Với cá nhân mình, đây còn là thời khắc Công Vinh có thể tạo nên những điều đi vào lịch sử trong của bóng đá Việt Nam giống như cách mà anh trở thành chân sút số 1 trong lịch sử V-League vậy. Thế nhưng, vì những quyết định kỳ quặc của nhiều người có trách nhiệm, có khi Công Vinh lại chẳng có cơ hội ấy…
Một trong những thứ kỳ quặc nhất là cái tiêu chuẩn “trẻ hóa” mà cứ sau mỗi lần thất bại tại đấu trường quốc tế là các nhà quản lý bóng đá ở VFF cứ “gào” lên như thể “trẻ hóa” là lựa chọn sinh tử vậy. Vì “trẻ hóa” nên một cầu thủ đã từng 3 lần đoạt Quả bóng vàng và 10 năm “ăn cơm tuyển” như Lê Công Vinh trở thành “người thừa” mặc dù cũng nhờ “trẻ hóa” này mà năm 19 tuổi chân sút xứ Nghệ đã được gọi vào tuyển.
Không ở đâu trên thế giới và cũng chẳng có lý thuyết bóng đá nào lại nói một cầu thủ 28 tuổi là “già”, đặc biệt hơn là cầu thủ ấy giàu kinh nghiệm nhất đội tuyển, đang có phong độ tốt nhất so với mặt bằng chung những người đá cùng vị trí (dù không phải tốt nhất so với chính anh). Chỉ có tại Việt Nam, người ta sẵn sàng loại bỏ chân sút tốt nhất suốt một thập kỷ V-League ấy mà chẳng cần giải thích lý do. Hay nói đúng hơn, sự im lặng ấy được núp bóng sau cái gọi là “trẻ hóa” ĐTQG từ thất bại ở AFF Cup 2012 cũng như sự bí ẩn của “bản danh sách đen” chưa từng được biết đến.
Chúng tôi không bao biện cho Công Vinh bởi trên thực tế AFF Cup 2012 là một thất bại của riêng cá nhân anh. Tuy nhiên, chuyện nào phải ra chuyện đó. Sự sa sút của một cầu thủ, dù tài ba đến mấy, ở một khoảng thời gian nào đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không thể lấy nó để đánh giá cả một quá trình. Đấy là chưa nói, Công Vinh thất bại trong một đội tuyển thất bại, ở tại một kỳ giải thất bại. Loại bỏ Công Vinh, ngoài việc tạo ra “nghi án” về bản “danh sách đen” còn là một kiểu “đổ thừa” ngây ngô nhất để rồi sau đó, người ta khỏa lấp bằng chiêu bài “trẻ hóa”.
Khi Công Vinh về lại thành Vinh và tỏa sáng, nhiều vấn đề mới dần hé mở. Sự sa sút của anh ở AFF Cup 2012 có thể xuất phát từ thành tích kém cỏi của CLB Hà Nội trong mùa giải 2012 và từ những sai lầm về chuyên môn của HLV Phan Thanh Hùng ở Bangkok. Tất nhiên, đây chưa phải là Công Vinh xuất sắc nhất mà người ta từng biết nhưng có thể chắc chắn một điều: vẫn chưa có tiền đạo nội nào có thể vượt qua cái bóng của anh.
Thế mà suýt chút nữa (và có thể sẽ xảy ra), chân sút thượng hạng ấy không còn có dịp tỏa sáng ở trình độ cao hơn trong độ tuổi đẹp nhất sự nghiệp. Người ta sẵn sàng “thử việc” một tiền đạo Việt kiều còn chưa tìm nổi chỗ đứng của mình ở V-League để thay thế ảnh hưởng của Công Vinh trên hàng tấn công của đội tuyển. Lạ chưa! Chẳng có lý thuyết lẫn thực tế bóng đá nào nói về chuyện này.
Nói như vậy không phải cho rằng Công Vinh không “có chuyện” tại AFF Cup 2012 nhưng cần phải phân biệt rõ sự việc. Nếu anh và vài cầu thủ khác là “quyền lực đen” tại đội tuyển thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về những nhà quản lý, BHL chứ đừng đổ hết tội trạng cho cầu thủ. Có tội thì phải trừng phạt nhưng chuyện gì cũng nên rõ ràng. Tội đó là tội gì? Mức độ trừng phạt ra sao? Điều đó không khéo có thể làm hủy hoại cả tiền đồ của một cá nhân và làm phá hoại cả sự tiến bộ của một nền bóng đá khi người ta cứ né tránh trách nhiệm bằng cách núp sau những bình phong cũ rích.
Sự trở lại của Công Vinh ở SLNA đã nói lên nhiều thứ. Hãy học cách mà SLNA đã làm với “đứa con lưu lạc” của mình. Hãy mở cánh cửa khi còn có thể dù đó là “phút 89”, hãy dang rộng vòng tay bằng khả năng tốt nhất có thể dù chỉ là bảng hợp đồng 1 năm, hãy cho người khác một cơ hội để được tỏa sáng thay vì trừng phạt bằng hành động không rõ ràng dù được khoác chiếc áo “nhân văn”…