Man City & Chelsea: Những tỷ phú trắng tay

Theo Bongda |

(Soha.vn) - Bạn sẽ bắt gặp những cuốn sách với tiêu đề đại loại “Từ trắng tay thành tỷ phú” ở bất cứ nhà sách nào trên thế giới. Nhưng để nắm được bí quyết “Từ tỷ phú thành trắng tay”, bạn sẽ phải theo dõi số phận của Chelsea và Man City.

CUỘC CHIẾN VÌ M.U

Cho dù đội nào chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa Chelsea và Man City đêm nay, thuận lợi cũng sẽ thuộc về Man United. Nếu Chelsea thắng, lợi thế ấy đã quá rõ ràng: khoảng cách giữa Quỷ đỏ và Man City sẽ được nâng lên thành 15 điểm. Còn ngay cả trong trường hợp Man City thắng trận, đó cũng sẽ là một trận đấu lao tâm khổ tứ của thày trò Roberto Mancini, khiến họ hao tốn rất nhiều thể lực. Lịch thi đấu đã ưu đãi cho M.U để họ chỉ phải gặp những đối thủ nhẹ nhàng cho tới trước trận derby Manchester. Còn Man City có Chelsea ngáng đường. Đó là còn chưa kể tới những Newcastle và Everton ở phía trước.

“Cuộc chiến” trong 90 phút ở Etihad đêm nay, kẻ hưởng lợi là M.U đã đành. Nhưng “cuộc chiến” lớn của Man City và Chelsea trên mặt trận chuyển nhượng để giành ngôi bá chủ nước Anh, “ngư ông đắc lợi” cũng lại là M.U. Tại sao? Bởi cuộc chạy đua vũ trang tiêu tốn đến 2 tỷ bảng của Roman Abramovich và Sheikh Mansour không hề được thực hiện cẩn thận. Họ mua cầu thủ như thể mua sỉ, và gián tiếp khiến CLB lạc lối.

Đã có lúc nào trong đội hình của Man City thời Sheikh Mansour không khủng hoảng thừa tuyến nào đó? Đã có lúc nào Chelsea thời Abramovich tỏ ra trung thành với một HLV? Đó đều là hệ quả của việc tiêu tiền không kiểm soát.

4 cầu thủ đáng xem nhất trận Man City vs Chelsea
Chelsea và Man City chỉ có thể nghĩ đến vị trí thứ 2

Và một hệ quả rất nghiêm trọng nữa: sự ổn định của phòng thay đồ không bao giờ tồn tại ở những CLB lắm tiền này. Người ta nói rằng phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng phú quý ở Etihad và Stamford Bridge sinh ra những tranh chấp. Mancini là một HLV rất thẳng tính, đã “trảm” rất nhiều kiêu binh trong đội hình, nhưng uy tín của ông sau mỗi scandal của Carlos Tevez và Mario Balotelli lại lung lay thêm. Ở Chelsea thì khỏi phải nói, cầu thủ tạo ra thành công và chính cầu thủ tạo ra bất ổn, nhờ vào quyền lực quá lớn mà họ sở hữu.

Chính sự vươn lên của Chelsea thời Jose Mourinho đã cho Alex Ferguson một giai đoạn “nghỉ ngơi” (4 năm liền không vô địch từ 2002 đến 2006) mà không chịu quá nhiều sức ép. Giai đoạn ấy, ông dần thay thế được “Thế hệ vàng 1999” bằng những ngôi sao mới, bằng một kế hoạch rõ ràng, để rồi có một sự phát triển bền vững. Chelsea và Man City không thể nào có được sự bền vững ấy đã đành, họ còn tự hủy hoại bản thân, cho đối phương thời gian và cơ hội xây dựng.

LẠI PHÁ, LẠI XÂY

Những tỷ phú đã tạo ra sự trắng tay của mình bằng việc đầu tư dàn trải không phương hướng. Thực sự là trắng tay, bởi danh hiệu của mùa 2012/13 này không có đã đành, nhưng bản thân đội hình cũng trở nên không toàn vẹn sau những cuộc bán-mua cẩu thả. Mùa Hè này, có thể họ sẽ lại phải đổ ra TTCN rất, rất nhiều tiền để xây dựng lại đội hình, sau rất, rất nhiều tiền đã bị hoang phí.

Sẽ có thêm những cuộc thay tướng: Mancini và Benitez nhiều khả năng sẽ ra đi. Sẽ có thêm những tân binh đắt tiền cập bến: Man City vẫn đang thiếu trung vệ, tiền vệ phòng ngự đẳng cấp, còn Chelsea cũng thiếu tiền vệ phòng ngự và tiền đạo cắm. Sẽ có những triết lý bóng đá mới. Đơn giản hơn, là một CLB mới. CĐV Real Madrid hẳn sẽ rất sẻ chia với Chelsea và Man City kiểu đời sống thừa tiền này.

Cuộc song hành tiền bạc bỗng chốc trở thành cuộc song hành bi kịch. Và người ta có quyền tự hỏi đến bao giờ mới được chứng kiến những Chelsea và Man City ổn định, bền vững, như đáng ra họ phải thế?

Man City vô địch trả lương

Kể từ tháng 1/2013, Man City đã chính thức đánh bại Chelsea về ngân sách lương, với một quỹ lương vượt mốc 200 triệu bảng. Chelsea, đội 8 năm liền “vô địch” về trả lương, hiện chỉ tiêu 180 triệu bảng mỗi mùa cho việc duy trì đội hình. M.U chỉ xếp thứ 3, với 170 triệu bảng trả lương mỗi mùa, tiếp sau là Arsenal với 168 triệu bảng.

Chelsea đầu tư “hiệu quả” hơn

So với Sheikh Mansour, tiền của Abramovich được tiêu “hiệu quả” hơn gấp rưỡi. Trong 10 năm làm chủ Chelsea (từ 2003), tỷ phú người Nga đã chi ra hơn 2 tỷ bảng (tính đến tháng 5/2012) để vận hành, và thu về được 3 chức vô địch Premiership, 4 FA Cup, 2 League Cup và một chức vô địch Champions League, tức là trung bình ông mất khoảng… 200 triệu bảng cho mỗi danh hiệu. Trong khi đó, số tiền mà Sheikh Mansour “ném” vào Man City sau 4 năm cũng đã lên tới 1 tỷ bảng. Tuy nhiên, thành công thu lại vẫn rất khiêm tốn với chỉ 1 chức vô địch Premiership và 1 FA Cup, nghĩa là khoảng 500 triệu bảng/danh hiệu. Mà đó còn chưa tính số tiền ông chi ra để sở hữu CLB này.

Tất nhiên, thời thế cũng là một yếu tố, khi Chelsea “vớ” ngay được Jose Mourinho khi ông mới xuất hiện, có ngay 2 chức vô địch và một bộ khung đội hình họ còn sử dụng đến ngày này. Ngoài ra, sự mất giá mạnh của đồng bảng trong 10 năm qua cũng là một nguyên nhân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại