Sân tennis Kohima tại Ấn Độ: Sàn đấu đẫm máu

Các nhà báo đôi khi gọi trận tennis là “cuộc chiến” và gọi sân tennis là “chiến trường” nhằm tô đậm sự căng thẳng, khốc liệt giữa hai tay vợt trong một trận đấu. Câu hỏi đặt ra là liệu có chiến trường thật sự nào trên sân tennis chưa? Lịch sư trả lời là có và giờ người ta vẫn lưu dấu nó tại Kohima (Ấn Độ).

Sân tennis thấm máu Nhật – Anh

Trong thế chiến thứ hai, mặt trận châu Á là một chiến trường khốc liệt giữa quân đội Nhật Bản và các nước đồng Minh. Sau khi kiểm soát được miền duyên hải Trung Quốc và Đông Dương, quân đội Thiên hoàng muốn mở rộng chiến tranh sang Ấn Độ vì họ cần nguồn tài nguyên dồi dào ở đây. Lúc này, Ấn Độ đang thuộc quyền quản lý của người Anh. Muốn đánh từ Myanmar sang Ấn Độ, quân Nhật bắt buộc phải đánh qua “yết hầu” cửa ngỏ Kohima.

Sân tennis Kohima tại Ấn Độ: Sàn đấu đẫm máu
 

Ngày 15/03/1944, sư đoàn 31 do Thiếu tướng Shigesaburo Miyazaki chỉ huy đã vượt sông Chindwin hành quân liên tục tiếp cận Kohima. Do quân đội Anh nhận định sai tình hình nên ban đầu không chống trả được hỏa lực của Nhật. Sau đó, quân Anh - Ấn phản công quyết liệt để giành lại quyền kiểm soát Kohima. Trận đánh này dai dẳng, khốc liệt khi hai bên bao vây, phản kích tranh giành nhau từng mét đất suốt 2 tháng. Cuối cùng quân Anh đã giành lại được Kohima sau khi đổ rất nhiều xương máu và người Nhật cũng đã bỏ không ít sinh mạng tại đây.

Mức độ khốc liệt của trận đánh này được so sánh là “trận Stalingrad ở phương Đông”. Còn lịch sử thì gọi đây là “trận đánh trên sân tennis”. Hoàn toàn không có chuyện ấn dụ ví von trong so sánh này mà đó là sự thật. Quân Anh – Nhật đã đánh nhau trên sân tennis và sân này thấm đẫm máu cả hai bên. Trụ sở chỉ huy của quân Anh ban đầu nằm trên một ngọn đồi ở Kohima, rất tiện cho việc quan sát các vùng xung quanh. Để làm chủ chiến trường, cả quân Anh và Nhật đều coi trọng việc chiếm bằng được điểm cao này. Đường lên trụ sở kiểu gì cũng phải qua mảnh đất trống được các sĩ quan Anh tận dụng làm nơi đánh tennis.

Sân tennis Kohima tại Ấn Độ: Sàn đấu đẫm máu
 

Sẽ có người hỏi tại sao lính Anh lại làm cái sân tennis gần đại bản doanh. Với binh lính Anh xa nhà, đóng quân tại Ấn Độ thì tennis chính là trò chơi giúp họ có được nụ cười và quên đi nỗi nhớ quê hương. Vài ngày trước khi quân Nhật bất ngờ tấn công Kohima thì các sĩ quan cao cấp của Anh vẫn cầm vợt so tài với nhau trên mảnh sân gần trụ sở chỉ huy.

Còn trong trận đánh lên Kohima, quân Nhật đã mất rất nhiều người ở mảnh sân này. Điều này dễ hiểu vì trên đồi trụ sở, quân Anh bố trí nhiều lô cốt súng máy bắn xuống. Mỗi đợt xung phong, quân Nhật phải chạy qua chỗ sân tennis trống trải không gì che cản nên dễ ăn đạn nhất. Ngược lại, khi quân Anh phản công đánh lên đồi chiếm lại trụ sở thì họ cũng dễ bị ăn đạn nhất trên mặt sân tennis. Trong trận đánh cuối cùng, quân Anh phải mang cả xe tăng lên đồi và từ vị trí mặt sân tennis, chiếc xe tăng của quân Anh đã nã đạn vào trụ sở chỉ huy chấm dứt cuộc chiến.

Sân tennis Kohima tại Ấn Độ: Sàn đấu đẫm máu
Xây nhà nguyện ngay sân tennis

Tổng cộng trong trận chiến tại Kohima, quân Anh chết hơn 4.000 còn quân Nhật thiệt mạng gần 6.000, Mặt sân tennis bị cày nham nhở, hố đạn tứ tung. Sau khi giành được Kohima quân Anh tiến hành chôn luôn xác các chiến binh quanh khi vực sân tennis. Còn trên nền sân tennis, họ vẫn làm cỏ, kẻ vạch đàng hoàng nhưng không chơi. Tướng Charles Ridley Pawsey nói ông muốn sân tennis đó để dành cho các lính Anh hy sinh vì đất nước. Có thể nhiều người lính trong số những người ngã xuống chưa từng được chơi trên mặt sân đó khi còn sống nhưng khi chết thì linh hồn họ sẽ được chơi trên mặt sân từng là chiến trường.

Sau khi xây sân tennis đó xong thì cũng có nhiều chuyện lạ. Người quản trang cho biết vào những đêm không trăng, từ xa người ta có thể nghe tiếng vụt banh trên mặt sân giữa nghĩa trang. Có người bạo gan dám soi đèn pin đi vào thì lại không thấy gì nhưng cứ khi rời khỏi nghĩa trang thì tiếng vụt banh tennis lại vang lên. Thậm chí, người quản trang này còn kể đã từng nhặt được quả banh tennis sản xuất từ năm 1941 ở trong đồng cỏ. Dân quanh vùng tin rằng đêm xuống, linh hồn các quan sĩ Anh lại cầm vợt chơi tennis cùng nhau như khi còn sống.

Sân tennis Kohima tại Ấn Độ: Sàn đấu đẫm máu
 

Chẳng biết những chuyện đó có phải là thật hay do người đời thêu dệt nhưng người Anh sau đó đã xây một nhà nguyện khá to ngay sát nền sân tennis. Từ đó trở đi thì không có những chuyện kỳ quái xuất hiện. Giờ sân tennis đặc biệt tại Kohima trở thành một điểm du lịch tham quan đón nhiều du khách đến hàng năm. Nhiều người muốn đến xem sân tennis từng là chiến trường khốc liệt tại thế chiến thứ hai.

Đông nhì là du khách Anh và nhiều người trong số họ cho biết đến đây để viếng luôn mộ của người thân đã nằm xuống tại đây. Còn đông nhất là du khách Nhật và họ đến với mục đích giống người Anh. Nhiều du khách Nhật cho biết ông cha họ hy sinh tại Kohima và không tìm được xác. Họ tin rằng máu của tiền nhân đã thấm trên mặt sân tennis này. Cuộc đời cũng thật lạ. 68 năm trước, người Anh và Nhật đánh nhau khốc liệt. Còn giờ này, con cháu họ gặp nhau với nụ cười tại Kohima và sẵn sàng chụp hình chung với nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại