“Báo chí” đang giúp BTC trận đấu “hút máu” người hâm mộ
Những ngày gần đây đã có “một số” tờ báo đang chạy theo tiếng nói, phát ngôn từ VFF và Ban Tổ chức trận đấu (gồm: VFF, Eximbank, HAGL), rất dễ nhận thấy thông tin chỉ ở một số báo, chỉ có số ít thông tin phân tích công minh hướng tới người hâm mộ bóng đá.
Với những con số dự toán thu chi “chấn động” từ VFF báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về trận đấu giao hữu – thương vụ kinh doanh của VFF, Eximbank và HAGL thì dư luận có thể nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác khách quan hơn rằng “một số tờ báo đang góp sức cùng VFF, Eximbank, HAGL để hút máu người hâm mộ”. Bởi, thông tin một số báo đưa ra chủ yếu là tạo scandal để làm nóng dư luận, một vụ việc rất nhỏ, chi phí rất nhỏ mà BTC phải chi ra là “giá thuê sân” mà Ông chủ của Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngày 17/6 trong cuộc gặp mặt báo chí đã khẳng định với báo giới rằng “Thông tin tiền thuê sân Mỹ Đình 1,5 tỷ đồng là không chính xác”.
Nhìn lại những thông tin không chính xác ấy cho thấy, một số cơ quan báo chí chỉ dẫn lời từ VFF và những thông tin theo dạng phỏng đoán, dẫn tới hoài nghi trong dư luận về Mỹ Đình “hét giá”, trong khi đó người trong cuộc lại không biết gì, tất cả chỉ là mới bắt đầu đàm phán, chưa có một sự thỏa thuận, ký kết hợp đồng nào.
Trả lời PV một lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí cho biết: Nếu báo chí muốn dẫn nguồn tin văn bản thì phải chính xác, nêu con số rõ ràng thì cần phải có xác nhận, không thể dựa theo một bản đánh máy, không có đóng dấu, không có xác nhận từ nơi xuất phát thông tin (trong vụ việc này là Sân Mỹ Đình) mà lại công bố rằng họ “có lỗi”, tạo dư luận xấu tới một đối tượng cụ thể thì vô hình chung cơ quan báo chí đã góp sức để “ném đá”, tạo thông tin nóng để đối phương (ở đây là BTC trận đấu Arsernal đến VN) “có lợi” và theo tôi nghĩ, người hâm mộ sẽ chịu thiệt thòi vì phải bỏ ra lượng tiền lớn để mua được tấm vé xem trận đấu bóng.
Chia sẻ vấn đề này, Luật sư Trần Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa phân tích: Tôi cũng đã theo dõi thông tin xung quanh vụ việc này, có thể nhận diện được chỉ một số cơ quan báo chí nêu thông tin chỉ trích, chĩa mũi về Mỹ Đình, bôi xấu hình ảnh, thương hiệu của họ nhưng chứng cứ, nguồn tin chỉ là theo một số người Ban Tổ chức trận đấu phát ngôn.
Vô hình chung cơ quan báo chí đã tạo một luồng thông tin góp sức để “trận đánh” đối phương (sân Mỹ Đình) của BTC trận đấu dù không phân thắng bại nhưng cũng đủ để dư luận phải chú ý tới trận đấu Arsernal đến VN. Bằng chứng là vé của trận đấu tăng lên từng ngày, vé thấp nhất từ 400.000 VNĐ, BTC đã tăng lên 700.000 VNĐ và chưa có con số chính thức là bao nhiêu, theo tôi nghĩ, đó là chiêu trò của Ban Tổ chức sự kiện đưa ra mà nhiều người đã nhìn thấy để tạo sức nóng cho trận đấu.
Một quan chức trong nghành thể thao tiết lộ với PV: Trong nghành thể thao luôn có những phóng viên “chim mồi” để phục vụ những chiến dịch của những cá nhân, doanh nghiệp làm bóng đá. Họ tuyên bố xanh rờn rằng, lĩnh vực này chẳng chết ai, chỉ cần dẫn lời phát ngôn hoặc chỉ cần dự thảo văn bản là có thể làm nóng dư luận được rồi.
“Sự thật” chiêu trò của thương vụ Arsenal đến VN được phơi bày
Sau khi có cơ quan báo chí phơi bày những con số “nhảy múa” của BTC trận đấu bằng những chứng cứ “xác thực” mà chính VFF báo cáo lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có tờ báo chỉ ra đây là “Thương vụ kinh doanh của VFF, Eximbank, HAGL” thì dư luận có phần tỉnh táo hơn, nhận ra rằng “người hâm mộ trận đấu” đang bị “dắt mũi”.
