LTS: Hồng Sơn đã khắc tên mình vào ngôi nhà của những huyền thoại bóng đá Việt Nam. Sau những năm tháng cống hiến mang về vinh quang cho tổ quốc, Hồng Sơn giờ đã lui về phía hậu trường để nhường sân chơi cho các đàn em. Để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về những góc khuất, về cuộc sống hiện tại của Hồng Sơn, chúng tôi xin gửi tới độc giả loạt bài "Hồng Sơn - Góc khuất nơi hậu trường"
Từ “phim Hàn” tới sân cỏ
Chia sẻ về những giọt nước mắt trong cuộc đời, Hồng Sơn cười kể:
“Cuộc sống thường ngày chưa có gì quá to tát xảy ra để mình phải rơi nước mắt. Nhưng có những thứ rất nhỏ, như một bộ phim tình cảm sướt mướt (cỡ phim Hàn Quốc) lại có thể khiến mình rơm rớm. Tất nhiên những khi đó thì thường giấu ngay đi không vợ con nhìn thấy lại cười!”.
Từ giọt nước mắt trước màn ảnh nhỏ như thế mới thấy Hồng Sơn là một con người đa sầu, đa cảm. Trong sự nghiệp bóng đá đỉnh cao của mình, anh gặt hái vô số thành công nhưng sự nghiệp cũng lắm lúc thăng trầm, để giọt nước mắt phải rơi bi lụy.
“Những năm 90/91 triệu tập ĐTQG để sang Philippin thi đấu, có một số cầu thủ bị loại để nhường chỗ cho các đàn em trẻ hơn. Ấy thế nhưng do một số lý do tế nhị, như kinh tế chẳng hạn, thì mình lại không được vào đội tuyển. Hồi đó mình là gương mặt trẻ, nhưng cũng đá không tệ, vì thế bị bỏ ở nhà cũng suy nghĩ, có tâm tư… Rồi khi nghe đội tuyển đá ở nước bạn thua thì càng ấm ức. Trong lòng luôn nghĩ giá như mình được thi đấu, đó không chỉ là may mắn cho mình mà biết đâu còn giúp thêm được cho tuyển. Khi đó cũng xúc động, ấm ức lắm.
Rồi năm 97, khi ấy Thể Công đang gặp khủng hoảng khi 1 loạt đàn anh như Đoàn Ngọc Tuấn, Trần Minh Quang, Đinh Thế Nam, Đặng Văn Dũng, Sĩ Long, Hải Sáng… giải nghệ cho thế hệ trẻ của các Phương Nam, Quốc Trung… lên thay thế. Hồi đó thì mình cũng đang bị chấn thương nhưng rất có ý chí tập luyện để sớm trở lại sân cỏ. Khi mùa giải trôi qua được 1 giai đoạn, bản thân mình cảm thấy đã có thể thi đấu và lãnh đạo theo dõi sát sao chắc chắn cũng nhận thấy sự bình phục của mình.
Nhưng BLĐ CLB lại sử dụng các cầu thủ trẻ, một vài thành phần là con ông cháu cha chưa hợp lý. Mình thì bị cho là phong độ chưa tốt phải ở nhà, không cho đi theo đội. Buộc phải chấp nhận. Rồi 1, 2 trận sau đó lực lượng sứt mẻ, dính chấn thương, thẻ vàng thẻ đỏ mới nghĩ tới mình, gọi điện nhắn nhủ, hỏi mình có quyết tâm không thì tạo điều kiện để thi đấu. Cách người ta hành xử không hợp lý khiến mình cũng bức xúc, ấm ức. Rồi sau đó 2, 3 trận nữa Thể Công vẫn thi đấu kém họ mới quyết tâm gọi mình về. Ở trận gặp Cảng Sài Gòn, mình trở lại và ghi 2 bàn giúp đội chiến thắng. Đó là câu trả lời rất rõ cho BLĐ và là một kỉ niệm khó quên với Hồng Sơn”.
Hồng Sơn hiện làm HLV tại trung tâm tập huấn của Viettel
Bên cạnh những giọt nước mắt khiến Hồng Sơn khắc cốt, ghi tâm ấy, còn vô số các nỗi niềm bức xúc của cựu danh thủ này. Quả thực có mấy ai biết, phía sau một tên tuổi lừng lẫy, một sự nghiệp hoành tráng, Hồng Sơn phải chịu không ít thiệt thòi vì bản tính quá hiền lành, đôi khi như chịu đựng.
“Nếu nói là những bức xúc quá lớn thì chưa có, nhưng người ta thường nói “con khóc thì mẹ mới cho bú”. Có những điều mình hay im lặng, cam chịu, hay nghĩ thôi thì được xã hội, NHM công nhận đã là đủ, rồi không đòi hỏi nữa, từ chuyên môn tới kinh tế.
Như các cầu thủ ở địa phương, họ được đãi ngộ về căn hộ, nhà… còn mình chưa đòi hỏi, chưa xin mà đơn vị, nhà nước hay quân đội cũng chưa tạo điều kiện cho… Những cái đó có thời điểm cũng làm mình buồn tủi, cảm thấy thiệt thòi khi đem ra so sánh với các đồng nghiệp ở những vị trí khác, môn thể thao khác trong quân đội”.
