Với họ, thành tích tại các sân chơi dành cho các lứa tuổi “U” chỉ là điều kiện cần, không quyết định bất cứ thứ gì ở thì tương lai. Chúng tôi vừa có chuyến sang Thái Lan, và thực sự ấn tượng với nền bóng đá của họ.
Đang vật vã với cuộc chiến chống xuống hạng Nhất tại mùa giải 2015 (Thai – Premier League 2015 còn 2 lượt trận), nhưng CLB BEC Tero Sasana (xếp thứ 16, suất cuối cùng phải xuống hạng – PV) vẫn đóng góp đến 7 cầu thủ thuộc biên chế ĐT U23 Thái Lan, chuẩn bị VCK U23 châu Á (Qatar, tháng 1/2016).
Nó cũng tựa như những gì đang diễn ra với U23 Việt Nam, khi HAGL, đội bóng xếp thứ 2 từ dưới lên tại V-League 2015, cũng có đến 7 cầu thủ.
Nếu BEC Tero có “Messi Thái Lan” Chanathip Songkrasin thì HAGL có Công Phượng.
Nếu đội bóng từng đi đến trận chung kết AFC Champions League 2002-2003 cung ứng cho U23 Thái Lan thêm 6 vị trí, trải đều ở cả 3 tuyến, thì nhà vô địch V-League năm đó cũng không hề kém cạnh.
Con người quyết định các ý đồ về chiến thuật, cũng như lối chơi mang tính bản lề. Có thể nói HLV Kiatisuk đã chọn BEC Tero và Songkrasin làm trục xương sống cho U23 Thái Lan.
Các đội đương kim vô địch cùng á quân Thai – Premier League là Buriram FC và Muang Thong United, tổng cộng cũng chỉ đóng góp có 6 cầu thủ cho U23 Thái Lan.
Quay lại với Việt Nam, nhà vô địch V-League 2 năm liền là B.Bình Dương thậm chí không có ai.
Á quân Hà Nội T&T đóng góp 6 người (bao gồm cả Duy Mạnh vốn đang chấn thương, và Đức Huy năm ngoái đá cho CLB Hà Nội – PV). Dài dòng thế để thấy rằng, khoảng cách giữa U23 và ĐTQG là rất xa.
Câu hỏi đặt ra, cũng là vấn đề gây tranh cãi suốt thời gian qua: tại sao HLV Toshiya Miura không thể làm điều tương tự như đồng nghiệp Kiatisuk Senamuang?!
HAGL có thể vừa trải qua một mùa V-League đầy giông bão, nhưng ở tầm sân chơi dành cho người trẻ, những cầu thủ đương thời như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,… rõ ràng là đang chiếm ưu thế.
Hơn nữa, như đã nhắc ở trên, sân chơi U23 châu Á đơn thuần chỉ là giải đấu dành cho bóng đá trẻ, nơi mà các nền bóng đá vùng trũng đặt chỉ tiêu cọ xát, học hỏi kinh nghiệm là chính, thay vì tham vọng thành tích hão huyền.
Bóng đá trẻ Việt Nam không chỉ có mỗi “những đứa trẻ của bầu Đức” biết chơi bóng, ông Đức cũng không thể nối dài cánh tay để áp đặt chuyện chuyên môn với HLV Miura, tuy nhiên, phải có ai đó tư vấn cho thuyền trưởng người Nhật Bản bỏ “tối” theo “sáng”.
Bóng đá Việt Nam nói chung và bóng đá trẻ nói riêng, đang mất phương hướng, tư duy kiểu “bóc ngắn, cắn dài”, thời vụ.
Cũng là một nách đôi ba con, nhưng ở Thái Lan, Kiatisuk Senamuang được ví như tổng quản, một “manager” đích thực, với đầy đủ các ban bệ và trợ lý giúp việc.
Ở Việt Nam, HLV Miura đích thị là người làm thuê, lo cả những việc vặt và chịu đủ sức ép. Một sự khác biệt quá lớn về phương pháp làm bóng đá.
Theo kế hoạch, U23 Thái Lan sẽ tập trung vào ngày 17/12 tới đây, tức 3 ngày sau khi mùa giải 2015 kết thúc.
Trong khi đó, ĐT U23 Việt Nam đã tập trung từ trước đó nửa tháng, tập trận, chấn thương, gọi bổ sung thay thế, phí phạm không cần thiết, mà kết quả gần như đã được đoán trước.
Khi “những đứa trẻ của bầu Đức” mới chỉ tạo được ấn tượng tốt ở các giải đấu trẻ và giao hữu, chúng ta đã nghĩ tới World Cup hay Asian Cup. Suy nghĩ khác nhau dẫn đến hành động khác nhau.
Tôi thầm nghĩ, bóng đá Việt Nam cứ biền biệt học đâu xa, học được một phần bóng đá Thái Lan đã quý hóa lắm rồi!