Ngày ra quân, đoàn quân của HLV Graechen đánh bại Sanna Khánh Hòa 4-2 đầy ấn tượng. Bầu Đức vui mừng tới mức còn nghĩ đến mục tiêu cao như chức vô địch.
Còn Sanna Khánh Hòa bị nhận định là đội bóng phải chạy đua để trụ hạng ở mùa giải V-League 2015.
4 tháng sau ngày đó, HAGL xếp thứ 12 trên BXH, chỉ hơn đội “cầm đèn đỏ” vỏn vẹn 2 điểm. Trong khi đó, Sanna Khánh Hòa càng đá càng hay.
Họ thể hiện đúng chất của một CLB “ngổ ngáo”, không hề sợ hãi. Sau 11 trận, Sanna Khánh Hòa giành 18 điểm, hơn HAGL tới 10 điểm.
Mới đây, họ đánh bại Hà Nội T&T, đội bóng mà HLV Graechen nhận xét là “mạnh nhất trong số các đối thủ từng gặp ở V-League”.
Trường hợp “đổi đời” khác thuộc về SHB Đà Nẵng. Sau khi thua HAGL, đoàn quân của HLV Lê Huỳnh Đức rơi vào tình cảnh khá bi đát.
Họ đứng cuối bảng, có được chỉ 1 điểm sau 5 trận. Vậy nhưng SHB Đà Nẵng đã trỗi dậy mạnh mẽ. Họ liên tiếp đánh bại các đối thủ khó chơi như Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Đội bóng sông Hàn leo một mạch lên vị trí 8 với 13 điểm trong tay, vượt xa khu vực nguy hiểm.
Rất nhiều cách lí giải khác nhau cho hiện tượng này được đưa ra.
Một trong số đó cho rằng, HAGL sở hữu lực lượng kém nhất V-League. CLB nào để thua đoàn quân của Graechen nghĩa là đã “chạm đáy” phong độ.
Sau đó dĩ nhiên là thời kỳ hồi phục và chuyện giành những chiến thắng cùng điểm số là hợp lý.
Còn một quan điểm khác chỉ ra sự may mắn trong các chiến thắng của HAGL. Họ đánh bại Sanna Khánh Hòa trong trận cầu mà đối thủ chưa sẵn sàng cho giải đấu.
Kể từ sau đó, Sanna Khánh Hòa không còn dễ chơi và ít ai dám nghĩ đến việc chọc thủng lưới CLB này 3 bàn chứ đừng nói là 4 bàn như HAGL.
Tương tự với SHB Đà Nẵng. Nếu Công Phượng không khéo léo kiếm lấy quả phạt đền thì chưa chắc đội bóng phố Núi đã có 3 điểm.
Nhiều CĐV đã nói vui rằng: “Cứ thua HAGL đi rồi sẽ thăng hoa”.
Không biết bầu Đức cùng HLV Graechen có nghe câu chuyện này của người hâm mộ? Chỉ biết một thực tế là nếu không được tiếp sức kịp thời, HAGL thậm chí sẽ khó mà thắng được đội nào nữa.