Nhớ thời xách dép, vơ áo chạy thục mạng
Lạm bàn về những chuyện không vui với trái bóng, Hồng Sơn kể lại kỉ niệm ngày còn bé xíu, vô tư, hồn nhiên thi đấu trên vỉa hè, hay dưới lòng đường Hà Nội. Những khi ấy, cậu bé Hồng Sơn thực sự được vô tư chơi bóng mà chẳng phải nghĩ đến ai, ngoại trừ những người hay đuổi mình chạy thục mạng.
“Thời trẻ con vô tư hồn nhiên thật sự thú vị. Khi ấy mình chủ yếu đá bóng ở vỉa hè hay lòng đường với các bạn cùng xóm. Thời đó đất nước còn khó khăn, sân bãi, đồ dùng thi đấu không có nhưng rất vui vẻ. Đá bóng đường phố, đôi khi cũng đá vỡ kính hay đá bóng vào nhà hàng xóm rồi lại bị cả đội trật tự đuổi phải vơ vội dép với quần áo chạy thục mạng… Đó đều là những kỉ niệm không thể nào quên”, Hồng Sơn chia sẻ.
Năm 1980 là thời điểm thay đổi cuộc đời của Hồng Sơn. Từ một cậu bé đá bóng đường phố, còn bị bố mẹ ngăn cấm do quá mải túc cầu mà lơ đãng học tập, anh thi đỗ vào lớp đào tạo tài năng của Thể Công.
“Trong 1 tuần mà có mấy nghìn trẻ em từ cả nước về dự thi. Hồi đó phải vượt qua 3 bài thi thì mới được chọn. Ai được chọn thì vô cùng vinh dự và mình cũng nhờ đó được bố mẹ chấp nhận cho chơi đá bóng thoải mái”.
Xa thời xách dép chạy trốn vì đá bóng đường phố, Hồng Sơn vào môi trường tập luyện chuyên nghiệp và lập tức là cái tên sáng giá của Thể Công. Nhờ tài năng cũng như sự chăm chỉ, ham học hỏi mà Hồng Sơn là cầu thủ được đôn lên đá đội 1 đầu tiên so với các bạn cùng lứa. Cũng trong mùa đầu tiên đó, anh đoạt danh hiệu Vua phá lưới và cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải các đội mạnh toàn quốc. Còn Thể Công vô địch giải này.
Với Hồng Sơn, dù sau này đoạt nhiều thành tích tập thể cũng như cá nhân chói sáng khác, anh luôn nhớ đến màn khởi đầu thuận lợi của năm 1990.
Gia đình 1 vợ, 3 con ấm cúng của Hồng Sơn
Phía sau một sự nghiệp
Hồng Sơn đã có gần như tất cả với bóng đá: Sự nghiệp, gia đình và địa vị xã hội cũng như một nền tảng kinh tế tương đối ổn định, dù chưa được sang trọng như nhiều danh thủ cùng thời với anh. Nhưng không phải ai cũng biết về nỗi đau mà anh vẫn phải chịu đựng từng ngày, từng giờ vì bóng đá.
Trong sự nghiệp của mình, Hồng Sơn đã có 4 lần chấn thương nặng phải mổ. Đó là chưa kể tới vô vàn các chấn thương nhẹ hơn, như gãy xương mác, lật cổ chân, đau háng… Những vết thương ấy ngay từ khi anh còn thi đấu vẫn luôn hành hạ, nói gì khi bây giờ tuổi ngày một cao…
“Chân trái từng phải mổ 1 lần đứt dây chằng chéo và vỡ sụn chêm. Chân phải cũng vỡ sụn chêm phải mổ đầu gối 2 lần. Rồi 1 lần gãy mũi cũng phải mổ… Ngoài ra thì còn có rất nhiều vết thương khác. Ngày còn thi đấu bóng đá, những chấn thương ấy đã hành hạ mình khủng khiếp, mỗi khi trái gió trở trời là đau. Rồi có khi đang bước đi thì bị hẫng mà ngã xuống… Đến bây giờ, những cơn đau nhức diễn ra rất thường xuyên…”.
Đa sầu, đa cảm, thực tế là Hồng Sơn ít khi nào than phiền về những điều chưa tốt anh gặp phải. Vốn bản tính chịu đựng, anh vẫn luôn cho rằng cuộc sống đã quá may mắn với mình. Trong mắt các học trò ở trung tâm đào tạo của Viettel, thầy Sơn là một người hết lòng, tình cảm và đặc biệt vui tính. Chuyện anh trêu đùa một học trò nào đó trong các buổi tập diễn ra như cơm bữa, khiến thời gian huấn luyện luôn rất vui vẻ, tình cảm. Thiệt thòi đấy, nhưng đúng là sống tình cảm và được người tình cảm lại như Hồng Sơn bây giờ thật sự đáng quý hơn rất nhiều thứ trong cuộc đời!