Song, có một điều đáng ra người trong cuộc cần phải cân nhắc một cách nghiêm túc: Đã đến lúc trao ấn kiếm thực sự cho HLV Việt Nam để hướng tới một nền bóng đá tự cường?!
Một trong những tật xấu, đồng thời cũng là nhược điểm của người Việt Nam nói chung là sự tự ti, tức là thiếu tự tin trước các thách thức và yếu tố ngoại quốc.
Hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến trong bóng đá, khi một thời gian dài, nền bóng đá, đặc biệt là cấp độ ĐTQG, vẫn trọng thầy ngoại.
Cũng dễ hiểu, bởi bóng đá Việt Nam hội nhập muộn nên cần được khai sáng và nâng cấp. Cũng giống như giải VĐQG V-League, yếu tố ngoại binh giữ vai trò quan trọng suốt hơn 1 thập niên qua.
Khi BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia bắt đầu hạn chế các suất đăng ký ngoại binh/CLB, ngay lúc này, nó chưa được xem là một giải pháp hợp thời, nếu không muốn nói là đi ngược xu thế.
Bởi một giải VĐQG giàu tính cạnh tranh, cần thu hút được nhiều cầu thủ giỏi, hòng nâng tầm giải đấu và các giá trị thương mại kèm theo.
Chúng ta vẫn phải mang hình ảnh Việt Nam ra đấu trường châu lục cấp CLB, chứ không chỉ quanh quẩn đấu đá với nhau một hai giải quốc nội.
Nhưng, HLV lại là một phạm trù khác. Sau 20 năm được làm việc với các chuyên gia ngoại quốc, được học đủ các thể loại văn bằng, bóng đá Việt Nam đã từng sản sinh ra rất nhiều thế hệ HLV đủ tài năng.
Trong số này, “thế hệ vàng” (thời cầu thủ) đang chiếm ưu thế áp đảo trên băng ghế huấn luyện, đồng thời trước đó, trong giới cũng đã có Phan Thanh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, rồi Lư Đình Tuấn…,
Đây là những HLV Việt Nam đầu tiên được ăn học bài bản và đã có thể đứng lớp truyền nghề.
Tuy nhiên, như đã nhắc, phần lớn dân bóng bánh Việt Nam đều tự ti. Bắt đầu từ sự nghiệp cầu thủ, khi họ từ chối các cơ hội ra nước ngoài thi đấu, bởi không biết ngoại ngữ và sợ không thể hoà nhập, dù bản thân bóng đá đã là thứ ngôn ngữ toàn cầu.
Khi theo đuổi sự nghiệp huấn luyện, họ cũng không dám đăng ký các khoá học ở nước ngoài, mà chỉ chờ cho đến khi AFC phổ cập văn bằng ở Việt Nam thông qua các lớp C, B, A HLV thì mới rủ nhau học.
Khi sự ổn định công việc và thu nhập là ưu tiên hàng đầu, thì sự dấn thân, làm mới và chấp nhận thử thách, chấp nhận đương đầu, mạo hiểm… là thứ xa xỉ.
Các HLV nội, một khi đang ấm yên ở CLB, đâm rất ngại ra mưa, ra gió. Cơm, áo, gạo, tiền đã trở thành lối nghĩ.
Khi đề cập với bất kỳ HLV Việt Nam nào về việc đã sẵn sàng ngồi chiếc ghế HLV trưởng các ĐTQG chưa, câu trả lời quen thuộc là: Tôi chưa nghĩ tới.
Thực ra, họ đã nghĩ rồi, nhưng VFF chưa mời, chưa hứa hẹn một cơ chế làm việc tự chủ, thông thoáng và quan trọng, họ sợ không được toàn quyền quyết định chuyên môn như một HLV… ngoại quốc.
Chính cái suy nghĩ ấy đã lại cho thấy sự tự ti, bởi cơ chế hay tiền lệ đều là do con người tạo ra. HLV Việt Nam chưa đủ tự tin để… đòi cơ chế.
Trong khi các điều khoản hợp đồng và điều kiện làm việc đáng ra phải được quy định một cách rõ ràng trong hợp đồng, thì phần lớn các HLV Việt Nam đều cho rằng, việc được đề bạt dẫn dắt các ĐTQG hay đơn thuần là làm trợ lý cho các chuyên gia ngoại quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ.
Đây là một lối suy nghĩ không thật chính xác thời kinh tế thị trường, bởi thuận mua, vừa bán và hiệu quả công việc mới là thước đo chuẩn mực nhất. Chúng ta phải thay đổi quan điểm.
Sau các tiền bối như Lê Thế Thọ, Phan Anh Tú hay Vũ Tiến Thành, thì Hoàng Anh Tuấn, Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng cũng là tiêu biểu cho thế hệ các HLV từng du học.
Họ cũng đâu phải những cử nhân ngoại ngữ trước khi chấp nhận dấn thân, thậm chí thứ ngôn ngữ phổ quát như tiếng Anh với họ cũng chỉ là tiếng Anh “bồi”.
Nhưng, không bổ ngang, cũng bổ dọc, học trước nhất là cho ấm cái thân. Trong số này, “hạt giống” Hoàng Anh Tuấn có vẻ khá nhất, thức thời nhất.
Hoàng Anh Tuấn chính là HLV được VFF trao suất đi học các khoá huấn luyện nâng cao. Nhưng, chọn ai và ai chọn, thì còn phải chờ!