Sự nuối tiếc của VFF thể hiện khá rõ qua lời phát biểu đầy ấm ức của Tổng thư ký Ngô Lê Bằng: “Liên đoàn sẵn sàng đứng ra tổ chức khi được nhà tài trợ yêu cầu còn họ có sang hay không lại không phụ thuộc vào chúng tôi”. Thực tế, tâm lí này cũng là dễ hiểu. Bởi hàng năm người hâm mộ Việt Nam chắc chắn không khỏi cảnh chạnh lòng, khi các ông lớn của bóng đá Châu Âu cứ ầm ầm đổ bộ xuống các nước láng giềng, mà không hề ngó ngàng đến nước ta. Vì thế, việc đưa các đội bóng hàng đầu thế giới tới Việt Nam cũng là một cách tốt để VFF “ghi điểm” với người hâm mộ (nhất là trong tình cảnh “đói kém” thành tích như hiện nay).
CLB Roma đã đổi ý không đến Việt Nam
Trước hết phải khẳng định mong muốn được xem các ngôi sao bằng xương, bằng thịt thi đấu là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Chỉ có điều, trong điều kiện hiện tại của bóng đá Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, thì đây chẳng khác nào một thú vui xa xỉ. Để những CLB tầm cỡ như AS Roma hay Arsenal chọn làm điểm đến, chúng ta sẽ phải chi trả khoản phí ra sân kếch xù, trị giá hàng chục tỉ đồng.
Tất nhiên, VFF cũng sẽ không lỗ trong những cú áp phe kiểu này. Họ sẽ dễ dàng thu hồi vốn, thậm chí lãi to nhờ vào tiền tài trợ, quảng cáo cũng như nâng giá vé lên bạc triệu. Thế nhưng, bản chất của vấn đề là cuối cùng vẫn có hàng đống tiền chảy ra nước ngoài, trong bối cảnh trong nước còn nhiều khó khăn.
Hãy thử tưởng tượng, hàng chục tỷ đồng như vậy sẽ có ý nghĩa như thế nào nếu được đầu tư vào bóng đá trẻ hoặc cho bóng đá nữ, thay vì đổi lấy 90 phút mua vui ngắn ngủi. Các trận đấu với tính chất biểu diễn, chạy show như vậy, dù là của các ngôi sao số 1 thế giới dĩ nhiên chẳng thể nâng tầm bóng đá Việt Nam, chẳng giúp chúng ta học hỏi được gì nhiều. Bằng chứng là sau trận đấu lịch sử với Olympic Brazil với hàng lọt siêu sao như Ronaldinho, Diego, Robinho , Pa to… hồi năm 2008 – trận đấu tiêu tốn của VFF nửa triệu USD, bóng đá Việt Nam vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Mà nên nhớ rằng, với Olympic Brazil đấy là 1 trận đấu họ chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008, nên động lực thi đấu của họ đương nhiên vẫn tích cực hơn nhiều với các trận giao hữu theo kiểu thương mại thông thường.
Việc những đội bóng như Roma hay Arsenal đến cũng chẳng giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam
Bóng đá nước nhà vẫn còn rất nhiều khoảng tối. Vẫn còn cảnh nữ danh thủ sau khi giải nghệ phải bươn trải mưu sinh bằng việc bán bánh mì dạo; vẫn còn chuyện cầu thủ nữ phải tắm nước lạnh giữa cái rét cắt thịt của mùa Đông miền Bắc. Hay chẳng đâu xa là việc các cầu thủ trẻ HAG Arsenal JMG chỉ được cấp 2 bộ trang phục/mùa khi đại diện cho tổ quốc thi đấu ở Nhật Bản, để rồi dẫn đến sự cố đáng tiếc trung vệ Đông Triều bị cấm vào sân trong 10 phút vì không có áo thay!? Rõ ràng, trong hoàn cảnh như vậy, dòng tiền đầu tư để giải quyết những vấn đề nội tại còn tồn tại của bóng đá nước nhà sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, đồng thời góp phần nâng tầm bóng đá Việt.
Sẽ thật đáng tiếc khi những lợi-ích-dài-hạn ấy lại bị đánh đổi lấy những trò “mua vui cũng được một vài trống canh” theo kiểu trưởng giả học làm sang.