1. Vài ngày gần đây, các đội tuyển quốc gia triệu tập rầm rộ chuẩn bị cho vòng loại EURO 2016. Và thường thì mỗi đợt đội tuyển hội ngộ, nó lại đến liền sau một loạt trận tại các giải VĐQG. Chính từ sự trùng hợp đó làm nảy sinh một câu hỏi: Những sát thủ trong màu áo CLB rốt cuộc để hồn ở đâu mỗi khi thi đấu dưới lá cờ tổ quốc.
Trong bài viết này, ta sẽ điểm danh vài cái tên gây tranh cãi trong dư luận.
Nhân vật gây bão vài ngày gần đây là một tiền đạo đang có phong độ cực cao trong màu áo CLB Chelsea: Diego Costa. Tân binh của The Blues đang khuynh đảo Premier League vẫn bằng kỹ năng mà anh đã thể hiện thuần thục trong màu áo Atletico Madrid trước đó: Dứt điểm.
Theo thống kê của Opta, Costa ghi được 9 bàn thắng cho Chelsea chỉ sau 16 pha dứt điểm. Tức là cứ trung bình 2 lần sút hoặc đánh đầu, Costa lại ghi bàn. Đó là phong độ trong mơ của bất kỳ tiền đạo nào trên thế giới, và Costa dĩ nhiên trở thành cầu thủ mà bất kỳ ĐTQG nào cũng mong muốn được triệu tập.
Diego Costa đang bùng nổ ở Chelsea
Nhưng Tây Ban Nha thì chưa chắc. Diego Costa ở La Roja mang một diện mạo khác hẳn. Tại World Cup vừa qua, Costa là hình ảnh đại diện cho thất bại của ĐT Tây Ban Nha. Trên đất Brazil, Costa vụng về, vô duyên, chậm chạp… nói chung là không có bất kỳ phẩm chất nào của một tiền đạo hàng đầu.
Ngay ở lần triệu tập này, HLV Vicente Del Bosque cũng bóng gió nói rằng, ông thích dùng Pedro của Barca hơn là bố trí Costa đá trung phong. Vậy nguyên nhân nào biến sát thủ của Chelsea trở thành chú gà dưới lá cờ tổ quốc?
2. Như chúng ta đều biết, đặc thù của ĐTQG là một tập thể ô hợp gồm rất nhiều con người, đến từ những CLB khác nhau, sống ở những vùng miền khác nhau. ĐT Tây Ban Nha thì càng đặc thù hơn. Với cả thảy 8 cầu thủ đến từ 2 CLB hàng đầu La Liga là Real Madrid và Barcelona, và đa phần đều là những cầu thủ trong đội hình 1, La Roja giống như một phiên bản thu nhỏ của Barca + Real.
Thói quen thâm căn cố đế đó hình thành một sự bài trừ dành cho những phong cách du nhập từ các CLB khác, và tệ hơn, là những cầu thủ trở về từ những nền bóng đá khác. Ở Chelsea, Costa có một dàn cầu thủ phục vụ cho sở trường của anh. Còn ở ĐT Tây Ban Nha, Costa phải mang sở đoản của mình phục vụ cho một hệ thống đã tồn tại từ lâu. Chúng ta có thể tìm ra những trường hợp tương tự như của Santi Cazorla hay David Silva. Họ đều là những siêu sao ở Premier League, nhưng trong màu áo La Roja, họ không là gì cả.
Nhưng anh chẳng là gì tại ĐTQG Tây Ban Nha
3. Diego Costa chỉ là trường hợp tiêu biểu cho một thói quen mất tích khó hiểu của những siêu sao khi khoác trên mình lá cờ tổ quốc. Báo chí Anh đã làm rất nhiều thống kê và lần nào cũng có thể chỉ ra: Có quá nửa cầu thủ ĐT Anh hễ khoác áo Tam Sư, năng lực lập tức giảm xuống bằng phân nửa khi thi đấu cho CLB. Đó là những Rooney, Gerrard, Lampard, Cahill, Terry… Trái lại, những cầu thủ chỉ đóng vai phụ ở CLB, khi lên tuyển, lại tỏa sáng.
Người ta đã cố lý giải hiện tượng này, cố gióng lên những hồi chuông cảnh báo về sự thực dụng của các siêu sao, nhưng rốt cuộc, vẫn vô ích. Sự va chạm về văn hóa, tập tính tạo nên mâu thuẫn, và khó lòng hình thành một tập thể đồng đều. Ví dụ như mới đây, HLV Roy Hodgson bỗng dưng lên báo chê bai giọng vùng miền của Rooney là khó nghe, khó hiểu. Một câu chuyện rất nhỏ, nhưng đằng sau, là cả những vùng tối mà báo chí, NHM khó lòng thâm nhập được.
Đau lòng hơn, NHM có quyền đặt câu hỏi: Liệu một loạt trận gồm những ĐTQG không thể mang lên tuyển những cầu thủ giỏi nhất, có đáng xem hay không, có chất lượng hay không?