“Gia đình chúng tôi đáng tính tới chuyện cho con mình nghỉ bóng bàn thôi, đi thi đấu mà bị đánh đến vỡ đầu chảy máu thế này, hỏi bố mẹ nào chẳng xót xa”, đó là lời tâm sự của gia đình VĐV Lê Tiến Đạt, một trong 2 tay vợt vừa dính vào vụ ẩu đả và bị kỉ luật tạm loại khỏi ĐT bóng bàn QG.
“Xảy ra vụ việc như thế này, gia đình chúng tôi rất đau lòng, xót xa vì con, mà lại ức chế nhiều điều. Nhà chúng tôi ở Phú Thọ, sự việc xảy ra, được phản ánh trên báo chí, ở đây ít thông tin..
Nhiều người nói rằng con chúng tôi bị kỉ luật, bị trả về địa phương, rồi là con ông bà là VĐV Đội tuyển quốc gia mà ẩu đả đánh nhau, ảnh hưởng đến hình ảnh Đất nước, điều đó ảnh hưởng đến cháu, ảnh hưởng đến cả danh dự gia đình…”. Khi nói, mẹ của VĐV Lê Tiến Đạt còn rơi nước mắt vì không kiềm chế được cảm xúc.
Sự kỳ vọng của gia đình vào cậu bé mê bóng bàn
Lê Tiến Đạt mới 19 tuổi, là thành viên trẻ tuổi nhất của ĐT bóng bàn QG Việt Nam. 18 tuổi, Đạt vô địch nội dung cá nhân giải các đội mạnh toàn quốc, điều mà những đàn anh tên tuổi còn chưa làm được.
Sau vụ 2 tuyển thủ bóng bàn QG là Lê Tiến Đạt và Tô Đức Hoàng ẩu đả trên đất Lào tại giải VĐ Đông Nam Á, cả hai tay vợt này cùng HLV trưởng Lê Xuân Phong đều đã phải nhận án kỉ luật nghiêm khắc là tạm loại khỏi ĐT QG.
Vụ việc VĐV của các ĐT ẩu đả nhau, 1 VĐV phải nhận án kỉ luật, cũng là một chuyện đã từng xảy ra nhiều lần, tính chất không quá to tát, nhưng không ngờ, chỉ một án kỉ luật “tạm loại khỏi ĐT” lại mang đến những niềm đau cho cả một gia đình.
Từ ngày học lớp 3, mới 8 tuổi, cậu nhóc khá còi Tiến Đạt bắt đầu biết đến bóng bàn, vác vợt theo các anh các chú tập tọe vài đường cơ bản.
Năng khiếu bộc lộ, rồi cũng vì đam mê quá lớn của con, gia đình Đạt cho con về Hà Nội và theo tập bóng bàn, thỏa mãn ước mơ của cậu bé muốn trở thành một tay vợt chuyên nghiệp.
Ở mỗi giải đấu, nếu sắp xếp được công việc, bố mẹ Tiến Đạt lại khăn gói theo chân con, chăm sóc và cổ vũ cho con ở từng giải đấu.
Giải đấu đầu tiên của Tiến Đạt là giải Thiếu niên nhi đồng toàn quốc ở tận Kiên Giang, tay vợt nhí lần đầu biết thế nào là thi đấu, đánh trận đầu thua luôn, bị loại thẳng cẳng khi gặp một đối thủ quá mạnh của Đoàn TP HCM.
Không nản chí, biết thầy Đức Long có mở lớp dạy ở Hải Dương, bố mẹ Tiến Đạt lại đưa con đến học. Năm lớp 5, Tiến Đạt có thành tích đầu tiên ở giải trẻ tại TP HCM. Phụ huynh và bản thân Tiến Đạt thực sự vui mừng với chiến tích đầu đời.
Sau những giải thiếu niên nhi đồng, Tiến Đạt trở thành VĐV của Đoàn Quân đội, năm nào cũng có huy chương ở các giải toàn quốc.
Tham dự giải Học sinh Đông Nam Á, Tiến Đạt có một giải nhì nội dung cá nhân, một giải nhất đồng đội. Việt Nam vốn không có thế mạnh và chỉ là “chiếu dưới” ở khu vực Đông Nam Á về bóng bàn, và những thành tích như thế vô cùng đáng quí.
Bố của tay vợt này cho biết: “Suốt quãng thời gian đó, con chúng tôi vẫn chỉ là cậu bé yếu về sức vóc, các thầy của cháu còn lo cháu không đủ chiều cao và thể lực.
