1. Phòng họp báo sau trận Olympic Việt Nam - Olympic Nhật Bản, huấn luyện viên Toshiya Miura không còn cười nữa.
Nụ cười của ông chỉ xuất hiện đúng một lần sau chiến thắng của Olympic Việt Nam trước Olympic Malaysia hôm 27/3.
Trước đó, hành trình của thầy Miura là một chặng đường khan hiếm tiếng cười. Trong mọi buổi tập, sau mọi trận đấu, rất khó để tìm thấy một nụ cười từ nhà cầm quân 51 tuổi.
Đó là một thái độ hoàn toàn khác với những gì được ông Miura thể hiện trong hành trình ASIAD Incheon và AFF Suzuki Cup 2014.
Đầy ắp tiếng cười, sự lạc quan và niềm tin tưởng. Phong cách hào sảng, sự thoải mái ấy là điều hoàn toàn đối lập với cái khoanh tay lạnh lùng, nụ cười khẩy kín đáo và đầy thủ thế đang được thể hiện ở Olympic Việt Nam.
2. Có thể hiểu rằng, áp lực rất lớn của đội bóng được kỳ vọng nhất trong năm đã khiến ông Miura buộc phải thu mình lại và tự “xù lông” để bảo vệ bản thân.
Khi Olympic Việt Nam thắng Malaysia, người hâm mộ bảo đội tuyển đá chưa đẹp. Khi Olympic Việt Nam thua sát nút đội U23 mạnh nhất châu Á, người ta nói họ đá bạo lực.
Trước đấy nữa, đội Olympic “được” chỉ trích vì đã cầm hòa Uzbekistan hùng mạnh. Họ cũng không nhận khen ngợi khi đả bại Indonesia tại Mỹ Đình.
Cầm hòa Uzbekistan hùng mạnh, khiến đối thủ bức xúc, Olympic Việt Nam vẫn bị chê. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Không chỉ soi mói chuyện chuyên môn, người ta còn chỉ trích ông Miura vì những bài tập nặng, phê phán ông vì “Công Phượng bị cô lập”, dè bỉu đội tuyển vì nền tảng thể lực yếu kém.
Và như cảm thấy áp lực ấy là chưa đủ, huấn luyện viên Miura còn tự tạo ra thêm áp lực cho mình.
Hàng chục lần trong một tháng qua, ông Miura đã nhắc tới mục tiêu giành vé dự vòng chung kết giải U23 châu Á như là cái đích tối thượng.
Áp lực thành tích từ Tổng cục, từ Liên đoàn đã gây khó khăn cho ông thầy người Nhật Bản. Về phần mình, sự cầu toàn của ông Miura cũng đang làm hại chính ông.
3. Những kỳ vọng ấy đã tạo nên một gánh nặng khủng khiếp đặt lên vai ông Miura và các tuyển thủ Olympic Việt Nam.
Áp lực ấy làm những buổi tập của đội tuyển bớt đi rất nhiều tiếng cười và thêm vào rất nhiều âu lo. Tất nhiên, bạn chẳng thể làm việc tốt nếu lo lắng quá nhiều. Những kỳ vọng ấy làm tê cóng đôi chân các cầu thủ, làm cái đầu của họ sợ hãi.
Người viết bài này đã chứng kiến cảnh cổ động viên ở Bình Dương ồ lên cười và không ngớt dè bỉu sau một pha xử lý lóng ngóng của Hồ Ngọc Thắng. Mà đó chỉ là một pha bóng hỏng duy nhất.
Nếu những kỳ vọng ấy thấp hơn và tích cực hơn, đội tuyển có thể đã chơi tốt hơn, quyến rũ hơn với những con bài có chất lượng không thể phủ nhận.
Olympic Việt Nam của Công Phượng, Văn Toàn là đội bóng trẻ nhất bảng I, nghĩa là một đội bóng của tương lai. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)
Dư luận của chúng ta đã quen chỉ trích và so sánh.
Họ không nhận ra đội bóng này còn rất trẻ (tuổi trung bình 20 tới 21, trẻ nhất bảng I), họ không nhận ra ông Miura chỉ có rất ít thời gian và phải làm việc với một tập thể hoàn toàn mới, chưa đủ cả kinh nghiệm lẫn thể lực cho một sân chơi lớn.
Họ so sánh một đội bóng có các trụ cột đã chơi cạnh nhau 7 năm (U19 Việt Nam) với một đoàn quân mới triệu tập được một tháng.
Họ đòi một chuyên gia phòng ngự (Miura) phải đề ra chiến thuật để đội bóng đá tấn công. Mà tấn công ai cơ? Chủ nhà Malaysia - đội phản công hay nhất Đông Nam Á, và siêu cường Nhật Bản - đội mạnh nhất châu Á.
Trong sự mến mộ dành cho U19, người hâm mộ quên mất sự nỗ lực của U23. Họ càng vị tha với U19, họ càng khắc nghiệt với U23. Một sự khắc nghiệt vô lý.
Nếu ông Miura biết tiếng Việt, ông hẳn phải phát điên lên vì đọc báo mỗi ngày. Thật may là ông không biết.