Nếu đặt lên bàn cân so sánh, bóng đá Việt Nam thua kém khá nhiều so với Nhật Bản.
Vô địch châu Á, cạnh tranh tại World Cup, có cầu thủ khoác áo các CLB tiếng tăm ở châu Âu. Những gì mà Nhật Bản làm được cũng chính là điều mà bóng đá Việt Nam luôn mơ ước.
Sau khi mơ mộng tiqui-taca thất bại với HLV Calisto, các ĐTQG rơi vào thời kỳ mất phương hướng cho đến khi những người Nhật được mời về. Đầu tiên là trưởng giải V-League Tanaka Koji, tiếp đến là HLV Miura.
Việt Nam đang cố học tập theo con đường của xứ sở Mặt trời mọc.
HLV Miura gặp gỡ Công Vinh
Tuy nhiên cách đây ít lâu, HLV Miura lại nói: “Người Việt Nam có những điều mà Nhật Bản đã đánh mất đi ít nhiều. Họ mải chơi, trẻ con hơn người Nhật. Họ ghét việc nặng nhọc, thường làm những việc thực sự vui vẻ”.
Lời của chiến lược gia người Nhật là khen hay chê, hãy thử nhìn vào làng bóng đá trong nước để thấy.
“Mải chơi, trẻ con hơn” được liên tưởng tới căn bệnh thiếu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, từ tập luyện, thi đấu đến tổ chức giải.
Công Vinh khi sang Leixoes thi đấu đã từng phải bất ngờ vì các cầu thủ về nhà sau trận đấu, không cần “trại tập trung” nào cả. Mỗi thành viên đều có ý thức với bản thân và đội bóng.
Những ông bầu thì thỉnh thoảng lại bỏ giải. ĐTQG khi thì bị mất điện trong trận đấu, lúc không có vé máy bay phải đi đường vòng.
Nhưng đôi khi sự thiếu chuyên nghiệp lại tạo nên một vài cái hay.
Bóng đá học đường Nhật Bản được tổ chức rất bài bản, là nguồn cung cấp dồi dào cho ĐTQG cũng như J-League.
Giải "phủi" đôi khi thu hút hơn V-League
Dù vậy, điều này cũng có mặt trái. Các cầu thủ trẻ chịu áp lực từ sớm, đôi khi sẽ đánh mất hứng thú của mình. Trận bóng căng thẳng hơn, có thể sẽ kém vui hơn.
Tại Việt Nam, các giải đấu “phủi” diễn ra khắp nơi và tính cạnh tranh khá cao. Người tổ chức cho dù khá quan tâm đến sự chuyên nghiệp nhưng tạo ra niềm vui cho khán giả mới là mục đích chính.
Cũng giống như không ít chương trình truyền hình thực tế khi về Việt Nam, các trận bóng đá được coi như một cuộc chơi hơn là thi.
Thậm chí nhiều lúc, giao lưu bóng đá như một cái cớ để sau trận mọi người cùng nhau đi ăn uống tưng bừng.
Nhắc đến chuyện ăn uống, tại Việt Nam HLV Miura được làm quen với bia trong các bữa trưa. Đây nhiều khả năng là một trong những điều “thực sự vui vẻ” mà ông muốn nói.
Ngoài ra, khán giả Việt Nam còn được theo dõi những giải đấu hàng đầu thế giới một cách "vô tư" nhất, bởi không có đội bóng nào của nước nhà trực tiếp tham gia.
Các CĐV U19 Việt Nam nhuộm đỏ Mỹ Đình
Ở Nhật, sau khi ĐT bị loại, CĐV vẫn sẽ theo dõi World Cup nhưng khó lòng giữ được nhiệt như trước. Còn ở Việt Nam, World Cup là ngày hội bóng đá, bạn có thể chọn ra bất kỳ một ĐT nào để cổ vũ.
World Cup với NHM như thứ chỉ xem mà khó chạm đến được. Nên các fan luôn hào hứng với việc thưởng thức giải này.
Một ví dụ nữa về sự nhiệt tình của CĐV là các trận đấu liên quan tới U19 Việt Nam. HLV Graechen đã phải thừa nhận hiếm có ở đâu khán giả "phát cuồng" vì đội bóng U19 như thế.
Cho dù nền bóng đá vẫn loay hoay ở "vùng trũng", NHM nước nhà vẫn tìm ra cách để vui vẻ. Có lẽ đó chính là điểm làm HLV Miura "ghen tị" với Việt Nam và nằm số những lí do để ông tiếp tục tâm gắn bó với đội tuyển.