Arsenal cũng như ĐT Anh vừa phải chịu một tổn thất lớn khi Theo Walcott ngồi ngoài 6 tháng vì chấn thương. Tuy nhiên, sâu xa hơn, Walcott không phải là nạn nhân đầu tiên của cơn bãn chấn thương đang quét qua Premier League và đó là một hồi chuông cảnh báo về lịch thi đấu “tàn nhẫn” (từ của David Moyes) mà bóng đá Anh đang áp dụng, nhất là trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh.
13 ngày khốc liệt nhất
Sau đây là những gì một tiền vệ cánh của Arsenal nói về chấn thương đầu gối nghiêm trọng mà anh ta dính phải: “Các chấn thương luôn xuất phát từ nguyên nhân thể chất hoặc tâm lý…. Có lẽ tôi đã quá mệt mỏi về mặt tinh thần và không còn duy trì được sự tập trung. Tôi đã bị rút cạn sức lực bởi chuỗi trận đấu dài bất tận...”. Không, đó không phải là phát biểu của Theo Walcott. Đó là một phần trong cuốn tự truyện có tên Footballeur của bậc tiền bối Robert Pires, nhưng có lẽ những điều mà Pires nói cũng không sai là mấy khi áp vào trường hợp của Walcott.
Cựu Pháo thủ, Robert Pires, cũng từng rất "oải" vì Premier League
Phút 81 trận đấu vòng 3 Cúp FA giữa Arsenal và Tottenham, Walcott ngã xuống sau một pha tranh chấp với Danny Rose bên phía Tottenham và phải rời sân. Điều đó thì mọi người đã thấy. Nhưng có lẽ không phải ai cũng nhận ra đó đã là lần thứ 3 Walcott bị đau trong vòng chưa đầy 90 phút hiện diện trên sân, một dấu hiệu cho thấy rằng thể lực của tiền đạo mang áo số 14 đã cạn kiệt.
Không cạn kiệt sao được, khi mà Walcott đã chơi trận thứ 5 liên tiếp chỉ trong vòng 13 ngày, với tổng số phút thi đấu lên đến 430 (trận thắng Newcastle 1-0 ngày 29/12 là lần duy nhất anh được rút ra nghỉ sớm 10 phút). Và chắc chắn đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chấn thương nặng của Theo, như Pires mô tả ở trên. Cần phải nhắc lại rằng mật độ thi đấu 13 ngày/5 trận (tương đương 2,6 ngày/trận) là cực kỳ khủng khiếp, bởi ngay cả tại một giải đấu ngắn ngày và đòi hỏi thể lực cao như VCK World Cup thì các ĐTQG cũng chỉ phải chơi tối đa 4 trận trong vòng 12 ngày, tức 3 ngày/trận (trong trường hợp một trong số các đội nhất/nhì bảng E,F,G,H vượt qua vòng bán kết) mà thôi.
Ngoài ra, hãng dữ liệu thể thao Prozone đã chứng minh rằng việc ra sân với tần suất dưới 3 ngày/trận sẽ có tác động cực kỳ tiêu cực đến thể lực cầu thủ. Theo Prozone, những cầu thủ được nghỉ dưới 3 ngày cần thêm 3 giây để hồi phục sau khi vận động ở cường độ cao (ví dụ như bứt tốc độ trên 5,5 mét/giây), sẽ chạy nước rút ít hơn 10% và có khả năng bị chấn thương cao hơn tới 25% so với những người có từ 3 ngày nghỉ ngơi trở lên.
Cơn bão chấn thương
Walcott là cầu thủ mới nhất trở thành nạn nhân của lịch đấu bóng đá tại nước Anh
Loạt marathon vào cuối năm vốn là thời điểm khắc nghiệt nhất của Premier League và chất lượng của giải đấu thường sụt giảm đáng kể bởi các HLV liên tục phải xoay vòng lực lượng, các cầu thủ phải cố gắng “giữ chân” còn các CĐV không phải lúc nào cũng có thể đi theo đội nhà trong các chuyến du đấu vào dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên riêng năm nay thì tình hình còn tồi tệ hơn nhiều, bởi – như đã nói ở trên - Walcott không phải là nạn nhân duy nhất của cơn bão chấn thương đang quét qua Premier League.
Hiện tại, có tới xấp xỉ 25% tổng số cầu thủ ở giải Ngoại hạng đang phải làm bạn với bệnh viện, trong đó một số trường hợp cá biệt như Tottenham có tới 11 (!) thương binh. Tất nhiên không phải cầu thủ nào cũng dính chấn thương đúng vào dịp Giáng sinh (mà đã bị thương từ trước), nhưng loạt trận khắc nghiệt này thực sự đã khiến không ít người phải ngồi ngoài, đáng chú ý nhất có Rooney, Lampard (hông), Jesus Navas (đầu gối), Phil Jones (đầu gối), Soldado (đùi), Rio Ferdinand (đầu gối), Ramsey (hông), Agger, Ivanovic (đầu gối), Paulinho (mắt cá)...
