Đội trưởng đội tuyển Việt Nam đã nói: “Việt Nam ở vị thế cửa dưới trong khi đối thủ rất mạnh. Chúng ta chỉ nên kỳ vọng làm được một điều gì đó trong lối chơi, cố gắng nỗ lực để khỏa lấp đẳng cấp chêch lệch giữa 2 bên.
Đội tuyển Việt Nam phải nỗ lực hết sức mới có thể giành được một kết quả xem được trước Iraq. Chúng ta đừng nên nghĩ rằng có thể chơi hay, có thể đá thắng Iraq. Điều đó là phi thực tế”.
Chúng ta không cần thêm bất cứ số liệu hay thống kê nào để nói về sự chêch lệch sức mạnh giữa Việt Nam và Iraq.
Đối thủ của Việt Nam có một nửa đội hình đang chơi bóng ở châu Âu, luôn nằm trong nhóm cạnh tranh suất dự World Cup của châu Á, đứng thứ 8 châu lục theo xếp hạng của FIFA. Thừa nhận đối thủ mạnh vượt trội hơn mình, Công Vinh có gì sai?
Chắc chắn rằng không phải cầu thủ nào cũng sẽ trả lời như Công Vinh. Không phải ai cũng dám thừa nhận đối thủ mạnh hơn mình, thừa nhận mình khó lòng thắng được đối phương. Không phải ai cũng dám nói chiến thắng là điều “phi thực tế”.
Nhưng Công Vinh có đáng bị chỉ trích không?
Chúng ta đang nói về cầu thủ đẳng cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam, người duy nhất đã từng chơi bóng ở châu Âu, người đã cùng đội tuyển Việt Nam làm nên những chiến công hiển hách nhất, người chuyên nghiệp nhất, một trong những cầu thủ có ý chí chiến đấu cao nhất.
Nếu có ai đó được phép nói về sự hết mình, người ấy là Công Vinh. Nếu có ai đó dám nói về chiến thắng, đó là Công Vinh.
Nếu sợ bị chỉ trích, Công Vinh hoàn toàn có thể nói ra những lời xã giao - thứ rất phổ biến trong bóng đá và xã hội lúc này.
Nhưng anh không chọn cách ấy. Anh nói thật. dám nhìn thẳng vào thực tế, anh dám nói với mọi người về điều nghiệt ngã ấy.
Nếu không có can đảm thừa nhận sự thật, làm sao chúng ta có can đảm để vượt qua nó. Công Vinh chắc chắn biết rằng mình sẽ bị chỉ trích vì lời nói thật ấy. Nhưng anh vẫn chọn nó.
Với tư cách người đội trưởng, sự thật của Công Vinh sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển Việt Nam. Vị thế cửa dưới sẽ mang tới cho đội tuyển quyết tâm lớn hơn, sẽ giúp chúng ta có nhiều động lực hơn.