Đoàn thể thao Việt Nam mới chỉ tới Myanmar được ít ngày, vậy nhưng đã gặp vô số khó khăn, khổ sở. Nếu không tính những vấn đề khách quan như nắng nóng và muỗi thì U23 Việt Nam ít ngày qua liên tục phải kêu đói, dù được ở khách sạn 3 sao Golden Guest.
Điều đáng nói nhất là khi U23 Việt Nam đề nghị mượn sân để tập, phía chủ nhà Myanmar đã gây khó dễ. Phải rất cố gắng, U23 mới xin được một sân tập... xa lắc xa lơ. Hậu quả là tình nguyện viên của U23 Việt Nam dù rất cố gắng, vẫn lạc đường, khiến toàn đội tới muộn 15 phút. Đến khi tập, HLV Hoàng Văn Phúc cũng phải ngán ngẩm lắc đầu vì điều kiện sân bãi quá tồi.
Sân tập của U23 Việt Nam ở xa và cứng
Niềm hy vọng lớn của Việt Nam gặp khó, các VĐV ở những bộ môn khác cũng khổ sở chẳng kém, đặc biệt là wushu. Vốn được coi là thế mạnh của nước ta, nên các VĐV thuộc bộ môn này đặc biệt bị chủ nhà Myanmar trù dập. Phải đến đêm 4/12, tuyển wushu Việt Nam mới nhập làng SEA Games. Ấy thế nhưng chủ nhà lại bố trí buổi tập đầu tiên vào... 7h sáng hôm sau. Hôm sau nữa, chúng ta cũng tiếp tục phải tập sớm.
Bức xúc với vấn đề này, phía Việt Nam đã xin đổi lịch tập nhưng không được chủ nhà Myanmar chấp thuận. Cuối cùng, wushu Việt Nam đành xin tập nhờ với Lào và Brunei.
Wushu Việt Nam phải tập nhờ với Lào và Brunei
“Các VĐV chỉ mới nghỉ ngơi được ít giờ đã phải ra sân tập rất dễ bị chấn thương. Rõ ràng họ đã cố tình gây khó cho wushu VN”, ông Lê Minh Hà, lãnh đội wushu Việt Nam bức xúc.
Ngoài việc gây khó dễ cho wushu Việt Nam khi tập luyện, chủ nhà Myanmar cũng không cho thi đấu các nội dung sở trường của Việt Nam ở bộ môn này.
Chung cảnh ngộ với wushu là Pencak Silat. Lần này, chủ nhà Myanmar đưa ra 12 nội dung thi đấu ở bộ môn này nhưng giới hạn Pencak Silat nữ của mỗi quốc gia chỉ được đăng ký 2-3 hạng cân. Các nước đặc biệt mạnh như Việt Nam thậm chí chỉ được đăng ký nội dung do chủ nhà... chỉ định.
Gặp khó ngay từ khâu đăng ký, đến khi tập luyện, chúng ta cũng không được BTC xếp lịch trong hai ngày 5 và 6/12. Đến chiều 7/12, đội Pencak Silat mới có buổi tập đầu tiên để làm quen sân bãi. Đến ngày 9/12, Pencak Silat Việt Nam đã thi đấu nên thời gian tập luyện như vậy là quá ít.
* Giống U23 Việt Nam, Pencak Silat cũng đang than phiền về việc đồ ăn nghèo nàn và không hợp khẩu vị.
Trong những vấn đề nhức nhối trên đất Myanmar, cử tạ Việt Nam cũng bị “chơi khăm”. Theo luật cử tạ tại SEA Games nói chung, ở mỗi hạng cân các quốc gia đều được đăng ký 2 lực sỹ thi đấu. Nhưng tại SEA Games 27, chủ nhà đã đưa ra quy định thêm, rằng mỗi quốc gia chỉ được đăng ký 1 lực sỹ tại một hạng cân. Ở hạng cân 56kg, Việt Nam có 2 lực sỹ xuất sắc là Kim Tuấn và Quốc Toàn. Theo luật mới, cử tạ Việt Nam buộc phải loại một... Hiện Trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng chia sẻ sẽ chỉ tiết lộ VĐV được thi đấu vào phút chót, còn cả Kim Tuấn lẫn Quốc Toàn sẽ đều lên đường sang Myanmar.
Cử tạ Việt Nam bị làm khó
Cũng gặp khó khăn bởi luật “lạ” của chủ nhà Myanmar là cờ vua Việt Nam. Trong số 18 bộ huy chương ở nội dung này, chỉ có 7 nội dung về cờ vua còn lại là cờ truyền thống Myanmar và cờ Đông Nam Á. Ngay cả trong 7 nội dung về cờ vua là cờ nhanh, cờ chớp nhoáng (nam, nữ), cờ 960, cờ trao đổi (đôi nam, đôi nữ) cũng có nhiều luật thi đấu rất lạ lùng. Như ở nội dung cờ 960, 2 kỳ thủ sẽ xếp cờ không cố định mà theo quy tắc khác... Những luật chơi mới này khiến đoàn cờ vua Việt Nam phải tốn rất nhiều công sức để tập luyện lại...
Cờ vua Việt Nam cũng bị "chơi khăm"
Có thể thấy ở kỳ SEA Games 27 này, đoàn thể thao Việt Nam chịu rất nhiều đòn “chơi khăm” từ chủ nhà Myanmar. Tuy nhiên với những nỗ lực vượt bậc, các VĐV đều cam kết sẽ thi đấu hết sức, mang huy chương về cho nước nhà!