Nhân vật được nhắc đến ở đây chính là tiền đạo Nguyễn Việt Thắng. Trong một chương trình truyền hình mới đây, cựu cầu thủ của ĐTVN và CLB HAGL đã chia sẻ nhiều kỷ niệm vui buồn trong sự nghiệp của anh.
Năm 2002, Việt Thắng được đánh giá là tài năng trẻ hứa hẹn của bóng đá Việt Nam.
Từ CLB Công an TP.HCM, tiền đạo sinh năm 1981 gia nhập CLB HAGL và có đóng góp không nhỏ trên hành trình đi đến chức vô địch đầu tiên của đội bóng phố Núi năm 2003.
Sau đó, anh cùng đồng đội bước vào tranh tài tại Cúp C1 Đông Nam Á. Nhưng nghi án bán độ khiến Việt Thắng lĩnh án treo giò 3 năm và bị CLB HAGL chấm dứt hợp đồng.
Nhớ lại những ngày tháng đó, chân sút sinh năm 1981 vẫn không thôi day dứt: “Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và xác minh tôi vô tội. Nhưng tôi không hiểu tại sao mình vẫn phải chấp nhận một hình phạt nặng nề và oan ức đến vậy”.
Kỷ niệm Việt Thắng ứa nước mắt khi nhắc lại là anh cùng mẹ ra Hà Nội gặp lãnh đạo VFF nhưng không được tiếp đón. Quá đau khổ, mẹ Việt Thắng đã quỳ khóc ở cửa trụ sở Liên đoàn xin minh oan cho con.
Sau đó, Việt Thắng cũng không có tên trong danh sách đội tuyển U23 tham dự SEA Games 22 được tổ chức trên chính quê hương mình. Đến lúc này, ký ức ấy vẫn là một nỗi đau đối với anh.
Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng sinh năm 1981, trưởng thành từ CLB Công an TP.HCM. Sau đó, anh thi đấu cho nhiều CLB như HAGL, ĐTLA, Ninh Bình, Bình Dương...
Ở cấp CLB, Việt Thắng từng giành chức vô địch V-League 2003 cùng HAGL, vô địch V-League 2005, 2006 cùng ĐTLA và sở hữu nhiều danh hiệu Cúp QG, Siêu cúp...
Ở cấp ĐTQG, chiến tích huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Việt Thắng là chức vô địch AFF Cup 2008.
Chưa dừng lại, còn một nỗi đau khác được Việt Thắng tâm sự: “12 năm sau ngày xảy ra vụ nghi án, chú Đức vẫn không nói với tôi dù chỉ một câu.
Trong phòng lưu niệm của CLB HAGL trưng bày ảnh của tất cả cầu thủ từng thi đấu và cống hiến cho đội, chỉ tôi là không xuất hiện”.
Không có cơ hội để minh oan trực tiếp với bầu Đức nên khi quay trở lại sân cỏ sau án treo giò, Việt Thắng cho biết mỗi lần đến sân Pleiku thi đấu là mỗi lần anh có thêm quyết tâm khẳng định để chứng minh cho bầu Đức thấy ông đã sai lầm.
Và Thắng “bế” đã không ít lần lập công vào lưới đội bóng cũ. Nhưng điều anh chờ đợi là một cái bắt tay, một lời hỏi thăm từ bầu Đức đã không diễn ra trong suốt 12 năm qua, kể cả khi Việt Thắng đã treo giày.
Tuy vậy, cựu tiền đạo của ĐTVN vô địch AFF Cup 2008 không trách ông chủ cũ. Trong mắt anh, bầu Đức là hiện thân của sự đam mê, tình yêu cháy bỏng dành cho bóng đá.
Là cầu thủ từng kinh qua nhiều CLB, tiếp xúc với nhiều ông bầu, Việt Thắng đánh giá bầu Thắng của ĐTLA hay bầu Trường của Ninh Bình trước đây cũng có chung sự đam mê và tâm huyết như bầu Đức.
Chỉ riêng bầu Đệ bị chân sút sinh năm 1981 mô tả là: “Không biết dùng từ gì để nói về cách hành xử của ông ta”.
Mùa giải 2012, Việt Thắng khoác áo CLB Bình Dương nhưng không cạnh tranh được vị trí vì mất phong độ do chấn thương. Theo lời mời của HLV Triệu Quang Hà, anh đồng ý về thi đấu dưới dạng cho mượn giúp CLB Thanh Hóa trụ hạng.
Khi mùa giải còn 2 vòng và đội bóng xứ Thanh đã hoàn thành mục tiêu, Việt Thắng xin phép rời đội sớm. Nhưng bầu Đệ đã vin vào lý do này để phạt anh 500 triệu.
Đồng thời, CLB Thanh Hóa còn làm đơn kiến nghị VFF không triệu tập Việt Thắng vào ĐTVN chuẩn bị tham dự AFF Cup 2012.
“Khoản tiền tôi nhận từ Thanh Hóa chỉ khoảng 200 triệu, nhưng con số tôi mất lên đến 800 triệu bao gồm tiền phạt rồi tiền vé máy bay, tiền thưởng không được thanh toán…”, Việt Thắng kể lại.
Nhưng tại thời điểm vừa nhắc, do quá khát khao thi đấu lần cuối cùng ở sân chơi khu vực, Việt Thắng đã chấp nhận bỏ tiền túi để đền bù cho Thanh Hóa.
Song cuối cùng, anh vẫn không được toại nguyện khi bị loại khỏi ĐTVN trước thềm AFF Cup 2012. Đây cũng là một kỷ niệm khiến Việt Thắng thấy không phục, bởi nó không xuất phát từ lý do chuyên môn.
Nhìn lại sự nghiệp đầy thăng trầm của mình, cựu tuyển thủ từng vô địch AFF Cup 2008 chia sẻ, có nhiều chuyện vẫn khiến anh cảm thấy buồn và tiếc nuối. Chẳng hạn, việc bầu Đức không cho Việt Thắng có cơ hội được giãi bày sau ngần ấy năm.
Nhưng về cơ bản, Thắng “bế” đã sở hữu một sự nghiệp đáng để hài lòng. Với tổng giá trị phí chuyển nhượng sau nhiều lần thay đổi CLB lên đến gần 20 tỷ, Việt Thắng nằm trong tốp cầu thủ thành đạt nhất trên sân cỏ Việt Nam. Bên cạnh đó là nhiều danh hiệu từ cấp CLB đến ĐTQG.
“Nếu sau này có con trai, tôi vẫn sẽ cho cháu theo nghiệp bóng đá. Chỉ với một điều kiện là con tôi phải đủ đam mê và nghị lực để đi đến cuối cùng cuộc hành trình”, Việt Thắng đúc kết từ chính sự nghiệp của anh.
Việt Thắng kiến tạo cho Công Vinh ghi bàn ở chung kết AFF Cup 2008.