Hôm qua, người viết gọi điện thoại hỏi 2 vị lãnh đạo VFF (xin được giấu tên), câu hỏi đó.
Bởi không chỉ giới chuyên môn, lãnh đạo Tổng cục TDTT, trên đó là Bộ VH,TT& DL (cơ quan quản lý nhà nước với VFF), hàng triệu khán giả đều đang rất nóng ruột trước sự phát triển "nhàn nhạt" của bóng đá Việt.
Từ đó, việc đặt câu hỏi ông Miura có giỏi thực hay không, đã chạm giới hạn chưa, là chính đáng. HLV người Nhật Bản đã làm việc với bóng đá Việt Nam 1 năm 3 tháng.
Hai vị quan chức VFF, như đụng vào huyệt đạo nhạy cảm nhất, đồng loạt “thôi thôi chú “tha” cho anh, rất sợ nhận xét về năng lực ông Miura lúc này”.
Có những tiêu chí để chọn HLV ngoại, trong đó am hiểu bóng đá Việt và bóng đá Đông Nam Á, vốn rất được VFF coi trọng. Chừng đó thời gian, HLV người Nhật vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới hiểu hết vấn đề bóng đá “vùng trũng”.
Đặc biệt là phải có sự chống lưng tối đa của bộ phận chuyên môn VFF, các trợ lý, trong việc chọn quân, tham mưu các vấn đề chuyên môn.
Chúng ta có thể thấy rất rõ, những chuyến vi hành của Miura đến các sân xem giò cẳng cầu thủ, ngồi cạnh ông, không phải là những người làm chuyên môn, ví dụ ông Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn chẳng hạn.
Năng lực của HLV Miura thể hiện qua thành tích cùng đội tuyển Việt Nam ở các giải đấu. Ảnh: Hoàng Huy
Ông Trần Quốc Tuấn vẫn “ôm” quá nhiều việc, đến mức nhiều người rất dễ lẫn ông vẫn còn là Tổng thư ký VFF, vì ông vẫn ưu tiên mảng kiếm tiền tài trợ và thiết lập quan hệ cho bóng đá Việt Nam.
Các trợ lý thì phải còn lo việc làm việc cho cơ quan chủ quản, tâm trạng đâu mà theo phò tá Miura.
Tháng 5/2014, khi Miura ký hợp đồng với VFF bắt tay làm việc, V-League đã bước qua vòng 16. Có nghĩa, số trận ông xem V-League là quá ít ỏi.
Cho nên, quy trình tuyển người vẫn chủ yếu do “quân ta” thiết kế. Mùa giải năm nay, ông cũng xem không quá dăm trận, khó có thể hiểu rõ thực lực cầu thủ các CLB.
Có câu chuyện người ta còn thấy lạ. Đấy là hôm Hải Phòng đá với B.Bình Dương vòng 11.
Chỉ xem Quốc Trung thi đấu 30 phút, HLV Miura đã "chấm" Quốc Trung trong sự ngỡ ngàng của HLV Trương Việt Hoàng và không chỉ riêng Trung, một cầu thủ trường kỳ dự bị từ SLNA cho đến Hải Phòng.
Xem Trung đá hơn 30 phút trận gặp Thái Lan vòng loại World Cup 2018, tiền vệ này chỉ giỏi… phá bóng và “chặt chém”, nhiều người ngán ngẩm!
Trường hợp của Quốc Trung rất giống với Minh Tâm của SHB Đà Nẵng trong đợt tập trung hồi tháng 6/2014. Tiền vệ của đội bóng sông Hàn cũng “leo” thẳng lên tuyển trong sự ngỡ ngàng của tất cả.
Mới đây, khán giả xứ Thanh, khi có mặt HLV Miura, hẳn vẫn ấm ức khi Đình Tùng của họ phong độ tốt thế, nhưng vẫn không lọt được vào mắt xanh ông thầy Nhật Bản.
Giới chuyên môn, nhìn vào danh sách đội tuyển gần nhất, đá với Man City, cũng không thể vui vì họ cho rằng nhiều gương mặt phong độ chưa tốt. Vẫn bỏ sót nhân tài, cầu thủ xứng đáng lên tuyển hơn.
Quả là khá lo cho ông Miura, khi làm so sánh, đến ông Calisto vốn đi lên từ CLB, ông A.Riedl quá hiểu biết bóng đá lẫn văn hóa Việt, vẫn không thể đưa bóng đá Việt Nam vượt ngưỡng.
Việc chúng ta chọn mô hình bóng đá Nhật Bản để học, là tốt. Vệc chọn HLV họ cũng không sai. Vấn đề, nếu HLV Miura giỏi, thì bóng đá chúng ta mới được nhờ.
Chứ chỉ để dừng lại tấm HCĐ SEA Games 2014, bán kết AFF Cup 2014, nay hướng đi cũng như diện mạo các đội tuyển vẫn đang “mơ mơ, màng màng”, nói thẳng ai làm chẳng được, cần gì ông Miura.
Làm sao giải mã HLV Miura giỏi hay không đã khó.
Khó hơn nữa là bộ phận chuyên môn VFF phải sắp xếp công việc, đầu tiên phải từ ông Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, dành thời gian hậu thuẫn cho ông Miura, thay vì giao phó hết cho ông thầy Nhật Bản, kể cả trách nhiệm khi thất bại.
Thời gian sẽ là vị trọng tài chân xác nhất để đo tài năng. Để biết ông Miura có thực tài hay không, hay chỉ là người hiền lành, có kỷ luật cao, lối sống nghiêm túc, chuyên nghiệp…, e rằng lúc đó đã quá muộn.
Trong bóng đá, “có chuyên môn cao”, vẫn phải là tiêu chí hàng đầu. Chúng ta cần trải lòng với bóng đá Nhật Bản, cần Miura, nhưng đừng quên chúng ta cần nhất là tinh túy của bóng đá họ!