Công Phượng rất ngoan và tất nhiên không cần ai nuông chiều cả. Thế nhưng theo Nhà báo Anh Ngọc, có khá nhiều NHM bóng đá Việt Nam vì quá yêu mà đang chủ động nuông chiều Công Phượng.
GIAO LƯU TRỰC TUYẾN "Chuyện Công Phượng: Làm gì để "xây" bóng đá Việt?"
“Phượng là một người đã đủ tuổi công dân và có năng lực hành vi. Dù 19 hay 21 tuổi thì cậu ấy cũng không phải là trẻ con nữa. Cậu ấy phải có trách nhiệm với mình và với người hâm mộ. Tôi có cảm tưởng chúng ta cưng chiều cậu ấy quá. Nếu đủ bản lĩnh và biết coi sự cố này như là một động lực để thể hiện mình, Phượng sẽ vượt qua tất cả. Còn liệu Việt Nam có mất đi tài năng hay không thì là một câu hỏi mà cũng chỉ Phượng mới có thể trả lời rõ được. Trong quá khứ, Việt Nam đã mất nhiều cầu thủ tài năng vì những thói hư tật xấu, vì những tệ nạn xã hội, mà chính những cầu thủ ấy cũng từng được người hâm mộ quá nuông chiều. Các bạn có thể bảo vệ Phượng, nhưng đừng nuông chiều Phượng” – Nhà báo Anh Ngọc chia sẻ.
Nhà báo Anh Ngọc: "Phượng đã đủ tuổi công dân, đã là một người đủ năng lực hành vi và chưa thể coi là một cầu thủ ở dạng "quý hiếm" để cần được bảo vệ. Tài năng bóng đá thì đúng, cái đó ai cũng công nhận. Nhưng con đường phía trước của cậu ấy còn dài. Nếu không có đủ bản lĩnh để vượt qua những rắc rối đang mắc phải,cậu ấy sẽ không thể lớn được nữa. Chẳng có cách bảo vệ nào tốt hơn cho cậu ấy bằng cách có những cái nhìn khách quan và tỉnh táo về cậu ấy, đừng nuông chiều Phượng và bản thân Phượng cũng phải biết cách tự vệ. Tự vệ bằng cách thi đấu tốt trên sân cỏ. Đó là cách tốt nhất".
Vì tin, vì yêu Công Phượng, cũng có không ít ý kiến đã và đang chỉ trích VTV, cụ thể là chương trình Chuyển động 24h, vì đưa nhiều thông tin bất lợi với tiền đạo này. Có nhiều ý kiến không đồng tình với Chuyển động 24h, cho rằng chương trình này chỉ “lợi dụng” nghi án tuổi của Công Phượng để tăng hình ảnh và tỷ lệ theo dõi (rating) cho mình. Song theo Nhà báo Anh Ngọc, VTV đã làm rất tốt phận sự của mình. Cách làm của Chuyển động 24h là rất mới mẻ, tân thời và có thể vì thế đã khiến người xem chưa kịp thích nghi, nhất thời tạo cảm giác phản cảm.
“Cách làm của VTV trong sự kiện này có vẻ là quá mới đối với nhiều người. Tôi không bàn đến cách mà họ đã làm như thế nào về mặt chuyên môn, mà tôi chỉ nói rằng, việc tạo rating cũng là một chuyện bình thường đối với truyền hình hiện đại. Khán giả đã quen với những khung giờ vàng, quen với các chương trình vào giờ đẹp thì cũng sẽ phải quen với việc, rating quyết định các khung giờ của truyền hình. Chuyện này rất quen thuộc với truyền hình nước ngoài, và những ngôi sao hay "chuyện hot" sẽ có tác dụng trong việc tăng hay giảm rating của chương trình ấy. Người ta sẵn sàng cắt bỏ một serie phim dựng rất công phu, hoặc một chương trình lớn, một khi rating thể hiện số lượng người xem quá thấp. Nếu VTV dùng những lùm xùm quanh giấy tờ của Công Phượng để tăng rating thì cũng là chuyện bình thường, chẳng khác gì chuyện Beckham sang Việt Nam để quảng cáo rượu, hay các siêu mẫu xuất hiện trong các quảng cáo đồ lót cả. Chúng ta phải quen với điều này thôi”.
