Trong bài "Lá thư từ Nga làm khó "kỳ nhân đuổi mưa" Lương Ngọc Huỳnh", chúng tôi đã gửi tới độc giả những thắc mắc từ Nga, về vấn đề liên quan tới các bằng cấp của Chưởng môn Lâm Sơn Động - Lương Ngọc Huỳnh.
Các nghi vấn xung quanh nhân vật đầy bí ẩn này vẫn chưa kết thúc và chúng tôi vừa nhận được thêm một lá thư rất thú vị tới từ Nga, xin được đăng nguyên văn:
"Xin cảm ơn Tòa soạn đã đăng bức thư của chúng tôi nêu những nghi vấn về bằng cấp và danh hiệu Giáo sư, Viện sĩ của ông Lương Ngọc Huỳnh.
Những câu trả lời của ông Huỳnh cho bức thư đó có thỏa đáng hay chưa, chúng tôi xin không bình luận mà để dành cho độc giả của quý báo kết luận.
Những ngày vừa qua, dù bận bịu với việc mưu sinh, chúng tôi cũng đã dành thời gian tìm hiểu về các danh hiệu khác của Chưởng môn phái Lâm Sơn Động, như đã được ông kể nhiều lần với báo giới Việt Nam.
Đó là danh hiệu “Nhân vật thiên niên kỷ”, và “Huân chương y học cao nhất của liên bang Nga - Nicolai PIROGOV” của ông Lương Ngọc Huỳnh.
Cũng cần nói thêm, là trong thư trước, và thư này, chúng tôi chỉ viết những gì mà chúng tôi tìm hiểu chính trên những trang của các tổ chức mà ông Huỳnh nhắc đến, có dẫn nguồn cụ thể.
Ông Lương Ngọc Huỳnh được vinh danh trong cuốn sách nào?
Một tờ báo Việt Nam, ra ngày 17/10/2010 có viết:
“Cuốn bách khoa thư Những con người của thiên niên kỷ chúng ta do NXB Tuyến đường mới của Nga ấn hành năm 2008 đã giới thiệu 72 nhân vật có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Trong đó, hai người VN là võ sư - bác sĩ - viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh và bác sĩ Lã Đình Quang được vinh danh bên cạnh những nhân vật nổi tiếng khác của Nga, như: Thủ tướng Putin, Thị trưởng Moscow Luzhkov...”
Ông Huỳnh cũng kể với một tờ báo khác, ra ngày 28/5/2012, là ông “được tôn vinh là một trong 72 con người của thiên niên kỷ trong cuốn “Những con người của thiên niên kỷ chúng ta” do nhà xuất bản Tuyến đường mới của Nga ấn hành”.
Và tên tuổi của ông “được đặt cạnh những nhân vật nổi tiếng như Tổng thống Nga V.Putin, Y.Luzkov - Thị trưởng Mátxcơva… nhằm tôn xưng những cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho cộng đồng nước Nga không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp và quốc tịch”
Trong bức thư mới nhất gửi ông Vũ Thế Khanh, ông Lương Ngọc Huỳnh thêm một lần nữa khẳng định điều trên, khi viết:
“Tôi là Võ sư khí công, Giáo sư phó chủ tịch học viện an ninh xã hội Liên Bang Nga, Viện sĩ viện hàn lâm chiêm tinh Mông Cổ, Viện sĩ Viện hàn lâm quốc tế Cộng Hòa Séc.
Huy chương những con người của một ngàn năm nước Nga, là 1 trong những người được vinh dự có tên trong bách khoa toàn thư của Liên Bang Nga.
Huân chương y học cao nhất của liên bang Nga Nicolai PIROGOV, Huân Chương Vì Sự Nghiệp An Ninh Liên Bang Nga, Huân chương quân công đại tướng quân của Campuchia và được Quốc Vương Sihanuk viết thư cảm ơn”.
Vậy có đúng là ông Huỳnh được vinh danh trong cuốn Bách khoa toàn thư Liên bang Nga?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không có một cuốn Bách khoa toàn thư Liên bang Nga "chuẩn" nào nhắc đến ông Huỳnh.
Mà ông Huỳnh, đúng là có tên trong cuốn Bách khoa toàn thư (BKTT) khác, có tên “Những con người của thiên niên kỷ chúng ta”(Люди нашего тысячелетия), do NXB Tuyến đường mới (Новая линия) ở Moscow ấn hành.
