1. Nếu không có gì thay đổi, sẽ chỉ có 2 trụ cột thời Sir Alex giữ được vị trí trong trận đấu chính thức đầu tiên của Man United trong năm thứ 2 với Van Gaal. Đó là thủ môn David de Gea và tiền đạo đội trưởng Wayne Rooney.
Tuy nhiên, 2 cầu thủ này đang đối diện với tương lai bấp bênh.
De Gea có thể bị bán cho Real Madrid vào bất kỳ lúc nào (dù Quỷ đỏ không muốn điều này), trong khi Rooney có nguy cơ mất vị trí nếu Man United mua được một sát thủ hàng đầu cỡ Cavani hay Higuain.
Kể cả khi De Gea và Rooney vẫn giữ được vị trí của họ, thì đội hình xuất phát của Man United vẫn là "một cái gì đó" xa lạ so với chính họ trong trận thắng Aston Villa 3-0 hồi tháng 4/2013, nơi mà Quỷ đỏ giành chức vô địch lần thứ 20.
Hàng thủ và hàng tiền vệ chứng kiến những thay đổi lớn lao. Nếu Man United mua được Otamendi, họ có thể sẽ trình làng một bộ tứ vệ mới tinh với Darmian bên cánh phải, Otamendi và Rojo đá cặp trung vệ, và Luke Shaw bên cánh trái.
Những trụ cột cũ như Rio Ferdinand, Nemanja Vidic hay Patrice Evra đều bị đẩy đi ngay trước khi Van Gaal tới. Rafael cũng sắp phải bán xới.
Trong khi đó, những người được kỳ vọng sẽ tạo nên bộ khung mới cho hàng thủ là Smalling, Jones và Evans sẽ phải chấp nhận đá dự bị, hoặc ra đi.
Trên hàng tiền vệ, nguy cơ Michael Carrick không giữ được vị trí là rất cao với 2 tân binh Bastian Schweinsteiger và Morgan Schneiderlin.
Cho dù không chấn thương, Carrick cũng sẽ thấy mình được sử dụng ít đi, với tầm quan trọng không còn như xưa.
2. Thực tế trước mắt có thể khiến nhiều CĐV của Man United và chính Sir Alex cảm thấy đau đớn. Nhưng đó là điều mà người ta có thể dự đoán được khi Van Gaal được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Quỷ đỏ.
HLV người Hà Lan, trong mắt nhiều người, giống như một kẻ độc tài, chỉ thích làm mọi việc theo ý mình và một khi ông đã thích, thì ông sẽ làm cho bằng được, bất chấp cách thức là như thế nào.
Trong khi David Moyes cố gắng duy trì di sản của Sir Alex, Van Gaal đập đi tất cả.
Ngay trong mùa giải đầu tiên, ông đã đẩy một loạt cựu thần của Sir Alex ra đường.
Nani, Chicharito, Cleverley, Welbeck đều được thông báo là họ không có chỗ trong kế hoạch của Van Gaal và phải ra đi. Anderson bị đẩy xuống đội trẻ. Fletcher chỉ trụ được cho đến giữa mùa.
Với việc Man United tiếp tục tăng cường mạnh tay trong mùa chuyển nhượng này, sẽ có thêm nhiều cái tên nữa phải ra đi.
Trước khi M.U lên máy bay sang Mỹ du đấu, Van Gaal đã kịp bán Nani và Van Persie cho Fenerbahce.
Trong đó, việc bán Van Persie với giá rẻ mạt có thể xem là một hành động mang tính biểu tượng.
Tiền đạo người Hà Lan vốn là nhân tố chủ chốt trong chức vô địch cuối cùng của Quỷ đỏ. Anh cũng có quan hệ tuyệt vời với Van Gaal. Nhưng khi phong độ không đủ đáp ứng yêu cầu, anh vẫn bị đẩy đi không thương tiếc.
Van Gaal đã lý giải một cách đơn giản cho những hành động của mình: Ông chỉ làm những gì tốt nhất cho đội bóng. Những ai không thể giúp CLB tốt lên phải bị loại bỏ để nhường chỗ cho những người mới.
Đó là một lời giải thích hợp lý. Nhưng những hành động có thể đưa Man United trở lại đỉnh cao của Van Gaal lại không đảm bảo cho đội bóng một tương lai bền vững, điều mà Sir Alex và lãnh đạo đội bóng luôn hướng tới.
Ngay cả Sir Alex, khi tiếp quản một Man United bệ rạc hồi cuối những năm 1980, cũng không xới tung tất cả theo cách Van Gaal đang làm.
Đầu mùa giải 1988-89, tức 2 năm sau khi Sir Alex nhận lời dẫn dắt Quỷ đỏ, trong đội hình của họ vẫn còn 5 người thường xuyên đá chính dưới thời HLV cũ Ron Atkinson.
Trong những năm tiếp theo, Sir Alex luôn trung thành với nguyên tắc không mua hay bán 3 trụ cột mỗi mùa. Đó là nền tảng cơ bản cho những thành công lâu dài và mang tính liên tục của đội bóng.
Nền tảng ấy, rõ ràng, đã bị Van Gaal lật lên và vứt bỏ. Và nó có thể là tiền lệ xấu, mở ra một kỷ nguyên bất ổn ở Old Trafford. Điều gì sẽ xảy ra nếu người tới thay Van Gaal không thích những cầu thủ mà ông này mang về?