Nhà báo Anh Ngọc: "VTV đã làm những chương trình mà theo tôi đánh giá, là tốt về chất lượng, và quá Tây về cách làm. Những ai đã học truyền thông ở nước ngoài đều có thể hiểu điều này, nhưng có vẻ cách làm đó quá mới, tiết tấu nhanh và khó tiếp thu với nhiều khán giả, khiến cho một phần ý đồ chuyển tải bị chệch sang hướng khác, tạo những bức xúc, cho rằng họ không khách quan".
Khi mà vấn đề tuổi tác của Công Phượng vẫn đang trong vòng nghi vấn, tương lai tiền đạo này sẽ như thế nào là một câu hỏi lớn. Với Nhà báo Anh Ngọc, anh nhận định nếu “có vấn đề” trước nhất cơ hội sang nước ngoài thi đấu của Phượng sẽ hẹp lại đáng kể.
“Tôi chưa biết định giá của cầu thủ này là bao nhiêu và đã có ai đánh giá giá trị trên thị trường của Phượng chưa, nhưng nếu thực sự Phượng "có vấn đề" về tuổi, và những tranh cãi kéo dài, thì việc Phượng có muốn thi đấu ở nước ngoài, trong trường hợp có đội bóng nào đó quan tâm, cũng sẽ khó khăn hơn. Các CLB nước ngoài, nhất là châu Âu, rất ngại các cầu thủ có giấy tờ thiếu minh bạch, hoặc giấy tờ đó đã vướng vào những tranh cãi nào đó. Tôi cho rằng, việc đang xảy ra có thể cản trở Phượng thi đấu ở nước ngoài, nếu Phượng có giá trị” – Anh Ngọc tiếp.
Chuyện gian lận tuổi ở nước ngoài và cách phòng tránh
“Các nước tiên tiến không chỉ dựa vào giấy tờ để chống gian lận tuổi. Họ đo tuổi của xương. Chuyện gian lận tuổi chủ yếu xảy ra ở nền bóng đá của các nước thứ ba, nhất là ở cấp độ đội trẻ. Ở Việt Nam cũng thế thôi. Chẳng ai gian lận tuổi khi đã ở ngưỡng hết sự nghiệp cầu thủ, mà thường là khi những cầu thủ này còn rất trẻ. Các ông cò cầu thủ và gia đình hoàn toàn có thể thống nhất chuyện mua chuộc các nhà chức trách địa phương để làm giả hoặc sửa đổi nhân thân cho những cầu thủ trẻ, sau đó tìm cách bán họ sang Châu Âu. Ở Ý, người ta đã từng điều tra ra cầu thủ Eriberto của đội Chievo gian lận 4 tuổi (khai sinh năm 1979, trên thực tế, tên thật là Luciano, sinh năm 1975). Anh này sau đó bị phạt 160 nghìn euro và treo giò 6 tháng. Gian dối thể thao là một lỗi nặng và sẽ bị phạt nặng. Các LĐBĐ thường kiểm tra rất kĩ hồ sơ của các cầu thủ trước khi cho phép họ được CLB mua về đăng kí thi đấu” – Nhà báo Anh Ngọc.
Vụ Công Phượng, lỗi tại ai?
“Những vấn đề liên quan đến hồ sơ khai sinh hay học bạ của Phượng liên quan trực tiếp đến những người quản lí ở cấp địa phương. Không có lí nào mà có tới hàng nghìn hồ sơ bị mất một cách lạ lùng, đơn giản và bí hiểm đến thế. Đấy không chỉ là chuyện tắc trách. Đấy còn là một thái độ làm việc vô cùng chủ quan và thiếu chuyên nghiệp. Mà chuyện đó đâu chỉ xảy ra ở mỗi địa phương của Phượng, mà còn nhiều người khác, với các cầu thủ trẻ hay chỉ là người thường.
Từ chuyện đó, lại suy ra những chuyện nữa: Hóa ra, làm một tờ giấy liên quan đến nhân thân, và sau đó, vì một lí do nào đó, sửa chữa nó theo mục đích của mình (dù đó là mục đích gì) quá dễ dàng. Một xã hội muốn văn minh và tiên tiến không thể dựa trên những sự không minh bạch, trước hết là trong chuyện giấy tờ nhân thân. Đó không chỉ là những tờ giấy, mà đó là những thứ đại diện cho những con người, những số phận” – Nhà báo Anh Ngọc