Sinh ra và lớn lên ở vùng quê huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương), trong khi chúng bạn ai cũng có anh chị em để vui vầy thì suốt thời thơ ấu, cậu bé Xuân Nam lại chỉ một mình lủi thủi cùng trái bóng.
“Dạo đó kinh tế gia đình tôi còn nhiều khó khăn, bố mẹ có lúc phải đi làm thuê để kiếm sống.
Ở quê ai cũng muốn đông con nhiều cháu. Nhưng vì thương tôi và muốn chăm lo cho tôi thật tốt nên bố mẹ quyết định không sinh thêm em bé”, tiền đạo sinh năm 1994 kể lại thời thơ ấu của anh gần 20 năm trước.
Xuân Nam (giữa) thời thơ ấu và bố mẹ.
Đó là lý do khiến Xuân Nam bén duyên với bóng đá từ rất sớm. Vì ngoảnh đi ngoảnh lại, anh hầu như cũng chỉ có trái bóng làm bạn.
Ngày qua ngày, những bước chạy chân trần cùng trái bóng trên khoảnh ruộng gần nhà hay bên những triền đê xanh mướt cỏ dần hình thành nên bên trong cậu bé một tình yêu bóng đá cháy bỏng.
Cựu tiền đạo của đội tuyển U19 Việt Nam tâm sự: “Ngẫm ra có những thứ giống như duyên số. Nếu ngày đó, bố mẹ tôi không đi làm suốt ngày, hoặc tôi có anh chị em thì chắc đã không đi đá bóng triền miên sáng tối rồi đam mê đến vậy”.
Nhớ lại kỷ niệm ngày ấu thơ khiến Xuân Nam thêm biết ơn cha mẹ: “Có những thời điểm gia đình tôi trải qua vận hạn. Nhưng dù khó khăn đến mấy, tôi cũng không thiếu thứ gì so với bạn bè.
Lúc đó còn nhỏ không hiểu chuyện, tôi thường hỏi bố mẹ sao con không có anh chị em. Sau này lớn lên mới biết tình cảm, sự hy sinh của cha mẹ dành cho mình lớn thế nào”.
Năm 10 tuổi, Xuân Nam được tuyển chọn vào đội nhi đồng của tỉnh Hải Dương đi đá giải toàn quốc. Chỉ 2 năm sau, anh trúng tuyển vào trung tâm đào tạo của Sở VH-TT&DL Hà Nội. Năm 16 tuổi, Xuân Nam tiếp tục lọt vào mắt xanh của Hà Nội T&T.
Cậu con trai độc nhất trong nhà chuyển về thủ đô khiến gia đình anh ở quê càng thêm trống vắng. Nhưng cũng kể từ thời điểm ấy (khoảng 10 năm trước), kinh tế của gia đình Xuân Nam dần khấm khá hơn.
Từ chỗ phải đi làm thuê, bố mẹ anh đã tích cóp được tiền để mua một chiếc xe tải nhỏ làm nghề vận chuyển hàng hóa.
Đời sống gia đình được cải thiện, trong khi con trai được bao nuôi ăn tập, cũng là lúc bố mẹ Xuân Nam nghĩ đến việc có thêm một cô công chúa.
“Giải đấu quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp của tôi là U16 Đông Nam Á mở rộng năm 2010. Lần đầu tiên được khoác áo tuyển và gia đình thì có thêm thành viên khiến tôi rất phấn khởi”, Xuân Nam hào hứng kể lại.
Đó cũng là giải đấu mà tiền đạo sinh năm 1994 sắm vai người hùng, khi ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết nhấn chìm đối thủ sừng sỏ U16 Trung Quốc, giúp U16 Việt Nam đăng quang ngôi vô địch.
Một năm sau, khi mới 17 tuổi, Xuân Nam lại được xướng tên tại giải U19 Đông Nam Á với tư cách Vua phá lưới (8 bàn). Nhưng U19 Việt Nam chỉ giành ngôi Á quân, sau khi thất bại ở loạt luân lưu 11 m trước Thái Lan trong trận đấu cuối cùng.
“Lúc đó, em gái tôi còn nhỏ. Cứ mỗi lần ghi bàn là hình ảnh dễ thương của em, của bố mẹ hiện ra trong tâm trí vỡ òa cùng cảm giác hạnh phúc”, Xuân Nam chia sẻ bằng ánh mắt rạng ngời.
Gia đình còn là điểm tựa giúp anh phấn đấu vượt qua khó khăn trong sự nghiệp.
Năm 2014, chấn thương khá nặng đã ngăn cản đà thăng tiến của Xuân Nam. Thi đấu trở lại từ đầu mùa 2015, cựu vua phá lưới U19 ĐNA không cạnh tranh được vị trí tại CLB Hà Nội T&T và được đem cho CLB SHB Vientiane (Lào) mượn.
Mới 21 tuổi và một mình nơi đất khách, Xuân Nam đã làm nên kỳ tích ở Lao League khi giành danh hiệu chiếc giày bạc với 22 bàn thắng.
“Sát thủ Việt Nam xa xứ” thậm chí còn nhận được lời mời nhập quốc tịch Lào để thi đấu cho đội tuyển U23 và ĐTQG nước bạn.
Nhưng phía sau ánh hào quang ấy là rất nhiều mồ hôi và nước mắt.
“Có những lúc nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ em muốn khóc. Có những khi đi tập về nắng nóng không nuốt nổi cơm vì mệt.
Tôi lại tự nhủ rằng bố mẹ đã vất vả thế nào để nuôi mình khôn lớn. Em gái ở nhà đang mong tin chiến thắng của anh”, dòng tâm sự của Xuân Nam bỗng chùng xuống vì xúc động.
Thế nên ngày về nước sau khi kết thúc Lao League, Xuân Nam chỉ dành nửa buổi sáng ở Hà Nội để gặp gỡ một vài người thân rồi bắt xe khách về quê.
Người cha đánh chiếc xe tải ra tận đường quốc lộ để đón cậu con trai, mẹ ở nhà làm mâm cơm thịnh soạn. Cả năm, mái ấm gồm 4 thành viên thỉnh thoảng mới có dịp đoàn tụ như vậy.
Vẫn với tình yêu thương đong đầy từ thủa ấu thơ, mẹ Xuân Nam tặng cậu con trai chiếc điện thoại “xịn” để anh không thua kém chúng bạn. Để có món quà ấy là không biết bao nhiêu ngày tháng vất vả của người mẹ.
“Giờ tôi đi đá bóng đã có lương thưởng, tự lo được cho mình và gửi về nhà. Tôi chỉ muốn thi đấu thật tốt để có điều kiện chăm lo cho bố mẹ và em gái nhiều hơn”, Xuân Nam khép lại dòng tâm sự của anh bằng những hy vọng về tương lai.
Xuân Nam - Lao League 2015