LTS: Hồng Sơn đã khắc tên mình vào ngôi nhà của những huyền thoại bóng đá Việt Nam. Sau những năm tháng cống hiến mang về vinh quang cho tổ quốc, Hồng Sơn giờ đã lui về phía hậu trường để nhường sân chơi cho các đàn em. Để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về những góc khuất, về cuộc sống hiện tại của Hồng Sơn, chúng tôi xin gửi tới độc giả loạt bài "Hồng Sơn - Góc khuất nơi hậu trường".
Từ đứa trẻ ngỗ ngược
Ít ai biết được rằng ngày Hồng Sơn còn nhỏ, bà Sinh – mẹ anh, đã phải tìm mọi cách để ngăn cản con trai chơi bóng. Khi ấy, nhà bà Sinh đông con (tính tổng cộng bà có 5 người con trai và 1 con gái) lại chiến tranh, loạn lạc nên điều duy nhất mong muốn chỉ là những đứa nhỏ chăm chỉ học hành, xong về nhà lo việc gia đình. Nhưng với những đứa trẻ yêu thích bóng đá, lấy đường phố làm sân chơi như Hồng Sơn cùng ông anh Sỹ Long thì điều đó thật sự quá khó.
“Ngày còn bé, Sơn thường xuyên trốn đi đá bóng cùng anh Sỹ Long. Lúc đó nhà tôi 5 năm đẻ tới 4 đứa, rất khó khăn. Chính vì thế mà tôi đã tìm nhiều cách để ngăn lũ trẻ đi đá bóng. Đánh thì không đến nỗi, nhưng tôi từng xích chúng lại để không cho đi chơi rồi!”, bác Sinh chia sẻ.
Càng bị ngăn cấm, tình yêu bóng đá trong Hồng Sơn và Sỹ Long càng mãnh liệt. Hai đứa nhỏ ngày ấy hết cách, đã van nài, khóc lóc đủ kiểu để mong bố mẹ cho đi chơi bóng như vô hiệu. “Túng quá làm liều”, Hồng Sơn cùng anh trai liền tìm cách bẻ khóa để đi đá bóng.
“Chẳng hiểu chúng nó làm cách nào mà mở được cả xích để đi đá bóng. Được cái 2 đứa cũng biết nghĩ, trốn đi đá bóng xong về nhà liền chui vào nấu cơm, dọn nhà nịnh bố mẹ. Cấm mãi rồi chúng nó cứ chơi bóng nên cũng đành để vậy…”.
Bản tính hiền lành, chăm chỉ nên khi chơi đá bóng, dù có chểnh mảnh học hành đôi chút, Hồng Sơn không hề khiến bố mẹ buồn lòng về chuyện gia đình. Anh chăm chỉ làm việc nhà như giặt quần áo, nấu cơm rồi đến tối lại phụ mẹ tăng gia sản xuất. Ngày ấy, nhà Hồng Sơn cũng như bao gia đình khác, cũng nhận làm các công việc phụ như dán túi nylon, cắt diềm lọ thuốc… Những điều ấy, Hồng Sơn đều chăm làm và rất khéo.
Là một người con hiếu thảo, giờ khi làm chồng làm cha, Hồng Sơn cũng rất đảm đang, chỉnh chu
Niềm tự hào của mẹ
Từng cấm con chơi bóng đá, nhưng chính bản thân bác Sinh lại là một fan cuồng nhiệt của môn thể thao vua. Chính vì thế khi con trai sau này trở thành một danh thủ, người mẹ ấy vô cùng tự hào.
“Thực ra không phải đến khi con trai thành danh mới tự hào mà điều đáng kể nhất là Sơn luôn thi đấu rất “lành”, trên sân không bao giờ đá láo. So với nhiều cầu thủ khác, Sơn cũng rất khiêm tốn không thích khoe khoang. Cho đến bây giờ khi đã chuyển sang nghiệp huấn luyện rồi, đã hơn 40 tuổi, Sơn vẫn được khán giả yêu thích. Mỗi khi nó vào Nam, vẫn có nhiều người nhận ra rồi la lên “Ơ, Hồng Sơn”, sau đó chạy lại tay bắt, mặt mừng… So với các cầu thủ cùng thuộc thế hệ Vàng, Sơn có âm hưởng lâu dài hơn”, bác Sinh chia sẻ tiếp.
