Lee Nguyễn đang trải qua những tháng ngày rực rỡ nhất trong sự nghiệp ở CLB New England Revolution. Anh ghi 18 bàn thắng và cùng NE Revs lọt vào vòng Play-off tranh chức vô địch MLS Cup. Lee Nguyễn đang trở thành ứng viên nặng ký cho danh hiệu “Cầu thủ hay nhất mùa giải MLS 2014”, điều mà 9 năm rồi chưa có cầu thủ nào của NE Revs làm được sau Taylor Twellman năm 2005.
“Với những gì anh ấy đã làm cho CLB và những màn trình diễn, số lượng trận đấu và số lượng bàn thắng mà Lee làm được cho chúng tôi thì chẳng nghi ngờ gì việc tôi sẽ bỏ phiếu cho anh ấy”, HLV Jay Heaps của NE Revs nói về lá phiếu bầu chọn “Cầu thủ hay nhất mùa giải”.
Báo chí Mỹ luôn tò mò về quãng thời gian 3 năm Lee Nguyễn sống ở Việt Nam vì họ gần như chẳng biết gì về mảnh đất và bóng đá ở nơi xa xôi ấy. Lee Nguyễn giải thích: “Tôi đến Việt Nam với một bản hợp đồng rất lớn, ngập trong cả đống dollar (với đội HAGL). Ở đó tôi được đối xử như một ngôi sao và có rất nhiều fan hâm một bao quanh và nhận ra tôi ở mọi nơi”.
“Tôi từng chơi bóng ở châu Âu cho các CLB lớn (PSV Eindhoven, Rander FC) nhưng chưa bao giờ tôi trải qua những điều tương tự như tại Việt Nam. Đó là một nơi mà hoàn toàn khác khiến tôi phải mở mắt kinh ngạc. Tôi luôn được chào đón ở mọi nơi, bị cánh phóng viên hay các tay săn ảnh chụp được ở mọi nơi. Tôi nhận được rất nhiều lời mời tham dự các buổi tiệc, event và nhiều sự kiện sang trọng với với nhiều thành phần thuộc giới thượng lưu, nghệ sĩ”, Lee Nguyễn kể.
Lee Nguyễn cho biết sỡ dĩ anh chọn HAGL năm 2009 ngoài chuyện tiền bạc là vì anh nghĩ rằng mình không còn cơ hội ở ĐT Mỹ khi Bob Bradley còn nắm quyền HLV trưởng. Bob Bradley đã không gọi Lee Nguyễn vào ĐT Mỹ lần nào sau Copa America 2007. Tuy nhiên sau World Cup 2010 khi Bob Bradley bị mất chức và Klinsmann lên thay, Lee Nguyễn đã nghĩ rằng mình có cơ hội.
Khát vọng quay lại tuyển Mỹ luôn thôi thúc Lee Nguyễn bởi anh đã làm mọi thứ để đạt được ước mơ khi còn trẻ. Lee Nguyễn đã bỏ học ĐH Indiana ở năm thứ nhất để sang PSV Eindhoven (Hà Lan) rồi sau đó để có cơ hội thi đấu thường xuyên hơn ở tuyển Mỹ anh lại sang Randers FC ở giải Superliga của Đan Mạch. Lee Nguyễn không muốn những đánh đổi của mình trở nên lãng phí và cuộc đời cầu thủ của mình sẽ chìm vào lãng quên nếu tiếp tục chơi bóng ở Việt Nam.
“Nếu tôi cứ tiếp tục ở lại đó (Việt Nam) cũng chẳng vấn đề gì cả. Tôi vẫn có cuộc sống sung túc nhưng tôi cũng biết rằng nếu tiếp tục ở lại Việt Nam thì sự nghiệp của tôi sẽ kết thúc luôn ở đó và sẽ chẳng ai nhớ đến tôi nữa. Tôi không muốn đời cầu thủ của tôi bị quên lãng. Tôi muốn tiếp tục thử thách bản thân và để chứng minh với nhiều người (ở Mỹ) rằng những nhận định của họ về “Lee Nguyễn – một cầu thủ thất bại” là sai lầm”.
Chính động lực, quyết tâm không để sự nghiệp của mình chôn vùi vào quên lãng, Lee Nguyễn đã chấp nhận đánh đổi để trở về Mỹ cuối năm 2011.
Về lại Mỹ, Lee Nguyễn bị BTC giải MLS ép nhận mức lương bèo bọt 44.000 USD/năm (chưa thuế), một khoản thu nhập tương đương 1 tháng anh kiếm được tại Việt Nam. Không những vậy Lee Nguyễn không được tự chọn CLB mà buộc phải “quay xổ số” để cuối cùng bị đẩy cho Vancouver Whitecaps.
Gian nan chưa dừng ở đó, trước khi giải MLS 2012 khai mạc đúng 1 tuần, trong chuyến tập huấn ở Orlando, Lee Nguyễn bị HLV Martin Rennie của Whitecaps gọi ra sảnh khách sạn và thông báo không giữ anh lại CLB nữa. May thay, tân HLV của New England Revolution là ông Jay Heaps, người biết Lee Nguyễn khi còn đá ở giải Sinh viên toàn quốc, đã kéo Lee Nguyễn về Boston.
Lúc đó Lee Nguyễn nhận cú điện thoại của HLV Jay Heaps và anh đổi vé máy bay thay vì về nhà ở Dallas (Texas) thì bay thẳng đến Boston để mở ra một chương mới trong sự nghiệp của anh lẫn CLB New England Revolution.
“Bây giờ nhiều người nói về Lee Nguyễn nhưng sự thật thì anh ấy chẳng có gì khác cả. Nếu vào năm ngoái, bạn có hỏi tôi ai là cầu thủ quan trọng nhất, nhạc trưởng của NE Revs thì tôi vẫn nói đó là Lee Nguyễn”, HLV Jay Heaps trả lời Boston Globe.
Mùa 2014, Lee Nguyễn được bố trí đá ngay sau tiền đạo mũi nhọn, thay vì phải lùi sâu về hỗ trợ hàng thủ như trước và đó chính là nguyên nhân khiến tiền vệ này bùng nổ bàn thắng. “HLV đẩy tôi lên cao đồng nghĩa tạo cho tôi nhiều không gian, cơ hội để tiếp cận khung thành hơn. Ở khu vực trước cầu môn tôi có thể sút, chuyền và gây nhiều khó khăn cho hàng thủ của đối phương”, Lee Nguyễn nói.
Đá gần cầu môn hơn cũng có nghĩa dễ bị hậu vệ đối phương “chặt chém” hơn. Theo thống kê đến thời điểm kết thúc vòng đấu bảng, Lee Nguyễn bị phạm lỗi đến 78 lần, nhiều kỷ lục tại NE Revs ở mùa bóng 2014. Tuy nhiên, Lee Nguyễn tỏ ra bình thản và cho biết: “Điều đó chẳng có gì mới lạ cả, tôi đã quen với chuyện này ở Việt Nam rồi vì ở đó tôi luôn là sự chú ý trên sân, là đối tượng săn tìm của cầu thủ đối phương”.
Với phong độ xuất sắc, Lee Nguyễn đến rất gần cánh cửa ĐT Mỹ với một loạt giải đấu sắp tới như Gold Cup, Copa America, Confedrations Cup.
“Klinsmann gần đây có liên lạc với anh không?”, Boston Globe hỏi Lee Nguyễn.
“Tôi không biết phải nói sao đây. Nhưng tôi đoán bạn có thể tìm ra câu trả lời rồi đó”, Lee Nguyễn cười bí hiểm để khép lại câu chuyện.