Sau sự kiện bốn trọng tài nhận tiền bồi dưỡng bị tố giác, khi VPF đang loay hoay tìm bằng chứng VFF đã nhanh chân gửi công văn nhờ công an tham gia xử lý cùng với việc đình chỉ chức vụ với ông Đoàn Phú Tấn và ông Dương Vũ Lâm. Kết quả cho đến thời điểm này, vẫn chưa có kết luận chính thức nhưng, cả bốn trọng tài lẫn hai ông Tấn và Lâm như bị mang án treo.
Đây không phải lần đầu tiên lực lượng công an được nhờ vả. Trong đoàn thể thao đi thi đấu ở nước ngoài, đặc biệt là trong đội bóng đá đi thi đấu tại các kỳ SEA Games hay AFF Cup đều có nhờ cán bộ ngành công an đi cùng. Đó không phải là thông tin bí mật, nó được chính những người làm thể thao công khai như một biện pháp răn đe. Tương tự như thế, khi có các diễn biến bất thường ở giải bóng đá, người ta thường được nghe tới cụm từ “nhờ công an”. Ví dụ, trận đấu giữa Đà Nẵng và Sài Gòn Xuân Thành bị nghi ngờ có tiêu cực từ ban đạo đức, VPF, VFF khẳng định sẽ nhờ công an vào cuộc. Mới nhất, trận đấu bù giữa Đà Nẵng và Đồng Nai có những diễn biến khó lường, người hâm mộ lại nghe “nhờ công an”.
Đồng Nai vượt qua Đà Nẵng trong một trận có “diễn biến khó lường”. Ảnh: VNE
Sẽ có người cho rằng, chỉ có công an mới đủ chức năng, kinh nghiệm và cả nhân lực vật lực để tìm ra tiêu cực. Nhưng thực tế cho thấy, đôi khi việc nhờ công an dù mang danh là để khách quan hơn, lại chỉ như một biện pháp chuyền bóng đẹp không hơn không kém. Khoan nói chuyện bộ Y tế, nơi chuyên về y học lại nhờ công an điều tra về y học là hợp lý hay không. Ngay trong bóng đá, tưởng chừng nhờ công an là biện pháp tốt lại cũng chưa chắc. Từ ngày “nhờ công an” đến nay, bóng đá Việt Nam đã sạch hơn được chưa, những nghi ngờ tiêu cực đã giảm chưa? Câu trả lời có luôn, chưa. Cụ thể là những hồ nghi về tiêu cực vẫn tiếp tục có đến V-League 2013 này đấy thôi. Nghi án trận Đà Nẵng – Sài Gòn Xuân Thành chìm lỉm, thủ môn Tấn Trường cũng đã từng bị cáo buộc liên quan đến bán độ công khai trong một cuộc họp của VPF và bầu Kiên khi đó cũng thông báo đã nhờ công an làm việc, cuối cùng cũng chìm luôn.
Còn nhớ ông Ngô Tử Hà, nguyên trưởng ban tổ chức giải vô địch quốc gia đã thẳng tay trừ điểm hai đội bóng cộm cán thời ấy là Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng năm 2001, hay ông Trần Duy Ly trừ điểm, phạt tiền Thể Công năm 2003 mà chẳng cần phải “nhờ công an”. Đơn giản bởi ông Ngô Tử Hà đã thẳng thắn tuyên bố: “Một người làm bóng đá mà xem trận đấu không biết có tiêu cực hay không để xử lý thì nên nghỉ đi. Việc tiêu cực hay không dựa trên các biểu hiện trên sân đấy thôi. Cứ dựa vào điều lệ mà làm”. Các đội bóng khi ấy đã buộc phải tuân theo quyết định kỷ luật bởi cuộc chơi nào cũng có luật của riêng nó và người điều hành bóng đá dùng luật bóng đá để thi hành.
Nói để thấy, khi người ta thật sự muốn làm rõ đến tận cùng của vấn đề, muốn quyết liệt thật sự chứ không chỉ là hô khẩu hiệu quyết liệt, những người điều hành có thể làm được ngay. Tất nhiên, để làm được những điều ấy, những người điều hành cũng phải chấp nhận đối đầu với những cám dỗ như có lần ông Ngô Tử Hà đã tâm sự: “Đã có người nhờ tôi “điều chỉnh” trận đấu để đổi lấy một căn nhà ngay Thanh Nhàn – Hà Nội nhưng tôi đã từ chối thẳng thừng”. Vậy thì hà cớ gì, sau ông Hà, sau ông Ly, những vụ việc tương tự như vậy trong bóng đá lại phải nhờ công an để rồi đa phần là chìm xuồng?!
Gọi là dân sự nhưng hở ra là “nào mình cùng nhờ công an” thì kể ra cũng căng thiệt.