Câu hỏi này mang tính giả định về tương lai xa nhưng nó lại liên quan trực tiếp đến vấn đề đang tồn tại của cả hệ thống BĐVN vì số phận các CLB khi phải sống phụ thuộc gần như hoàn toàn vào một ông bầu, doanh nghiệp nào đó. Nếu ông bầu, doanh nghiệp đó có “buông tay” coi như CLB cũng chết vì không tự nuôi sống được mình.
CLB sống như phận tầm gửi
Hiện tại tất cả các CLB bóng đá của Việt Nam từ V-League đến hạng Nhất đều không thể tự mình nuôi sống mình từ nguồn thu bóng đá. Nguồn thu từ bóng đá hiện đại đến từ 4 nguồn cơ bản: bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình, bán áo đấu và dịch vụ kinh doanh ăn theo.
Tuy nhiên, các CLB của VN chỉ có nguồn thu gần như duy nhất để tồn tại là tiền túi của các ông bầu hoặc được doanh nghiệp tài trợ và được quyết toán dưới hình thức “quảng cáo thương hiệu”. Một số CLB được nhân sách địa phương và được rót theo hình thức cho "hợp lý" thì về bản chất CLB vẫn còn được bao cấp, xin cho.
Chính vì thế, trong 2 năm qua khi kinh tế VN chịu nhiều biến động tiêu cực hay các ông bầu “buông tay” thì ngay lập tức hàng chục CLB bị xóa sổ như Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Khatoco Khánh Hòa, SQC Bình Định, Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn, Kienlong Bank Kiên Giang… và mới nhất là Vissai Ninh Bình, Hùng Vương An Giang. Sự tồn tại của các CLB rất mong manh vì bị phụ thuộc hoàn toàn vào số phận của một cá nhân.
Khi bầu Kiên dính vòng lao lý thì 2 đội bóng của ông là CLB Hà Nội ở V.League và CLB Trẻ Hà Nội ở giải hạng Nhất đều bị giải tán.
Trường hợp của CLB HAGL hay Học viện HAGL JMG về bản chất cũng y như vậy nếu có chuyện gì “không hay” xảy ra với bầu Đức thì số phận CLB HAGL và Học viện JMG coi như chấm dứt. Hoặc xa hơn sau này khi bầu Đức không thể tiếp tục điều hành công việc song các con ông không hề có chút đam mê nào với bóng đá thì tương lai của CLB HAGL và Học viện JMG cũng trở nên mịt mùng, vô định.
Bản chất vấn đề của BĐVN, của các CLB là hãy làm càng sớm càng tốt đưa bóng đá về đúng giá trị chuyên nghiệp, để CLB tự thân nuôi sống được mình hoặc chứng tỏ CLB là một thực thể tạo ra được nhiều giá trị lợi ích to lớn về thực tiễn cho doanh nghiệp chứ không phải CLB chỉ là công cụ mang tính lợi dụng theo “mùa vụ”. Nói gọn hơn là các CLB phải dần tự lập để từ bỏ thân phận tầm gửi của mình như hiện nay.
Giải V.League vẫn là nền tảng của nền tảng
Học viện HAGL JMG đào tạo ra cầu thủ với mục đích cao nhất để bán sang châu Âu song mục đích này không phải lúc nào cũng đạt được nên V-League vẫn là sân chơi chính để các cầu thủ “gà nòi” của bầu Đức thi thố.
Vì vậy, cần có cái nhìn thực tiễn rằng dù chán ghét V-League đến đâu thì nó vẫn là nền tảng, là giải đấu số 1 của BĐVN, vẫn là nơi các cầu thủ giỏi nhất của VN tranh tài. Thay vì tẩy chay, chê bai V-League thì những người có trách nhiệm ở VFF, VPF phải bằng mọi cách cải thiện, nâng cấp để V-League chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn.
Khi V-League hay, hấp dẫn hơn và thu hút được đông đảo khán giả, CĐV đông đảo hơn đồng nghĩa CLB sẽ dần tự đứng trên đôi chân của mình. Các CLB trở thành một thực thể sinh lời, có lợi ích lâu dài cho ông bầu, doanh nghiệp chứ không phải là CLB “tầm gửi”.