Lịch thi đấu dày đặc không chỉ khiến các cầu thủ kiệt quệ, mà còn làm giảm bớt tính cạnh tranh ở Premier League (điều có thể dẫn đến các khó khăn trong việc bán bản quyền truyền hình) theo hướng có lợi cho các CLB lớn. Rõ ràng là các CLB nhỏ, dù muốn đến mấy, cũng không thể quay vòng cầu thủ một cách hiệu quả bởi lực lượng của họ là tương đối mỏng so với những đội bóng lớn, những CLB giàu có và có đủ tiền để trả lương cho ít nhất là 25 cầu thủ đẳng cấp trong biên chế.
Chỉ có Mourinho, với lực lượng trong tay rất đông đảo, là thích cường độ thi đấu của Premier League
Không phải ai (bao gồm cả Arsene Wenger, người rất muốn cho Walcott nghỉ ngơi nhưng cuối cùng buộc phải sử dụng anh vì Giroud và Bendtner đều bị đau) cũng có thể tự tin tuyên bố rằng “Mật độ thi đấu trong dịp Giáng sinh quả thực là rất cao… Tôi rất thích điều đó, tôi từng rất nhớ cái cảm giác được thi đấu này khi còn ở TBN và Italia” như Jose Mourinho. Và tất nhiên là không phải HLV nào cũng có trong tay lực lượng dồi dào đến mức có thể cất Mata, Oscar, Torres… trên băng ghế dự bị.
Chấp nhận trả giá đắt
Thực ra lịch thi đấu dày đặc không phải là chuyện gì mới, bởi người Anh đã thi đấu như thế từ gần 20 năm nay. Nhưng vấn đề là tốc độ của các trận cầu đã được nâng cao lên rất nhiều. Ngày nay các cầu thủ di chuyển nhiều hơn, tranh chấp nhiều hơn nên cũng hao tổn nhiều sức lực hơn cho 90 phút thi đấu, và nếu bạn xem lại một trận đấu trong khuôn khổ Premier League 1993/94 thì có lẽ nó chẳng khác gì phim quay chậm. Cách đây 20 năm các cầu thủ có thể chịu đựng được không có nghĩa là bây giờ họ vẫn có thể “tải” nổi cường độ chơi bóng khủng khiếp này.
Vậy đâu là giải pháp cho Premier League? Sắp xếp một kỳ nghỉ Đông triệt để như người TBN hay Đức là không khả thi bởi việc thi đấu vào dịp nghỉ lễ đã trở thành thương hiệu của bóng đá Anh, ngoài ra tổng số trận đấu của người Anh cũng cao hơn rất nhiều. Bên cạnh một giải VĐQG 20 đội, họ còn có Cúp Liên đoàn và Cúp FA – chỉ riêng các trận đá lại của giải Cúp lâu đời nhất thế giới này cũng chiếm một thời lượng đáng kể.
Nước Anh nên bỏ League Cup để giảm tải cho các đội bóng?
Thế thì người Anh sẽ phải xem xét đến việc cắt giảm bớt số đội tham dự Premier League, thay đổi thể thức FA Cup (bỏ các trận đá lại) hoặc dẹp luôn Cúp Liên đoàn. Tất cả các giải pháp này đều có một cái giá đắt bởi chúng hoặc sẽ làm giảm giá trị hợp đồng bản quyền truyền hình, hoặc sẽ động chạm đến lòng tự hào của quốc gia khai sinh ra bóng đá. Nhưng xem ra đã đến lúc Premier League phải “nghiến răng” chấp nhận…
Các con số thì không biết nói dối, và chúng nói rằng tháng 12 thực sự là giai đoạn khốc liệt nhất trong một mùa giải Ngoại hạng Anh. Kể từ khi Premier League ra đời đến nay, đã có tổng cộng 433 ca chấn thương diễn ra trong tháng cuối cùng của năm, bình quân khoảng 20 ca/mùa và 4 ca/vòng đấu, cao gần gấp đôi mức bình quân (248 ca/tháng).
Số ca chấn thương ở Premier League theo từng tháng
Điếc không sợ súng?
Trong khi rất nhiều đồng nghiệp vừa trải qua một phen khốn khổ với lịch đấu khủng khiếp dịp cuối năm thì Mesut Oezil lại đón nhận nó một cách cực kỳ hớn hở. “Lần đầu tiên không có kỳ nghỉ Đông tất nhiên là một chuyện không bình thường. Tuy nhiên tôi rất hài lòng với việc được chơi 2-3 ngày/trận, bởi tôi thích chinh phục các thử thách và việc thi đấu mang lại cho tôi cảm giác đó”. Oezil đúng là… nghé con không sợ hổ và có lẽ anh sẽ sớm nếm mùi kiệt sức vào thời gian tới, như những gì mà Mata, Silva, Aguero hay Suarez từng trải nghiệm.
Trong mùa bóng đầu tiên trên đất Anh, cả 4 ngôi sao Latin (và đã quen được nghỉ Đông) này đều xuống phong độ thê thảm ở nửa sau mùa giải mà nguyên nhân chính là không đảm bảo thể lực. Lấy ví dụ như Silva: trong nửa đầu mùa 2011/12 anh có bình quân 74.78 lần chạm bóng, 0.28 bàn, 2.61 cú dứt điểm, 0.44 đường kiến tạo và 58.11 đường chuyền mỗi trận, nhưng sang nửa sau thì các con số này lần lượt giảm xuống còn 70.58, 0, 2.17, 0.33 và 54.17.