Hoặc có lường được, bầu Hiển quá tin tưởng với khả năng quan hệ của mình với VFF, với tầm ảnh hưởng của lãnh đạo TP.Đà Nẵng, không thế lực nào có thể chia uyên, rẽ thúy được mối tình giữa ông Hiển và bóng đá Đà thành.
Trên thực tế, đã 4 mùa qua, bất chấp những phản ứng của dư luận, các thành phần tham gia V-League, 2 đội bóng của bầu Hiển vẫn tồn tại trên cả khỏe mạnh. Dù cũng có vẻ chạm trán nhau chan chát, nhưng kết quả vẫn là 3 đi-3 về.
Bóng đá ta, khối đội chẳng nhận tiền chung một ông chủ nhưng cũng duy trì công thức đó, thậm chí trắng trợn hơn. Đấy là nỗi đau khôn nguôi với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Những trận đấu ân tình, cứu lẫn nhau nở rộ cuối mùa, năm nào cũng kết thúc với sự bất lực của BTC lẫn VFF. Tình trạng đó sẽ còn kéo dài, đồng nghĩa sẽ khó có sự công bằng và sự nghiệp đưa bóng đá chuyên nghiệp trở về đúng nội hàm sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian.
HN T&T, SHB.ĐN bị buộc phải chia lìa đôi ngả.
Sự liên hệ mật thiết giữa bầu Hiển và HN.T&T với SHB.ĐN, suy cho cùng cũng xuất phát từ thứ bóng đá ân tình vốn đầy rẫy ở bóng đá ta.
Có chăng, mối quan hệ này dễ “bắt tội” hơn bởi ông Hiển bơm tiền cho Đà Nẵng làm bóng đá, đổi lại là những quyền lợi trong hoạt động đầu tư của ông ở Đà Nẵng được thành phố này ưu đãi đặc biệt.
Nếu như, bóng đá Việt Nam thời gian ngắn gần đây không có dấu hiệu chuyển mình, và trong 4 năm 2 đội bóng của bầu Hiển chinh chiến V-League mà không chiếm đến ¾ ngôi vô địch (SLNA có phần gặp may năm 2011) thì có lẽ bầu Hiển vẫn còn ung dung, tự tại với quyền lực vô đối của mình.
Nếu nói bầu Hiển không yêu bóng đá Đà Nẵng chưa hẳn là đúng. Nhưng, nếu nói vì những đặc quyền khi bỏ tiền ra tài trợ cho bóng đá sông Hàn, khiến trách nhiệm và tình yêu của ông bầu họ Đỗ với Đà Nẵng thắm đượm hơn, cũng chẳng sai.
Ông Hiển là doanh nhân, cũng như nhiều doanh nghiệp từng đến với bóng đá, mục đích khởi phát là những mảnh đất vàng, những cơ chế ưu đãi đặc biệt, là đánh bóng thương hiệu. Có một thời, và cả hiện nay, xu hướng làm bóng đá đó vẫn tồn tại. Kết quả cách làm ăn xổi đó đã khiến cho nguy cơ hàng loạt doanh nghiệp bỏ đội bóng đang đến rất gần.
Cho đến thời điểm này, chủ trương chuyển giao cho SHB vẫn cho thấy sự hiệu quả. Trong 5 năm gắn bó với bóng đá Đà Nẵng, đội này đã giành vô số thàh tích cả trẻ lẫn lớn, nhất là 2 ngôi vô địch mà chắc chắn không có doanh nghiệp nào có thể đạt được chiến tích đó.
Vậy thì tại sao, ông Hiển vẫn bị thiên hạ chỉ trích? Quá dễ trả lời, vì ông vi phạm Quy chế, Điều lệ của bóng đá chuyên nghiệp. Cái sự vi phạm đó không phải bây giờ, mà đã từ năm 2009, khi HN.T&T thăng hạng. Có điều, VFF đã cho bầu Hiển một “vùng cấm”, bất chấp dư luận và các đội phản ứng.
Vậy thì, ông Hiển cũng là nạn nhân của một trào lưu làm bóng đá mà khi cần, người ta có thể tạo điều kiện cho một vài cá nhân “đứng trên luật”.
Với bóng đá Đà Nẵng, họ cũng là nạn nhân, nếu như bầu Hiển dứt áo ra đi. Lâu nay, người dân bên thành phố sông Hàn chỉ lo sợ bầu Hiển sẽ như một số doanh nghiệp khác, đạt mục đích sẽ không gắn bó với Đà Nẵng nữa, chứ không phải do bị VPF cấm không được phép tài trợ cho đội bóng mình, như hiện nay.
Tóm lại, VFF đã tạo tiền lệ cho bầu Hiển với quan điểm bóng đá chuyên nghiệp ta nó khác các nước thì bây giờ, họ phải tự mà trực tiếp xử lý di chứng một ông chủ 2 đội bóng với tư cách tổ chức quản lý nền bóng đá, thay vì chuyền trách nhiệm cho VPF hay Tổng cục TDTT.