15 năm kể từ thời điểm bóng đá Việt Nam bước lên chuyên nghiệp năm 2000, tất cả cầu thủ sẽ được mua bảo hiểm thân thể.
Thông tin này được Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Phạm Ngọc Viễn xác nhận.
Theo đó, VPF đã làm việc với một công ty bảo hiểm lớn của Việt Nam để mua bảo hiểm cho tất cả cầu thủ ở cả V-League lẫn giải hạng Nhất (khoảng hơn 700 người).
Không những thế, kể cả đội ngũ trọng tài, giám sát trận đấu cũng sẽ nằm trong diện được bảo hiểm thân thể.
Mức bảo hiểm cao nhất có thể lên đến 200 triệu đồng. Điều này cũng có nghĩa rằng, với những trường hợp chấn thương nặng như tiền vệ Trần Anh Khoa từ nay trở về sau, các cầu thủ sẽ không còn chật vật với nỗi lo kinh phí điều trị.
Nguyên nhân trực tiếp khiến VPF đi đến quyết định nêu trên chính là những bất cập trong vụ việc xảy ra giữa trung vệ Quế Ngọc Hải và tiền vệ Trần Anh Khoa.
Theo quan điểm của các luật sư và nhiều chuyên gia bóng đá, việc bắt Ngọc Hải bồi hoàn toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa mang theo màu sắc của một bản án dân sự, chứ không phải lĩnh vực thể thao có tính đặc thù.
Luật sư Phạm Huỳnh (Văn phòng luật sư Tâm Đức, Hà Nội) đưa ra dẫn chứng: “Gần như cùng thời điểm xảy ra vụ việc của Ngọc Hải - Anh Khoa, chúng ta chứng kiến hậu vệ Luke Shaw của M.U bị gãy chân sau pha vào bóng của hậu vệ đối phương.
Nhưng không ai đặt ra vấn đề bồi thường. Đó là trách nhiệm của công ty bảo hiểm, của ban tổ chức giải và CLB mà cầu thủ đang đầu quân”.
Bên cạnh đó, án phạt đối với Quế Ngọc Hải có những điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, không ghi rõ nơi điều trị là ở Việt Nam hay nước ngoài.
“Nếu Anh Khoa điều trị ở Singapore không khỏi, cần phải sang châu Âu hay Mỹ thì chẳng nhẽ Ngọc Hải sẽ phải bồi hoàn cả đời”, Tổng giám đốc CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh từng chất vấn.
Những bất cập nêu trên về cơ bản sẽ được giải quyết khi công ty bảo hiểm vào cuộc, với những điều khoản cụ thể về mức độ chăm sóc, hỗ trợ tài chính trong hợp đồng ký kết cùng thân chủ.
Đây có thể xem là bước ngoặt lịch sử đối với bóng đá Việt Nam. Bởi chuyện đơn vị tổ chức giải đấu đứng ra mua bảo hiểm thân thể cho cầu thủ là điều chưa từng có tiền lệ.
Những vụ việc như của Ngọc Hải sau này sẽ chỉ bị kỷ luật treo giò, chứ không còn phải lo bồi hoàn chi phí điều trị chấn thương. Ảnh: Tuổi trẻ
Xét ở khía cạnh này, Quế Ngọc Hải đã mang đến rất nhiều lợi ích không thể đo đếm hết cho các đồng nghiệp của anh.
Nếu vụ việc của trung vệ xứ Nghệ không xuất hiện quá nhiều bất cập, còn bản thân anh không khổ sở đến vậy, có lẽ việc mua bảo hiểm cho cầu thủ Việt Nam hãy còn giống như “chuyện ở hành tinh khác”.
Trên thực tế, đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên đã bị bỏ qua. Chỉ đến khi “mất bò”, các nhà quản lý bóng đá mới cuống cuồng lo “làm chuồng”.
Theo thông báo của SHB Đà Nẵng, Quế Ngọc Hải sẽ phải bồi thường số tiền lên tới xấp xỉ 830 triệu đồng.
Vụ việc của Ngọc Hải gợi nhắc đến câu chuyện của Jean Marc Bosman ở bóng đá châu Âu 20 năm trước.
Trước năm 1995, các cầu thủ thi đấu ở châu Âu không được phép tự do rời khỏi CLB sau khi hết hạn hợp đồng. Nhiều ý kiến đã chỉ trích sự vô lý này, song quy định đó vẫn tồn tại như một thách thức.
Chỉ đến khi cầu thủ Bosman đâm đơn khởi kiện CLB ra tòa, mọi thứ mới thay đổi. Vì thế, luật Bosman được xem như một trong những quyết định có tính lịch sử thay đổi diện mạo bóng đá châu Âu.
Còn những người được hưởng lợi nhiều nhất từ Bosman chính là những đồng nghiệp của anh.
Quế Ngọc Hải chưa đến mức đâm đơn khởi kiện để thay đổi tình thế. Nhưng sau này, anh sẽ được nhớ đến như một tác nhân quan trọng mang đến bước ngoặt của bóng đá Việt Nam.
Vẫn có câu "trong họa có phúc" là vậy!
Quế Ngọc Hải ghi bàn đẳng cấp (VN - Indonesia)