Số liệu trên tờ Công Lý cho thấy: Bản dự toán trận giao hữu đội Việt Nam - Arsenal ngày 17-7 mà VFF gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đi ngược lại tất cả những gì mà ông Nguyễn Trọng Hỷ và Ban Tổ chức trận đấu tuyên bố trên báo chí gần đây. Tổng số tiền Ban Tổ chức thu về 30,6 tỷ đồng từ bán vé; tiền thu 4 nhà tài trợ, tài trợ chính, bản quyền truyền hình trận đấu là 0 đồng. Tổng chi hết 44,5 tỷ đồng, như vậy VFF báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có thu tiền từ bán vé, không hề có khoản kinh phí tài trợ nào cho trận đấu.
Tuy nhiên những ngày vừa qua, Eximbank và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được VFF giới thiệu là đơn vị tài trợ, vị cứu tinh cho khán giả Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) còn khẳng định rằng “Về cơ bản Eximbank và HAGL chịu mọi chi phí cho việc tổ chức trận đấu”. Nếu như lời của ông Hỷ thì hai doanh nghiệp này sẽ tài trợ gần 40 tỷ đồng (tổng chi theo dự toán).
Chỉ với hai con số cộng lại, Ban Tổ chức dự kiến sẽ thu về hơn 70 tỷ đồng, chưa tính khoản tiền rất nhiều nhà tài trợ được in logo trên giấy mời, quảng cáo truyền hình trực tiếp trước, trong và sau trận đấu. Vậy con số lỗ VFF công bố trước đó để chứng minh điều gì? Có phải cố tạo dư luận hiểu rằng VFF, Eximbank, HAGL đang bỏ tiền túi của mình ra mang Arsernal đến VN?.
Thông tin trên tờ Công Lý cũng đã phân tích: Theo bảng cơ cấu vé bóng đá trận Việt Nam - Arsenal mà VFF gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người hâm mộ sẽ bị “quả đắng” là số vé 1 triệu đồng/vé đến 1,5 triệu đồng/vé chiếm con số tuyệt đối, chỉ số lượng ít mới bán giá 700.000 đồng. Vậy với giá vé cao ngất ngưởng thế này thì những đơn vị tổ chức sự kiện định phục vụ ai? Số tiền lãi từ trận đấu ai sẽ được hưởng lợi? Như vậy VFF, Eximbank và HAGL thu về từ thương vụ này gần 100 tỷ đồng. Chưa kể đến hậu thương vụ này, cổ phiếu Eximbank và HAGL sẽ biến động “có lợi”cho 2 doanh nghiệp này.
Báo Công Lý dẫn một minh chứng sinh động để so sánh “Sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam vừa qua, với sự tài trợ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), giá cổ phiếu HSG liên tục tăng. Tài sản tính theo vốn hóa thị trường của ông Chủ tịch HSG, tăng thêm hơn 170 tỷ đồng sau 4 ngày. Với trận Việt Nam - Arsenal, chắc chắn tài sản trên sàn chứng khoán của Eximbank và HAGL sẽ tăng hàng trăm tỷ đồng, bởi sức “nóng” của sự kiện Arsenal sang du đấu tại Việt Nam sẽ vượt xa so với sự xuất hiện của Nick Vujicic, bởi đây là CLB đầu tiên thuộc nhóm “tứ trụ” giải Ngoại hạng Anh chấp nhận đến Việt Nam thi đấu”.
Có thể thấy rằng, thông tin báo chí vô cùng quý giá đối với bạn đọc, một thông tin không chính xác sẽ giúp dư luận bị lái theo, trong vụ việc này người chịu thiệt thòi nhất là người hâm mộ Việt Nam sẽ phải móc túi để mua những cặp vé xem với giá cao ngất ngưởng. Sức nóng của sự kiện mà báo chí tạo ra giúp những đơn vị “phe vé” sẽ có cơ hội thổi giá ngoài luồng lên tới hàng triệu đồng, người được hưởng từ thương vụ này sẽ là đội quan phe vé, nhà tổ chức trận đấu và nhóm lợi ích trong làng báo.
Nhớ về 21/6, bạn đọc luôn chờ đợi ở những Nhà báo với những thông tin “công bằng” và “sự thật”.