Nên vui hay buồn khi những nhà làm bóng đá Việt Nam hớn hở thông báo sắp tới bóng đá Việt Nam sẽ liên kết với nhiều lò đào tạo như Man City đang muốn hợp tác với VFF trong việc đào tạo trẻ; Cần Thơ đang tiếp xúc với CLB Feyenoord; Bình Dương dự định bắt tay với Inter Milan hay Dortmund…
Có lần tôi ngồi với những chuyên gia, những HLV nổi tiếng trong việc điều hành và huấn luyện bóng đá trẻ để chia sẻ về lứa cầu thủ của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG thì bị hỏi ngược lại:
“Thế anh có biết với kinh phí nuôi một lứa cầu thủ gà nòi của bầu Đức có thể giúp 10 CLB bóng đá ở Việt Nam đào tạo tuyến trẻ một cách nghiêm túc và bài bản không?”.
Các thành viên này còn phân tích: “Được như HA Gia Lai làm thì còn gì bằng nhưng vấn đề là bầu Đức sẽ chịu được bao nhiêu lứa bởi số tiền đổ vào hằng năm rất lớn nhưng thu hoạch thì còn phải xem lại.
Bởi Arsenal JMG không đào tạo theo yêu cầu của ta mà đào tạo theo kiểu tìm ngọc cho chính họ trước đã. Cầu thủ hay nhất của mỗi khóa nếu được Arsenal JMG chọn thì sẽ thuộc toàn quyền sử dụng của đơn vị này”.
Được biết chính bầu Đức cũng rất muốn copy công nghệ đào tạo của Arsenal JMG nhưng đã gặp khó. Ông từng cho vét những cầu thủ bị loại trong mắt thầy “Tây” để chọn một lứa cầu thủ cho ăn, tập với chế độ cao và mời hẳn thầy “Tây” sang huấn luyện nhưng không thành.
Cần biết là giáo án mà HLV Guillaume đưa ra không phải từ kế hoạch của ông mà là từ những thông số ông báo cáo về Arsenal JMG từng ngày rồi được nhận lại từ bộ phận chuyên trách để triển khai cho các cầu thủ.
Bên cạnh đó cũng phải lưu ý đến chi tiết Thái Lan đã đi trước bầu Đức hai năm trong việc kết hợp với Arsenal JMG nhưng sang đến năm thứ ba thì họ dừng việc liên kết.
Nguyên do phần lợi của Arsenal JMG lớn hơn rất nhiều so với tính mục đích của bóng đá Thái Lan.
Bên cạnh đó phía Thái Lan cũng chỉ ra rằng Arsenal JMG tuyển cầu thủ theo tố chất của con người ở châu Âu và châu Phi nên không đặt nặng đến yếu tố thể hình mà châu Á rất thua thiệt.
Sắp tới có thể là nhiều lò “Tây” đến với bóng đá ta và việc hợp tác vẫn là công nghệ “Tây” được thực hiện ở sân ta.
Nói như nhà báo Hồng Ngọc (Thể Thao & Văn Hóa) là thời “sính ngoại”, còn nói như nhiều người làm bóng đá Việt Nam là một kiểu “du học bóng đá Tây trong nước”.
Và tất nhiên “đồ ăn Tây”, công nghệ “Tây”, chế độ “Tây” với tiền đô phải chi ra thì phần thu hoạch sẽ có nhiều khác biệt.
Tuy nhiên, hút hết theo “Tây” trong việc đào tạo mà bỏ qua phần phát triển “giáo dục” trong ta thì có khi lại là sự lệch lạc.
Hơn ai hết điều này thì chính VFF phải cân đối trong việc lò “Tây” với lò ta và cả chất xám của thầy ta theo điều kiện tốt nhất có thể thay vì “ôm Tây” cho chắc ăn.
Vấn đề còn lại nữa là tính mục đích trong công nghệ đào tạo của những lò ngoại có phù hợp và phục vụ cho tính phát triển theo tố chất của cầu thủ Việt Nam hay không.
Bên cạnh đó đích đến của họ và đích đến của ta có cùng điểm đến không hay vẫn là bỏ công nghệ để tìm viên kim cương to nhất mà họ muốn tìm và khai thác theo cách của họ.