Theo trang web của Cuốn này ( http://www.mainb.ru ), thì đó là dự án của một nhân vật có khá nhiều chức danh của các tổ chức xã hội (tư nhân):
Ông V.A.Boldychev, giáo sư Học viện tích hợp khoa học và kinh doanh, Học viện các vấn đề an ninh, quốc phòng và pháp lý, Tiến sĩ kinh doanh, thành viên danh dự Viện hàn lâm công nghệ cao.
Tại trang web khác, cũng giới thiệu về Cuốn này ( http://www.kfmm.org ), có ghi rõ: ”Đây là cuốn Bách khoa toàn thư kiểu mới”( Энциклопедия нового типа), tức là nó không hề giống bất cứ một cuốn Bách khoa toàn thư nào mà từ trước đến nay chúng ta vẫn biết.
Cũng qua đây, chúng tôi được biết rằng NXB “Tuyến đường mới” đã xuất bản tới… 10 tập BKTT "Những con người của thiên niên kỷ chúng ta”, giới thiệu tới gần… 1000 nhân vật.
Như vậy là khác với lời ông Huỳnh, rằng cuốn BKTT chỉ có 72 nhân vật, trong đó tên tuổi ông “được vinh danh bên cạnh Putin, Luzhkov”.
Tiêu chí chọn người để đưa vào BKTT, qua tìm hiểu chính trên trang của tổ chức này, đó là “Những người thuộc các dân tộc, tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau.
Tính cách chói sáng, cảm hứng, ý chí, tài năng và công việc đó là chìa khóa cho sức mạnh và sự thịnh vượng của đất nước chúng ta”.
Đó là điều lý giải, tại sao trong cuốn BKTT này có tên những nhân vật nổi tiếng, do NXB tự lựa chọn đưa vào để tăng thêm uy tín.
Tuy nhiên, cũng có vô vàn nhiều nhân vật từ trước đến nay, chưa ai biết đó là ai, và thậm chí có người sau đó còn vướng vòng lao lý mà chúng tôi sẽ nói ở phần sau.
Chúng tôi đã có trong tay đầy đủ danh sách các nhân vật được đưa vào 10 tập BKTT này, Xem kỹ, thì ông Putin (thời đó làm Thủ tướng), ông Luzhkov (thời đó làm thị trưởng Moscow), có tên trong tập III, gồm 87 nhân vật.
Danh sách các nhân vật được đề cập đến trong tập 3.
Ông Lương Ngọc Huỳnh và cộng sự của ông là Lã Đình Quang (ở phòng khám tư nhân “Đế chế sức khỏe” mà thư trước chúng tôi đã đề cập), có tên trong tập IV, gồm 68 nhân vật.
Để có tên trong bộ BKTT này, có phải là điều khó khăn? Hoàn toàn không khó, thậm chí ngược lại.
Chúng tôi đã đọc được một bài phóng sự điều tra của nhà báo Raisa Arzaeva, đăng trên báo “Yakutsk buổi chiều” ngày 11/2/2011 về việc này.
Đó là nhân vụ ông Vladimir Kozhevnikov, chủ tịch Quận Neryurinskji của tỉnh Yakutsk vừa bị kết án tham ô công quỹ khi xây dựng các công trình xã hội, ngay khi tên tuổi ông ta vừa mới xuất hiện trong cuốn BKTT “Những con người của thiên niên kỷ chúng ta”.
Nội dung của bài báo có thể đọc tại đây: http://debri-dv.com/article/3663
Chúng tôi xin trích dịch:
”Thành Cát Tư Hãn, để được công nhận là nhân vật thiên niên kỷ, đã lập nên một trong những đế chế hùng mạnh nhất thế giới. Còn những người của chúng ta thì sao?
Để tìm hiểu, chúng tôi đã gọi điện đến NXB “Tuyến đường mới”, nơi xuất bản các cuốn BKTT. Nơi đó, họ giải thích cặn kẽ các đường đi nước bước để được nhận danh hiệu cao quý này.
Thư ký của Tòa soạn qũy xã hội “Tuyến đường mới”, lãnh đạo phòng dự án chuyên biệt Marina Kravchenko nói:
- Phải làm gì ư? Chúng tôi thu thập các thông tin về nhân vật để đăng trên 2 trang lớn. Phải có một bức chân dung, và một bức nhân vật đang tiến hành công việc.
Chúng tôi sẽ đăng tiểu sử, do người đó tự gửi, đăng nguyên xi, hoặc sửa lại dưới dạng bài báo. Sau đó chúng tôi ký kết hợp đồng thanh toán, có thể trả ngay bằng tiền mặt. Giá bao nhiêu ư? 120.000 rúp cộng với thuế VAT (18%) “.
Như vậy là đã rõ, muốn được “ghi danh sử sách”, Nhiều nhân vật của BKTT “Những con người của thiên niên kỷ chúng ta” đã phải làm những gì. Và thật sự, họ là ai?
Điều đáng nói, là không chỉ “Nhân vật thiên niên kỷ”, chủ tịch Quận Vladimir Kozhevnikov mới bị pháp luật sờ đến, mà một nhân vật khác của BKTT trứ danh trên cũng đã bị bắt, đó là bà Antonina Babosyuk.
Báo Nga của Chính phủ Nga số 5166 ra ngày 23/4/2010 cũng đưa tin Antonina Babosyuk, Phó chủ tịch Tập đoàn kim hoàn “Altyn” nổi tiếng đã bị bắt vì tội buôn lậu.
Báo này cũng cho biết một năm trước đó (4/2009), bà này đã có mặt tại Lễ ra mắt rình rang cuốn BKTT “Những con người của thiên niên kỷ chúng ta”, mà doanh nhân này vinh dự có mục tên trong đó.
Báo “Yakutsk buổi chiều” viết, thật chua chát:
“Trước đây, để lưu lại tên tuổi muôn đời cho hậu thế, cần phải là một con người vĩ đại thật sự. Những nhà bác học vĩ đại, nhà thơ, bác sĩ hay là thầy giáo vĩ đại.
Còn giờ đây, không cần phải có tài năng gì đặc biệt. Có thể là có chức sắc. Hay là tiền. Hoặc là vị trí chức sắc từ đó có thể ra tiền. Có thể rời bỏ cõi thế, nhưng không được người đời thừa nhận tài năng. Đồng tiền sẽ thừa nhận tất cả, ngay lập tức”.
Huân chương Nicolai Pirogov có phải là huân chương y học cao nhất của Liên bang Nga?
Như đã viết ở phần mở đầu, ông Lương Ngọc Huỳnh nói đã được nhận “Huân chương y học cao nhất của liên bang Nga Nicolai Pirogov”.
Trên nhiều báo, từ trước đến nay, ông Huỳnh luôn nói đúng như vậy, còn nói thêm là được trao bởi Ủy ban giải thưởng Quốc gia Liên bang Nga.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí ВИЕТ số 4/1999, tác giả S.S.Ilizarov cho biết vào năm 1946, Liên Xô đã dự định chuẩn y một loạt huân chương cấp nhà nước để tặng thưởng cho những người có đóng góp xuất sắc vào sự phát triển các ngành khoa học, giáo dục Liên Xô.
Trong đó có Huân chương Nikolai Pirogov (орден Пирогов) dành cho lĩnh vực y học. Rất tiếc là việc này mới chỉ có đề án, chứ chưa thành hiện thực.
Nếu không, Huân chương Nikolai Pirogov hẳn đã là thật sự danh giá. Nước Nga hiện đại, kế thừa Liên Xô, cũng chưa có Huân chương nhà nước mang tên Pirogov.
Trên mạng Nga, khi gõ từ khóa tìm kiếm, chỉ cho ra kết quả 2 loại Huân chương mang tên nhà phẫu thuật nổi tiếng N.Pirogov, không hề thuộc Hệ thống giải thưởng quốc gia Liên bang Nga. Vậy ông Huỳnh nhận được loại nào?
1. Loại thứ nhất, có tên đầy đủ của nó là Huân chương châu Âu mang tên Nicolai Pirogov (Европейский орден НИКОЛАЯ ПИРОГОВА).
Hay còn được gọi tắt là Huân chương N.Pirogov(Орден Н.Пирогова) được Viện khoa học tự nhiên châu Âu (Европейская Академия Естественных Наук - EAEN) chuẩn y vào 4/2004.
Huân chương N.Pirogov, của Viện hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu, một tổ chức tư nhân.
Viện hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu này thì ai cũng rõ là một tổ chức xã hội, tức cơ quan tư nhân, không phải nhà nước.
Theo lời ông Chủ tịch Viện V.Tyminsky, đây là một tổ chức xã hội mang tính khoa học được thành lập tại Hannover (Đức) năm 2002 . Nó là bước phát triển tiếp theo của Viện hàn lâm khoa học tự nhiên Nga, cũng là một tổ chức tư nhân.
Trở lại điều kiện được trao Huân chương Pirogov, trang web của Viện hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu ( sau đây viết tắt là Viện) viết rằng nó được trao cho các thành viên để ghi nhận các đóng góp của thành viên vào việc phát triển phong trào của Viện. Đó là:
Huân chương kỷ niệm, trao cho các nhà bác học lớn của châu Âu.
Huân chương ngày lễ, gắn với các ngày tháng ghi nhớ trong lịch sử khoa học.
Huân chương cá nhân gắn với các thành viên Viện.
Huy hiệu danh dự.
Trái với những gì chúng ta hình dung, Viện này ghi rõ: Người được trao Huân chương hay tổ chức được đề cử (nhận Huân chương) với Đoàn chủ tịch Viện hàn lâm, phải trả chi phí sản xuất Huân chương.
Bởi vì họ viết rất rõ: Tất cả Huân huy chương của Viện được sản xuất theo các dự án riêng tại các xí nghiệp chuyên biệt ở châu Âu.
Tức là muốn nhận Huân chương, như Huân chương châu Âu mang tên Nicolai Pirogov của Viện này, phải trả tiền.
2. Loại Huân chương Pirogov thứ hai, có tên đầy đủ là Huân chương cộng đồng N.I.Pirogov (Общественная медаль Н.И. Пирогова) cũng do một tổ chức tư nhân tên là “Viện biểu tượng Nga “Mars” sản xuất.
Mục đích để “khuyến khích các chuyên gia y tế và nâng cao uy tín nghề nghiệp quân y”.
Tại điều 1 phụ lục số 2 của Quyết định Uỷ ban trao tặng Huân chương cộng đồng và huy hiệu kỷ niệm (đây là Ủy ban xã hội, không thuộc nhà nước), ngày 1/8/2005, ông Chủ tịch M.M.Moiseev ghi rõ:
“Huân chương N.I.Pirogov không phải là Huân chương nhà nước (Общественная медаль Н.И. Пирогова является неправительственной общественной наградой)".
Có lẽ chính vì vậy, mà Huân chương này được rao bán thoải mái trên mạng.
Ví dụ tại trang zasluga.ru, nơi rao bán hàng chục loại Huân huy chương của “Uỷ ban trao tặng Huân chương cộng đồng và huy hiệu kỷ niệm”, Huân chương N.I.Pirogov được rao với giá…1900 rúp/cái (thời giá 2008, khoảng gần 50 USD), kèm bản Chứng nhận để trống họ tên, thích điền gì thì điền vào.
Giá huân chương Pirogov 1900 rúp, kèm Giấy chứng nhận khống.
Đó là tất cả những gì mà chúng tôi tìm hiểu được về các loại Huân chương Nicolai Pirogov hiện nay ở Nga và châu Âu.
Để kết thúc, xin một lần nhắc lại, chúng tôi vẫn khâm phục ông Lương Ngọc Huỳnh với những khả năng võ thuật, khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau…
Sự tìm hiểu này của chúng tôi, trước hay sau, đều muốn nói lên những thông tin thật sự mà có thể vì nhiều lý do, bạn đọc chưa hiểu được về những danh xưng, những giá trị thật và ảo trong đời sống khoa học.
Nếu có sự quan tâm của bạn đọc muốn được tìm hiểu tiếp, chúng tôi xin phép hẹn gặp lại vào lá thư lần sau".
Sau khi nhận được lá thư thứ 2 từ Nga, chúng tôi đã liên hệ lại với Chưởng môn Lương Ngọc Huỳnh và nghe anh chia sẻ rất dài, với nhiều chi tiết cụ thể để chứng minh sự trong sáng của bản thân.
Chúng tôi sẽ gửi tới độc giả những phàn hồi của Lương Ngọc Huỳnh về vấn đề bằng cấp trong sáng mai.