Nhìn ngược về quá khứ đối đầu với Trung Quốc, ĐTQG Việt Nam chắc chắn sẽ cảm thấy buồn lòng. Trong tổng cộng 6 lần gặp nhau, tuyển quốc gia Việt Nam đều thua, thủng lưới tới 20 bàn và chỉ có 3 lần xuyên thủng mành lưới đối phương. Từ sân chơi giao hữu tới châu lục hay vòng loại World Cup, ĐTQG Việt Nam đều thua kém đối thủ.
Nhưng ở cấp độ U19, chúng ta từng lập được một kì tích. Đó là trận hòa 2-2 của U19 Việt Nam với U19 Trung Quốc hồi năm 2002. Thời điểm đó, U19 Việt Nam không được đánh giá cao và cũng chẳng có gương mặt nào nổi trội. Nhưng trong 1 trận chơi xuất thần, với chiến thuật hợp lý và sự tỏa sáng cá nhân cần thiết, U19 Việt Nam đã cầm hòa đối thủ chủ quan, khinh địch.
Giờ đây, trong một tình thế vừa giống, vừa khác, 19 Việt Nam lại đụng độ U19 Trung Quốc. Giống ở chỗ đối thủ vẫn rất coi thường U19 Việt Nam, chưa hề để các cầu thủ trẻ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… trong mắt. Và khác ở chỗ, chúng ta đang có một thế hệ cầu thủ trẻ rất tài năng, đáng để kỳ vọng.
HLV U19 Trung Quốc nhiều lần lên tiếng coi thường U19 Việt Nam
Trận đấu với U19 Nhật Bản đã cho thấy khi U19 Việt Nam thi đấu với sự tự tin cần thiết cùng quyết tâm cao độ, chúng ta chẳng thua kém nhiều các tuyển trẻ hàng đầu châu lục. Trong khi đó, U19 Trung Quốc dù thắng Nhật Bản, hòa Hàn Quốc nhưng cũng đều trong tâm thế của kẻ “cửa dưới” nên không quá vượt trội U19 Việt Nam.
Ở cuộc đối đầu chiều mai, U19 Trung Quốc sẽ phải thi đấu theo một cách khác, với tâm thế của kẻ cửa trên chứ không chú trọng phòng ngự như trước Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu biết cách nhận định chính xác và nhập cuộc hợp lý, đây sẽ là ưu thế cho U19 Việt Nam khi đối phương giảm bớt sức mạnh phòng ngự.
U19 Việt Nam đã bị loại khỏi VCK U19 châu Á nhưng nhiệm vụ đánh bại U19 Trung Quốc vẫn là rất quan trọng. Nếu có thể chiến thắng trận này, U19 Việt Nam sẽ làm nên lịch sử trước đối thủ nhiều duyên nợ, kì tích mà các đàn anh ở ĐTQG chưa bao giờ thực hiện được.