Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ và Bùi Anh Tuấn vừa bị UBND TP Đà Nẵng tuyên bố cắt show tại chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) vì hét cát sê quá cao. Trong đó, “họa mi tóc nâu” bị chỉ đích danh là yêu cầu tới “110 triệu và thành phố phải chịu luôn thuế VAT”. Gần như ngay lập tức, Mỹ Tâm đã đăng đàn phủ nhận thông tin mình đòi cát sê khủng như vậy: “Chương trình pháo hoa năm nay ở Đà Nẵng, tôi chưa hề ký hợp đồng nào 6.000 đô, cũng không có việc làm tròn giá 110 triệu đồng và cũng không có chuyện buộc TP phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10% nào cả”. Nữ ca sĩ này còn khẳng định sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm nếu những thông tin cô đưa ra là không chính xác.
Tất nhiên, ở đây chắc chắn là Mỹ Tâm nói đúng. Bởi chương trình nghệ thuật mới trong giai đoạn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt nên dĩ nhiên chưa thể có “hợp đồng nào được kí kết” cả. Bên cạnh đó, thông tin các ca sĩ đòi cát sê cao cũng có thể là chiêu trò của công ty chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện này – Sơn Lâm (Hà Nội) để làm giá với Đà Nẵng.
Ca sỹ Mỹ Tâm
Thế nhưng, có một điều khác thật không kém. Đó là không phải ngẫu nhiên mà công ty Sơn Lâm đưa ra được báo giá như vậy. Nó rõ ràng vẫn phải dựa trên mặt bằng cát sê mà các ca sĩ vẫn thường xuyên nhận được. Hơn nữa, cũng có một điều mà Mỹ Tâm không thể chối cãi, đấy là trong suốt 5 lần DIFC được tổ chức thì chưa một lần cô góp mặt biểu diễn. Bấp chấp Đà Nẵng chính là quê hương của họa mi tóc nâu và DIFC là một sự kiện mang tầm quốc tế nhưng lại không được cấp ngân sách mà thực hiện hoàn toàn nhờ vận động tài trợ. Vì thế, về lý thuyết, những người con như Mỹ Tâm phải là những người nỗ lực đóng góp, giúp đỡ tối đa cho mảnh đất quê hương mình mới phải đạo.
Dường như trong thời buổi kinh tế thị trường, thuận mua vừa bán, thì những đòi hỏi về thù lao của các cá nhân đã trở thành một điều hết sức bình thường. Bởi thực tế, không chỉ trong lĩnh vực showbiz Việt mà trong bóng đá Việt cũng vậy, người ta thấy nhan nhản những câu chuyện cầu thủ dứt tình chạy theo tiếng gọi của đồng tiền.
Tại V-League hiện nay, có quá ít những biểu tượng thực sự cho 1 đội bóng theo kiểu một ngôi sao đã gắn bó cống hiến gần như trọn cả sự nghiệp cho CLB. Quanh đi quẩn lại có lẽ chỉ có trung vệ Huy Hoàng của SLNA, cho dù Hoàng “Cẩn” đôi khi là tấm gương xấu. Trong khi đó, ở bất kì CLB lớn nào trên thế giới người ta cũng có những mẫu biểu tượng của đội bóng: Casillas ở Real Madrid, Puyol, Iniesta, Xavi… ở Barca, Lahm, Schweinsteiger ở Bayern, Giggs, Scholes ở MU, Terry ở Chelsea.. còn rất nhiều, rất nhiều ví dụ khác.
Những điều tưởng chừng như rất bình thường trong môi trường quốc tế thì lại trở thành xa xỉ ở Việt Nam. Có quá nhiều vụ lùm xùm vì các cầu thủ quyết dứt tình với đội bóng vì lí do tiền bạc: Mai Tiến Thành quay mặt với đội bóng quê hương Thanh Hóa để ra Ninh Bình, Công Vinh bỏ SLNA về Hà Nội T&T, rồi sau đó lật kèo với chính HN T&T để sang CLB bóng đá Hà Nội trước khi buộc phải trở về xứ Nghệ khi không còn chốn dung thân…Thêm một điều chỉ có ở Việt Nam mới có: các cầu thủ gần như không quan tâm đến môi trường mới, đội bóng mới có phù hợp và đủ tầm cho sự phát triển của mình hay không, mà hầu như chỉ cân nhắc yếu tố tiền bạc. Ở Việt Nam , chỉ cần tiền là ông bầu có thể có bất cứ cầu thủ nào mình muốn.
Tài Em từng bỏ ĐTLA để sang Navibank Sài Gòn hồi năm 2011
Này nhé, Tài Em lẽ ra đã là 1 tượng đài sống ở ĐTLA nhưng giờ lại đang chết chìm ở Sài Gòn Xuân Thành do đã quyết định chuyển đến Navibank Sài Gòn hồi năm 2011. Tài Em khi ấy đang ở đỉnh cao sự nghiệp là đội trưởng ĐTQG, còn Navibank Sài Gòn chỉ là 1 cái tên mới nhảy vào làm bóng đá sau khi mua lại suất của Quân khu 4. Ấy vậy mà, Tài Em chẳng ngại ngần về với bến đỗ mới bấp bênh này. Tất cả chỉ vì khoản tiền lót tay kếch xù. Để rồi đội bóng này nhanh chóng giải tán ngay sau khi mùa giải 2011-2012 kết thúc. Cùng chung bài học với Tài Em là Quang Hải – người chạy khỏi Khánh Hòa với số tiền lót tay 9 tỷ, nhưng may mắn cho tiền đạo này là anh đã được thầy cũ Hoàng Anh Tuấn cưu mang dưới tên gọi mới Hải Phòng.
Có thể thấy, trên thế giới, các CLB vùng Vịnh và Mỹ không thiếu tiền, nhưng họ chỉ chèo kéo được các ngôi sao ở buổi xế chiều; rất khó thậm chí là gần như không thể mời về một tên tuổi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Đơn giản bởi với các cầu thủ chuyên nghiệp thì khả năng phát triển, sự cống hiến, khả năng gặt hái thành tích, vinh quang mới là điều quan trọng nhất; chứ không phải là tiền. Tiếc rằng, có vẻ như ở Việt Nam , các ngôi sao lại không nghĩ thế.
Như đã nói ở trên, chạy theo những đồng tiền chính đáng đương nhiên không phải là xấu, thậm chí là lẽ thường tình. Nhưng tựu chung lại cuộc sống nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng chẳng phải sẽ tầm thường lắm sao, nếu nó chỉ bao gồm toàn những điều bình thường sao? Khi mà rõ ràng còn rất nhiều thứ khác còn quý giá hơn những đồng tiền vô tri vô giác…