Manchester United: Đội bóng lớn kỳ lạ

Theo tinthethao |

Người ta đã phải hoài nghi về bản sắc, sức mạnh của Man Utd một thời gian khá dài.

Sự hoài nghi ấy chờ đợi được khỏa lấp bởi một lối chơi quyến rũ hay những chiến thắng lung linh, áp đảo. Nhưng sẽ rất khó thấy được nó ở M.U. Đây là một đội bóng lớn, nhưng rất khác biệt so với những đội bóng ngang tầm, không được tạo nên bằng sức nặng của đồng tiền, độ nóng của siêu sao. Họ có lối đi riêng, có đẳng cấp riêng mà không cần chạy theo ai cả.

Đẳng cấp không mua bằng tiền

Có lẽ những người theo dõi M.U dưới thời Sir Alex sẽ chẳng đời nào bận tâm tới những tin đồn về vụ chuyển nhượng “khứ hồi” của Ronaldo. Có thể có một cú shock trong thế giới đầy các khả năng này, nhưng ít nhất trong quá khứ, người ta không thấy Sir Alex tạo ra một bom tấn chuyển nhượng kiểu như thế, cũng như không quen rước những siêu sao đã thành danh, thuộc dạng nhất nhì thế giới về M.U.

Đã đủ lâu để thương hiệu M.U phủ sóng toàn cầu, để màu áo đỏ thấm vào mọi ngóc ngách của đời sống, tạo ra những thế hệ fan nối tiếp nhau, từ ông già cho tới lũ trẻ. Với những thành tích đã có, với giá trị của cái tên Manchester United, ở vị thế như vậy đáng ra phải là một “gã nhà giàu” tiêu tiền như rác, luôn săn đón những cái tên hot nhất, xây đắp những đội hình đẹp đẽ nhất qua mỗi mùa chuyển nhượng. Nhưng không, bất kể các ông chủ đã được lợi rất nhiều thay vì phải ném tiền liên tục để duy trì một “đội bóng lớn”, Sir Alex vẫn không đòi hỏi những khoản đầu tư lãng phí, ông vẫn chắt bóp, vẫn suy tính, vẫn trung thành với những thương vụ 7, 8 điểm thôi, và từ đó biến nó thành điểm 9, điểm 10.

Manchester United: Đội bóng lớn kỳ lạ
M.U là như thế, một đội bóng lớn theo cách của riêng mình

Những số 7 huyền thoại gắn liền với những chu kỳ thành công viên mãn là bộ mặt của MU với thế giới, với lịch sử. King Eric có thể không là vua ở Pháp, có thể chỉ có giá 1,2 triệu bảng, nhưng với MU ông đã thống trị nước Anh và làm người ta nhớ mãi tầm vóc của mình. David Beckham – chàng hoàng tử cả trong sân lẫn ngoài đời vẫn còn gây sốt cho đến ngày hôm nay cũng chỉ là “gà nhà” tự nuôi mà có. Rồi đến CR7, chàng thiếu niên mà Sir nhanh tay “chộp” được đã làm cho M.U những gì và đang đứng ở đâu so với số tiền đưa anh về Old Trafford? M.U vẫn là một trong những đội bóng hàng đầu, mặc cho Chelsea đã mua bao nhiêu ngôi sao, Man City đã tiêu bao nhiêu triệu bảng, chẳng mua tất cả những gì mình muốn như Real hay sắm siêu sao ngay cả khi đội hình đã gần hoàn hảo như Barca, “kiểu của MU” là duy nhất.

Sự kỳ lạ của M.U

Nhiều người sẽ tiếc. Nếu lực lượng mạnh hơn MU đã không hụt hơi ở Premier League mùa trước, nếu các vị trí đẳng cấp đồng đều hơn chưa chắc Real đã có thể rời Old Trafford với nỗi vui mừng. Song những chữ “nếu” đó chỉ dễ dàng được hiện thực khi bạn là fan của Man City, Chelsea, Real, hay PSG… Khác với Arsenal từng có Febregas, Persie, M.U ngoài những cái tên mang tính lĩnh xướng, biểu tượng như Ronaldo, rồi Rooney, thì phần còn lại là sự pha trộn hợp lý giữa kinh nghiệm già và tài năng trẻ.

Các cầu thủ M.U kế thừa sự tự hào, bản lĩnh, thế đứng của đàn anh, họ học được cách chiến đấu để vươn lên. Ở một đội bóng từng ba lần vào chung kết Champions League trong 4 năm, giàu truyền thống nhất ở giải đấu khốc liệt nhất, lạ thay khi vẫn có chỗ cho những cầu thủ hạng trung, vẫn có thời gian cho những thử nghiệm, cho sự cố gắng của những người không có xuất phát điểm thật cao.

M.U chưa bao giờ theo đuổi chủ nghĩa đội hình hoàn hảo, Sir Alex dành nhiều trí lực hơn cho việc sử dụng hợp lý và khích lệ đúng mức các học trò, cùng họ giành vinh quang không phải vì họ là những người xuất sắc nhất, mà vì MU là đội nỗ lực nhất, đoàn kết nhất.

M.U là một văn hóa, là cách người ta tri ân những cầu thủ lão làng kể cả khi họ chạy đã chậm, sút đã yếu, là khát khao của những cầu thủ trẻ chỉ để sút chuẩn hơn, tranh chấp chính xác hơn, đỡ bóng dính hơn, hoặc đơn giản là cần cù hơn, dù ngay từ đầu họ không hề xuất chúng. Nhìn ra bên ngoài khi những đội có tiền đua nhau nâng giá nhân tài, những đội danh tiếng tích cực nâng tầm lực lượng, mới thấy MU “điềm đạm” lắm. Cú “vồ” của Sir Alex với Van Persie chẳng qua là đúng thời điểm, được cầu thủ đồng tình nên nhanh gọn, chứ cái giá của anh – chân sút chủ lực của MU, còn chẳng bằng những ngôi sao ở nhiều nhiều những đội bóng thấp tầm hơn, chắc chắn.

Nếu là fan M.U người ta sẽ hâm mộ ai, sẽ gọi tên ai trong mỗi đợt lên bóng? Rooney còn có giá, De Gea lại chỉ là thủ môn dù chơi nổi bật, may sao còn có Persie về để MU có thêm “người đại diện”. Scholes, Giggs nếu như ở một đội bóng lớn bất kỳ cạnh tranh danh hiệu, có lẽ họ đã đang dưỡng già ở Trung Quốc hoặc Mỹ rồi, thế mà họ vẫn còn chạy, còn được ngưỡng mộ ở M.U cho đến những ngày tháng cuối cùng.

Kỳ lạ như vậy, kém hào nhoáng như vậy, nên cũng không có gì quá đáng nếu M.U thua Real với 10 người hay chỉ về nhì sau một Man City hàng tá ngôi sao mùa giải trước. Nhưng M.U đã chiến đấu, đã làm Mourinho đau đầu cho đến trước khi Nani bị đuổi, và mùa này ở Anh họ cũng đang đòi lại ngai vàng.

Với một đội bóng kỳ lạ như vậy, thì việc có hơn 600 triệu người “để ý” cũng không cần coi là lạ nữa, bởi dù con số đó có thế nào, vẫn sẽ tồn tại một M.U như thế, một đội bóng lớn theo cách của riêng mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại