Người hâm mộ chờ đợi mùa “bóng đá tử tế” tại V-League 2015

Khang Việt |

Ngày mai 4.1, mùa bóng mới của bóng đá Việt Nam sẽ bắt đầu với rất nhiều kỳ vọng. Từ sự xuất hiện của các cầu thủ U.19 trong màu áo CLB HA.GL đến sự có mặt của nhà khổng lồ Toyota trong vai trò nhà tài trợ chính V-League 2015 và quyết tâm làm “bóng đá tử tế” của các nhà quản lý.

Người hâm mộ Việt Nam lại phải chờ đợi một sự đổi thay mạnh mẽ của làng cầu nội địa dù không biết đây là lần thứ mấy, họ luôn kiên nhẫn nhưng chưa bao giờ được đáp ứng một cách trọn vẹn.

Ví dụ như tình trạng bạo lực sân cỏ, những trận đấu thiếu chất lượng, những đội bóng không đủ tiềm lực nhưng vẫn cố gắng có mặt thi đấu trong tình trạng có thể bỏ giải bất kỳ lúc nào…

Tất cả đều hứa sẽ quyết tâm đáp ứng đòi hỏi của người hâm mộ, nhưng qua từng mùa giải, chỉ làm cho nỗi thất vọng dày lên thêm.

Cần phải thấy rằng, dường như các cách giải quyết vấn đề của LĐBĐ Việt Nam (VFF) và Ban tổ chức giải V-League vẫn chưa quyết liệt.

Như trường hợp tuyên bố sẽ cương quyết bảo vệ đôi chân các cầu thủ trẻ tại HA.GL trong mùa bóng này chẳng hạn.

Thật ra, việc ngăn ngừa bạo lực đâu phải chỉ dành đặc quyền cho một nhóm cầu thủ, một CLB nào đó mà lẽ ra đã phải được thực hiện từ lâu, qua mỗi mùa giải.

Bạo lực trong thi đấu không chỉ xuất phát từ những diễn biến “nóng” trên sân cỏ.

Nó bắt nguồn từ nhận thức của cầu thủ ngay từ khâu đào tạo, rồi các tác động từ môi trường bóng đá, trong đó có bệnh thành tích của các CLB, thậm chí còn xuất phát từ sự quá khích, cay cú của cổ động viên trên khán đài.

Nếu chỉ vì sự xuất hiện của lứa U.19 tại CLB HA.GL mới thực sự thẳng tay với bạo lực thì chỉ là giải pháp tình thế.

Cái người ta chờ đợi ở VFF là một giải pháp căn cơ, cụ thể hóa chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mà Chính phủ đã phê duyệt.

Ví dụ như việc phát triển bóng đá trong học đường, nâng cao niềm đam mê của các em bé ngay tại những thành phố lớn. Không có nền bóng đá phát triển nào mà lại thiếu đi môi trường văn hóa, đạo đức của học đường.

Để làm được điều đó, VFF với tư cách là đơn vị thực hiện chính của chiến lược, cần phải nỗ lực hơn nữa để đưa bóng đá vào trường học, hoặc ngược lại, đưa kiến thức, văn hóa đến từng trung tâm đào tạo bóng đá.

Không thể cứ hô hào hoặc đưa ra các chế tài với bạo lực trong bối cảnh việc đá xấu, đá thô bạo đã trở thành thói quen của cầu thủ.

Càng không thể bảo vệ được đôi chân của một vài cầu thủ nếu như đa số những người còn lại vẫn xem việc triệt hạ đối phương là cách tốt nhất để tìm kiếm chiến thắng trong thi đấu.

Theo nhận xét của các cầu thủ U.19 HA.GL, trong các trận đấu tập huấn tại Thái Lan vừa qua, họ hầu như không gặp những trường hợp thi đấu bạo lực.

Bởi các CLB của Thái Lan có ý thức chuyên nghiệp tốt hơn, mục đích thi đấu mang tính cống hiến vì khán giả hơn, thay vì tìm cách giành chiến thắng bằng mọi giá.

Vì lẽ đó, bóng đá Thái Lan sau một thời gian sa sút đã ngay lập tức trở lại ngôi số 1 Đông Nam Á với 2 chức vô địch tại SEA Games 2013 và AFF Cup 2014.

Họ làm được điều đó nhờ nền tảng hơn 1.000 đội bóng bắt đầu từ bậc tiểu học đến đại học, nhờ một giải vô địch quốc gia được vận hành theo mô hình của giải ngoại hạng Anh với những tiêu chí khắt khe.

Những gì mà bóng đá Thái Lan đang có không hề xa lạ so với chiến lược phát triển do Chính phủ phê duyệt.

Nhưng lại rất xa do cách làm của những nhà quản lý bóng đá Việt Nam vẫn nặng thành tích, ít đầu tư chiều sâu và nhất là chưa thực sự bắt tay làm bóng đá tử tế theo đúng thực chất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại