mùa này.
Premier League đang ngày càng giống như một ngôi biệt thự được trang trí hào nhoáng, diêm dúa ở bên ngoài, nhưng bên trong thì tồi tàn, rêu mốc.
Triết lý phát triển này trái ngược hoàn toàn với những nền bóng đá mạnh như Bundesliga hay La Liga, khi người ta tạo ra một cái lõi rất vững chắc mới đi xây dựng mẽ ngoài thu hút.