Tại SEA Games 28 vừa qua, Phương Trâm giành quyền vào chung kết cự ly 50m bướm và suất dự bị chung kết 200m hỗn hợp. Nên nhớ, Ánh Viên bước ra đấu trường quốc tế khi 16 tuổi, còn Phương Trâm năm nay mới 14 tuổi!
Vì vậy, có lẽ không quá lời khi nhiều nhà chuyên môn dự báo cô bé này sẽ là một Ánh Viên thứ hai của làng bơi Việt Nam.
Thế nhưng, sóng gió đã xảy ra khi trước ngày lên đường sang Singapore tham dự SEA Games 28, gia đình Phương Trâm đã gửi đơn đến Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM xin cho cô bé nghỉ bơi ở CLB Yết Kiêu để đi du học.
Tiếp đến, gia đình Phương Trâm đã thông qua luật sư đại diện kiện đơn vị chủ quản là Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu (TP.HCM).
Kiện vì khoản bồi thường 961 triệu đồng
Đơn xin nghỉ do mẹ của Phương Trâm, bà Diệp Thị Viên Phượng, đứng tên ngày 19-3-2015 nêu: “Vì hoàn cảnh gia đình, kính xin ban giám đốc cho phép em được nghỉ và thôi tập luyện, thi đấu cho TP.HCM. Lý do: đi học tập nước ngoài kết hợp bơi lội”.
Chúng tôi đến nhà của Phương Trâm để tìm hiểu thực hư câu chuyện. Tiếp chúng tôi trong quán cơm gia đình ở quận 4, ông Nguyễn Minh Trí (ba Phương Trâm) khẳng định:
“Gia đình bất mãn với cơ quan chủ quản TP.HCM vì đã đối xử bất công và không tạo những điều kiện tốt nhất để Phương Trâm phát triển hết tiềm năng trong thời gian qua. Cụ thể, Phương Trâm không được đi tập huấn nước ngoài như nhiều tuyển thủ khác”.
Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu Chung Tấn Phong cho rằng phản ảnh của gia đình Phương Trâm không chính xác. Ông Phong nói:
“Phương Trâm mới nổi lên từ năm 2014 ở giải bơi các nhóm tuổi toàn quốc, khi đó Trâm mới 13 tuổi, vừa đủ độ tuổi thi đấu theo quy định.
Trước đó, ở độ 11-12 tuổi, Trâm còn quá nhỏ để đưa đi tập huấn nước ngoài. Đến năm 2015, chúng tôi đề xuất đưa Phương Trâm đi tập huấn ở Trung Quốc thì bất ngờ gia đình Trâm nộp đơn xin nghỉ”.
Đại diện Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM và Trung tâm Yết Kiêu chủ động làm việc với gia đình Phương Trâm tìm hướng cho em được tiếp tục theo đuổi nghiệp VĐV nhưng phía gia đình tỏ thái độ dứt khoát đưa cô bé đi Mỹ. Ông Nguyễn Minh Trí khẳng định:
“Gia đình chúng tôi cũng xin nhấn mạnh, chúng tôi - một bên “đơn phương chấm dứt hợp đồng” - sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm gánh vác các nghĩa vụ đối với hợp đồng đào tạo đã được ký kết giữa đại diện gia đình và Trung tâm Yết Kiêu”.
Trên cơ sở này và dựa theo các điều khoản hợp đồng đã ký, ngày 28-5 Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM yêu cầu bồi thường 961 triệu đồng về kinh phí đào tạo. Gia đình Phương Trâm cho rằng số tiền 961 triệu đồng quá cao và đã tiến hành khởi kiện.
Phương Trâm đối mặt tương lai bất ổn
Gia đình Phương Trâm cho rằng Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM tính tiền bồi thường từ tháng 6-2010 đến tháng 5-2015 là bất hợp lý và sau đó yêu cầu luật sư làm việc với Trung tâm Yết Kiêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư đại diện cho gia đình Phương Trâm - ông Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết: “Gia đình Phương Trâm đang khởi kiện yêu cầu trung tâm chấm dứt hợp đồng đào tạo, hợp đồng thi đấu VĐV.
Trước đây gia đình đã nhiều lần yêu cầu chấm dứt hợp đồng với Trung tâm Yết Kiêu nhưng trung tâm không tiến hành chấm dứt và liên tục kéo dài ảnh hưởng đến kế hoạch luyện tập trong tương lai, quyền lợi của VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm.
Tại nội dung công văn của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM trả lời về việc chấm dứt hợp đồng đã không đưa ra cơ sở cho việc tính toán, thiếu minh bạch trong việc tính toán các chi phí.
Vấn đề chưa hợp lý như thế nào còn phải đợi tòa án giải quyết cụ thể vì vụ việc sẽ được giải quyết bằng con đường tòa án. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, chúng tôi nhận thấy hợp đồng có nhiều điều cần phải bàn”.
Trong khi đó, ông Chung Tấn Phong lý giải:
“Chúng tôi yêu cầu Phương Trâm bồi thường chi phí đào tạo - thi đấu trên cơ sở chứng từ hẳn hoi nhưng chỉ tính tiền ăn, tiền công tập luyện... mà Phương Trâm được nhận từ khi được vào tuyến trọng điểm tháng 7-2010 và đến nay là tuyến dự tuyển.
Toàn bộ tiền thưởng Phương Trâm giành được ở giải quốc gia, quốc tế hàng trăm triệu đồng chúng tôi không tính. Số tiền bồi thường là hơn 320,5 triệu đồng và được nhân 3 theo điều khoản hợp đồng quy định.
Nếu nói TP.HCM làm khó Phương Trâm là không chính xác bởi nếu áp dụng điều khoản đơn phương chấm dứt của hợp đồng hiện tại có thời hạn 5 năm (được ký tháng 7-2014), gia đình Phương Trâm phải đền gấp 3 lần tổng giá trị hợp đồng và con số có thể trên 2 tỉ đồng”.
Chưa biết câu chuyện này sẽ kết thúc thế nào, nhưng điều quan trọng là Phương Trâm đang ở giai đoạn rất cần những bài tập khoa học để tạo sức bật trong sự nghiệp như chặng đường gian khổ mà Ánh Viên đã trải qua để đi đến thành công hôm nay.
Nếu việc tập luyện bị gián đoạn, giấc mơ trở thành một tay bơi tài năng của cô VĐV nhí này sẽ trục trặc.
“Nếu thật sự du học, Phương Trâm sẽ được tự do ra đi”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Bá Hùng, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết:
“Dù tiếc tài năng của Phương Trâm nhưng Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM vẫn đồng ý cho Phương Trâm nghỉ thi đấu theo nguyện vọng. Quan điểm của TP.HCM là nếu Phương Trâm nghỉ bơi để đi du học, TP.HCM sẽ giải phóng hợp đồng vô điều kiện.
Thậm chí, nếu việc học tại Mỹ của cô bé có gián đoạn giữa chừng, TP.HCM vẫn mở cửa để Phương Trâm được nhận lại.
Nhưng tôi khẳng định nếu du học chỉ là cái cớ để Phương Trâm đầu quân cho đơn vị khác thì em phải bồi thường hợp đồng đào tạo - thi đấu cho TP.HCM theo hợp đồng đã ký”.