Nếu V.League vẫn là giải đấu bạo lực, thiếu minh bạc và nhiều tiêu cực như vụ việc ở CLB Đồng Nai thì dù có nhiều Học viện bóng đá như HAGL JMG cũng không thể đưa BĐVN đi lên.
Đến lúc này thì giả định dù con cái của bầu Đức không đam mê bóng đá, họ vẫn duy trì CLB HAGL và Học viện JMG vì đơn giản là CLB có lợi cho họ chứ không phải “cục nợ” hay thứ “nuôi báo cô”. Số phận CLB bây giờ sẽ gắn chặt với CĐV, khán giả chứ không phụ thuộc toàn bộ vào một cá nhân ông bầu hay doanh nghiệp. Đấy là thứ bóng đá chuyên nghiệp mà chúng ta vẫn thấy ở các nền ở châu Âu.
Qua thực tiễn BĐVN rất dễ thấy nhiều ông bầu dù đam mê bóng đá cuồng nhiệt nhưng khi cạn tiền và CLB trở thành gánh nặng thì họ buộc phải buông, giải tán CLB.
Nếu chỉ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần có nhiều Học viện HAGL JMG, đào tạo ra cầu thủ tốt và nhắm đến các đích xuất khẩu cầu sang châu Âu mà bỏ mặc giải V-League tiêu cực tràn lan thì BĐVN vẫn đi vào ngõ cụt, không thể cất cánh được.
VFF hãy thôi đổ lỗi cho CLB
Cải tạo V-League chuyên nghiệp, hấp dẫn và tiến bộ hơn đòi hỏi nỗ lực chung của nhiều phía nhưng vai trò đầu tàu vẫn thuộc về VFF và VPF. Trong thời gian tuyển U19 VN tạo nên cơn sốt ầm ĩ vừa qua rất dễ nhận ra vai trò VFF và cá nhân chủ tịch VFF là ông Lê Hùng Dũng chưa thể hiện tầm cao của một người đứng mũi chịu sào.
Thứ nhất, hiệu ứng mà tuyển U19 VN mang lại rất tốt cho BĐVN và xã hội nhưng VFF hay cá nhân ông Lê Hùng Dũng không thể cứ “đu” mãi vào đó được. Sự quan tâm, chia sẻ và đầu tư của VFF phải được dành cho tất cả các đội tuyển khác và vấn đề hệ trọng khác của BĐVN chứ không phải như cha mẹ thấy đứa con đẹp đẽ, giàu có là bám theo còn đứa con xấu xí, ghẻ lở lại bỏ mặc.
Thứ hai, VFF phải thể hiện tầm nhìn, trách nhiệm xa hơn là cải tạo V-League bằng mọi giá để giải đấu này thực sự đúng nghĩa chuyên nghiệp. Việc một loạt CLB trong 2 năm qua bị giải thể hàng loạt bản thân VFF, VPF phải nhìn nhận trách nhiệm về quản lý, điều luật quá lỏng lẻo của giải đấu V-League, hạng Nhất chứ không thể đổ vấy trách nhiệm hết cho CLB. Chuyện chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng chỉ trích CLB Hùng Vương An Giang là “nghèo khó, lôm côm” ở Lễ tổng kết mùa giải 2014 rất khó chấp nhận về lý lẫn tình.
Bóng đá phải lấy CĐV làm điểm tựa bền vững chứ không điểm tự là tiền từ túi các ông bầu.
Thứ ba, nhiều vị lãnh đạo VFF, VPF trong đó có ông Lê Hùng Dũng, bầu Đức hay phát biểu nóng nảy: “Anh nào thích thì cứ bỏ giải, còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu” không phải là cách thể hiện trách nhiệm. Trách nhiệm của VFF, VPF là tạo ra một giải đấu chặt chẽ, kỷ luật và công bằng để từ đó mọi CLB khi tham gia vào đều thấy có lợi, hứng thú chứ không phải tham gia V-League tốn kém mà thấy bất công, ức chế, tổn hại nhiều thứ.
VFF, VPF phải thuyết phục CLB, khán giả thông qua việc nâng cao chất lượng V-League chứ một khi vẫn tồn tại nhiều tiêu cực thì chẳng cần VFF phải dọa dẫm các CLB cũng tự động bỏ cuộc, giải tán như Hòa Phát Hà Nội trước đây và Hùng Vương An Giang vừa rồi.