Là phụ nữ đấy, nhất là lại trong giai đoạn đất nước khó khăn, còn có nhiều định kiến về phái yếu nhưng bác Sinh luôn hết lòng ủng hộ con trai, đồng hành cùng Hồng Sơn ở mọi nơi anh đi qua chinh chiến. Từ Đồng Tháp nắng lửa tới Sài Gòn náo nhiệt hay các nước bạn Đông Nam Á, bác Sinh đều đã từng đi qua. Với Hồng Sơn, mẹ là một chỗ dựa tinh thần vững chắc và đôi khi còn là một người tư vấn về cả các yếu tố chuyên môn.
“Những khi Hồng Sơn bị chấn thương hay phải chịu ấm ức đều có tâm sự với tôi. Khi ấy là một người mẹ, mình thương con nhưng phải khuyên con giữ sự bình tĩnh, bền gan bền chí ắt điều tốt sẽ tới. Như năm 1996 Sơn chấn thương rồi ít được ra sân thì tôi cũng khuyên nhủ con nhiều. Đến năm 1998, Sơn ẵm Quả bóng vàng rồi những năm sau đó gặt hái thêm nhiều vinh quang nữa…
Như ở trận Chung kết Tiger Cup 1998, Hồng Sơn đá với Singapore thì bị thua 1 trái. Lúc đó trong giờ nghỉ tôi cũng có gặp con trai rồi khuyên nhủ, góp ý. Dù mẹ là phụ nữ nhưng Sơn vẫn luôn lắng nghe và chắt lọc những lời khuyên hữu ích!”
Chuyển sang công tác đào tạo trẻ đã lâu nhưng Hồng Sơn vẫn để lại âm hưởng rất lớn với NHM bóng đá Việt Nam
Ở tuổi 70, bác Sinh vẫn rất khỏe mạnh nhờ luôn giữ gìn thật tốt tiếng cười trong cuộc đời. Và chắc chắn Hồng Sơn là một phần rất lớn tạo ra những tiếng cười cho mẹ. Song vì cậu con trai danh thủ, không ít lần bác Sinh phải bật khóc.
“Nhớ lần Hồng Sơn đá xong Tiger Cup 1996 trở về Việt Nam, tôi đã đứng ở dưới chờ con rất lâu mà không thấy từ máy bay bước xuống. Mãi rồi thấy Sơn ra, vẫn cười tươi nhưng chân bị gãy, phải chống 2 nạng. Lúc ấy, nước mắt cứ dàn dụa không sao ngăn lại. Thương con lắm!”
Cười vì con, khóc vì con, ở tuổi thất thập cổ lai hi bác Sinh đã có thể hoàn toàn mãn nguyện với Hồng Sơn. Không chỉ khiến mẹ hãnh diện nhờ tài năng bóng đá hay đạo đức nghề nghiệp, Sơn “công chúa” còn là một con người mẫu mực trong đời sống thường nhật.
“Sơn là đứa con rất ngoan, biết lo cho bố mẹ, anh em. Nó thậm chí còn sẵn sàng chịu thiệt để giúp đỡ mọi người. Ví dụ như Sơn có 2 ông cậu trước cũng đá cho Thể Công rồi làm HLV ở Hòa Phát nhưng CLB này giải tán. Sau đó chuyển qua làm HLV ở Hà Nội ACB cũng giải tán. Khi ấy, Sơn đều đứng ra giúp đỡ các cậu có công ăn, việc làm.
Về kinh tế, có rất nhiều đồng đội cũ hơn Hồng Sơn đến cả chục lần nhưng nếu nói về dư âm thì không thể bằng. Ở quân đội Sơn là gương mặt tiêu biểu còn với người xung quanh luôn rất hòa đồng, dễ chịu. Đến cả các anh cảnh sát giao thông thi thoảng có dừng xe Hồng Sơn lại cũng nói chuyện, hỏi han vui vẻ rồi đi tiếp chứ không thấy khó chịu hay chê trách Sơn mắc bệnh “sao”!”