Chỉ 2 năm trở lại đây, con tôi mới gọi là phổng phao lên đôi chút. Con đi tập xa nhà, nhớ con, rồi thương con ốm đau, hai vợ chồng tôi cứ phải thay phiên nhau ở gần chăm sóc cháu, tuần nào cũng đi đi về về đường xá xa xôi.
Nó mê tập bóng bàn đến nỗi chấn thương, rồi bị cả căn bệnh thoát vị đĩa đệm hành hạ, gia đình lại phải đưa vào viện Việt Đức điều trị hàng tháng trời.”
Gia đình Tiến Đạt khi thấy con quyết tâm theo đuổi sự nghiệp, cũng đã bỏ tiền túi tự túc phần nào kinh phí, cùng với sự hỗ trợ của đơn vị Quân đội đưa em sang Trung Quốc tập huấn dài hạn.
Và giờ đây thì không muốn con theo nghiệp VĐV nữa
19 tuổi, Tiến Đạt trở thành thành viên trẻ nhất ĐTQG. Theo tìm hiểu của PV, bóng bàn là bộ môn mà thành tích chuyên môn thể hiện khá rõ, Tiến Đạt đánh bại được hết các đàn anh tên tuổi như Đinh Quang Linh, Tuấn Quỳnh.
Ở vòng tuyển chọn VĐV cho giải VĐ Đông Nam Á vừa qua, đánh theo thể thức vòng tròn giữa 6 tay vợt, Tiến Đạt thắng 4 thua 1, đứng đầu, và việc VĐV trẻ này được lựa chọn là hoàn toàn xứng đáng.
Khâu 5 mũi trên đầu, máu vẫn chảy trên vết thương, Tiến Đạt vẫn xung phong đánh trận gặp Indonesia, nhưng ĐT Indonesia quá mạnh và cả Đạt lẫn 2 tay vợt đàn anh đều phải chịu gác vợt.
Đạt cùng tay vợt Huy Hoàng đánh tiếp trận đôi nam và chỉ chịu thua đối thủ sau séc thứ 5.
Ông Mạnh Hùng (bố của Đạt) cho biết: “Vụ việc ẩu đả xảy ra, chúng tôi không nói đến chuyện sai hay đúng nữa. Dù thế nào, em nó cũng đã vi phạm kỉ luật và nhận án kỉ luật nghiêm khắc...”
Phụ huynh của tay vợt này cũng cho biết: “Cháu nó trẻ người non dạ, không kiềm chế được mình, dù chỉ là có hành động tự vệ. Nhưng phải chăng con chúng tôi trở thành một “nạn nhân” của sự đấu đá, đố kị nhau của người lớn.
Cháu Đạt cũng rất ân hận bởi vì sự việc của mình mà thầy cháu là HLV Lê Xuân Phong cũng phải nhận án kỉ luật.”
Gia đình tay vợt Tiến Đạt tâm sự trong nỗi buồn: “Gia đình bỏ bao công sức cho sự nghiệp của cháu, cháu nó cũng đã có được những thành tích nhất định, nhưng nào có ai biết đến.
Đến khi xảy ra sự việc ẩu đả, rùm beng lên thì bỗng nhiên người ta biết đến Tiến Đạt. Chúng tôi ở quê, người ta nhìn vào và nói rằng con ông bà đánh nhau, giờ bị đuổi về địa phương rồi đấy, mà trên thực tế em nó chỉ tạm bị loại khỏi ĐT QG ở giải cây vợt vàng sắp tới và khi bị kỉ luật thì được trả về đội.
Sau vụ việc này, phía VĐV Tô Đức Hoàng cũng chưa hề có một lời nào hỏi han gì đến con chúng tôi.”
Những tấm bằng khen, những tấm huy chương, những hình ảnh 2 cha con từ ngày Đạt còn bé đi thi đấu, hình ảnh Đạt trưởng thành từng ngày luôn được cha mẹ Đạt trân trọng lưu giữ.
Lắng nghe những tâm sự của phụ huynh VĐV Tiến Đạt, chúng tôi chợt nhớ đến những lời phát biểu của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, 1 người rất quan tâm đến thế hệ trẻ:
“Việt Nam ta vốn đã thiếu tài năng ở đủ mọi lĩnh vực, những tài năng trẻ là cực kì quí giá. Không biết nâng niu trân trọng, chăm sóc cho những tài năng ấy, thì làm sao phát triển được.”