Theo ý kiến mới nhất của lãnh đạo Tổng cục TDTT thì quyền quyết định nhân sự cho đội tuyển U23 Việt Nam hoàn toàn thuộc về HLV Toshiya Miura.
Thậm chí, lứa cầu thủ của HA.GL chưa chắc được dự SEA Games 28. Nghĩa là, ngay cả ngôi sao Công Phượng cũng có thể phải ngồi ở nhà xem SEA Games.
Phong cách làm việc của HLV Miura rất chuyên nghiệp. Ông thầy người Nhật Bản chỉ lựa chọn những cầu thủ đạt phong độ cao và giàu tính chiến đấu.
Điều này được thể hiện tại AFF Cup 2014 khi hàng loạt cầu thủ trẻ vốn ít tiếng tăm đã được ông trao cơ hội và họ thể hiện tốt trong màu áo đội tuyển Việt Nam, như Huy Toàn, Huy Hùng...
Triết lý huấn luyện của HLV Miura là cầm bóng ít, chơi ít chạm, chuyền nhanh và luôn hướng về khung thành đối phương.
Đây chính là lấn cấn lớn nhất trong quyết định chọn hay loại Công Phượng, vì Phượng vốn chơi khá rườm rà, ham rê dắt và lạm dụng kỹ thuật cá nhân, mà chúng ta đều biết đã hơn một lần HLV Miura “chê khéo” các cầu thủ U19.
Chọn hay loại Công Phượng như đã nói là quyết định của HLV Miura. Đó là chưa kể ngoài những tiêu chí thuộc về chuyên môn, đôi khi một HLV chọn người cũng có sự chi phối của chuyện thích hay không.
Song nếu một cầu thủ tài năng như Công Phượng mà không được chọn thì hẳn rất phí. Công Phượng cần được trao cơ hội để cọ xát, để biết mình đang ở đâu khi đứng vào hàng ngũ U23 Việt Nam.
HLV Miura nên tạo cho Công Phượng một mảnh đất để anh thể hiện và phát triển tài năng của mình. Hay nói cách khác, bằng cách nào đó, nếu nhà cầm quân người Nhật Bản giúp Công Phượng toả sáng trong màu áo U23 Việt Nam thì mới đáng khâm phục.
Tất nhiên, chúng ta cũng không nên quá bất ngờ nếu phút chót ông Miura quyết định loại Công Phượng.
Bởi những quyết định của nhà cầm quân người Nhật Bản đều hướng đến mục đích tối thượng là chọn ra đội hình mạnh nhất cho U23 Việt Nam chinh phục tấm HCV SEA Games.
Và khi đó, HLV Miura cần sự chia sẻ thay vì bị gây áp lực.Liệu Công Phượng có được HLV Miura chọn hay không, câu trả lời nằm ở chính bản thân cầu thủ này. Nghĩa là, Công Phượng phải thay đổi, phải tìm được sự đồng điệu trong triết lý bóng đá của HLV Miura.
Có câu “Bí quyết thành công là sự thích ứng”.
Một con người biết cách thích ứng tốt với môi trường mới thì cuộc sống của họ sẽ trở nên dễ dàng.
Với Công Phượng, nếu anh không chịu “lớn” và chuyên nghiệp hóa trước tuổi (như Lê Công Vinh), trong ứng xử, phát ngôn, hành động…sẽ là trở ngại không nhỏ đến sự nghiệp.
Nói tóm lại, muốn được chọn, Công Phượng cần nghiên cứu kỹ triết lý bóng đá của HLV Miura và nỗ lực đi tìm sự đồng điệu giữa 2 người.
Dù gì đi nữa, người hâm mộ vẫn chờ đợi đến lúc Công Phượng khoác áo U23 Việt Nam và tỏa sáng, như anh từng làm trong màu áo U19 Việt Nam.
Công Phượng đang thay đổi?!
Có thể nhận ra một thực tế, Công Phượng cùng những đồng đội ở HA.GL đang nỗ lực thích ứng với môi trường V-League.
Xem Công Phượng đá gần đây có thể thấy anh đã hạn chế thời gian cầm bóng, không còn lạm dụng kỹ thuật cá nhân.
Đặc biệt ở trận HA.GL thắng SHB.Đà Nẵng, thời gian cầm bóng của Công Phượng rất hạn chế, khoảnh khắc ấn tượng mà cầu thủ này tạo ra cũng khiêm tốn.
Trong hơn 90 phút trên sân Pleiku, Phượng chỉ để lại 3 tình huống đáng chú ý nhất là pha đảo người rồi dứt điểm đầu hiệp 1; tiếp đó là pha đối mặt thủ môn Lê Văn Hưng và mang về quả 11m; cuối cùng là cú đá phạt tầm xa bằng chân phải đưa bóng đi sạt xà ngang khung thành SHB.Đà Nẵng.
Còn lại trong hầu hết những lần chạm bóng, Phượng đều chuyền ngay rồi di chuyển.
Đó là sự thay đổi theo hướng tích cực trong lối chơi của Công Phượng và HA.GL, bởi phô diễn kỹ thuật cá nhân chỉ mang đến sự phấn khích cho khán giả song hiệu quả thực tế thì rất thấp.
HLV Guillaume Graechen cũng thẳng thắn cho rằng HA.GL đang đi tìm sự cân bằng trong lối chơi, mà trước hết là hạn chế thời lượng cầm bóng của các cầu thủ.