Không phải vì ông Ranieri không thích "hàn" như cái biệt danh Gã thợ hàn mà Okazaki xứng đáng có một vị trí: Chơi hơi lùi, hỗ trợ phòng ngự tốt, tranh chấp hoàn hảo, di chuyển không bóng, và hỗ trợ cho các tiền đạo hàng đầu của bóng đá Anh như Vardy.
Okazaki năm nay 29 tuổi, đang chơi mùa bóng thứ 6 liên tiếp ở châu Âu. Giải đấu đầu tiên anh chơi ở châu lục phát triển bóng đá số 1 hành tinh là Bundesliga với Stuttgart.
Okazaki chỉ cao 1m74, khiêm tốn với ngay cả các cầu thủ Nhật. Thể hình không đồng nghĩa với thể lực, trong khi còn phải nhắc tới yếu tố tư duy chiến thuật và kỹ năng.
Okazaki là một trong những trụ cột của ĐT Nhật Bản. Anh khoác áo gần 90 lần và ghi bàn với hiệu suất cứ 2 trận là có một lần chọc thủng lưới đối phương.
ĐT Nhật Bản bây giờ nếu muốn chỉ dùng cầu thủ chơi ở châu Âu, họ có thừa người để làm điều đó. Và hiện có khoảng 13 cầu thủ trở về từ châu Âu là nòng cốt.
Chiến lược muốn vươn lên tầm thế giới thì phải có cầu thủ chơi ở các nền bóng đá hàng đầu thế giới đã và đang được người Nhật thực hiện.
ĐT Việt Nam hiện tại là lần đầu tiên có 2 cầu thủ trở về từ nước ngoài: Tuấn Anh và Xuân Trường. Nếu tính cả Công Vinh từng ở Nhật hay Công Phượng ở lại Nhật vì chấn thương thì ĐT Việt Nam có 4.
Có thể cả 4 cầu thủ đều đi làm thương hiệu chứ không hẳn là nhờ trình độ thì họ cũng có những giá trị nhất định. Được tập và làm quen với môi trường chuyên nghiệp, có HLV giỏi và đồng đội hay là học hỏi tốt nhất.
Câu hỏi có thể đặt ra ở đây là làm thế nào để người Nhật có nhiều cầu thủ đủ trình độ ra châu Âu chơi bóng?
Khi Dortmund tới Việt Nam tìm đối tác mở học viện bóng đá họ đã lý giải cách mà họ đã và đang coi Nhật là thị trường quan trọng bậc nhất.
Họ mở học viện để đào tạo ra những cầu thủ có đủ khả năng để khi trưởng thành sẽ đưa sang Bundesliga chơi bóng. Đấy chính là lý do tại sao Nhật nằm trong số 4 nước hàng đầu xuất khẩu cầu thủ sang Đức bên cạnh Brazil, Áo và Thuỵ Sĩ.
Thời gian vừa qua có hàng loạt các đội bóng châu Âu tới Việt Nam tìm đối tác mở học viện. Nhưng vẫn chưa có thêm học viện nào ngoài HAGL dù cho V-League và bóng đá Việt Nam đang là sân chơi của hàng loạt đại gia lớn nhất nền kinh tế.
Phải chăng bóng đá chỉ là kênh làm thương hiệu nhất thời? Hẳn là mỗi người đều có thể tự trả lời!