Lớp dạy võ Pencat Siklat và Cổ truyền của huấn luyện viên Nguyễn Kim Hoàng (SN 1978, số 29 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) mở hàng tuần ngay tại sân thi đấu trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học QGHN.
Hơn 30 năm theo đuổi nghiệp võ và 20 năm mở lớp dạy võ, tiếng tăm của thầy Hoàng khiến nhiều người ngưỡng mộ không chỉ ở cái tài mà còn ở nghị lực vượt lên số phận của mình.
Mê võ từ… 7 tuổi
Mỗi cuối tuần, cứ khoảng 6 giờ tối, mọi người lại thấy một người đàn ông chống gậy, mò mẫm từng bước từ bến xe buýt đi về phía sân tập của trường Đại học Ngoại ngữ.
Bên trong sân thi đấu, hơn 20 võ sinh đã có mặt đông đủ. Mọi người thực hiện nghi thức chào thầy rồi bắt đầu ôn lại các bài quyền được học từ những buổi trước.
Lớp võ chủ yếu là sinh viên. Nhiều võ sinh theo học 5-6 năm (trước khi thầy Hoàng bị hỏng đôi mắt – PV) cũng về giúp các võ sinh mới thực hiện các bài quyền một cách chuẩn xác nhất. Đầu tiên, thầy Hoàng thị phạm cho môn sinh.
Từng chiêu thức, cách tung tay, gạt, đẩy, xoay người, chỉ tay, kĩ thuật, lực… được Hoàng truyền đạt rất kĩ lưỡng. Sau đó, trợ giảng sẽ giúp anh quan sát, kiểm tra, bổ trợ lại cho lớp học để các bạn tiếp thu bài.
Để biết học trò tập đúng hay sai, thầy Hoàng trực tiếp đối kháng với môn sinh. Anh cười: “Tôi không nhìn thấy được, nên phải tận dụng các giác quan khác.
Tai tôi nghe tiếng gió để biết đường đi của bài quyền, còn bàn tay cảm nhận các đòn đánh có đủ lực không. Cứ thế mà nắn, mà chỉnh”.
Võ thuật là môn thể thao đòi hỏi nhiều về thể lực và sự nhanh nhẹn của người học. Các thao tác va chạm, đánh đấm, phản xạ đòi hỏi phải tức thời.
Chính vì thế, sự tinh anh của đôi mắt vô cùng quan trọng. Anh Hoàng biết điều đó, nên luôn nghĩ cách dạy sao cho hiệu quả nhất.
Mối duyên với võ của anh Hoàng bắt đầu từ năm 7 tuổi. Được bố mẹ cho đi học võ, Hoàng sớm bộc lộ năng khiếu của mình.
Cậu bé Hoàng say mê tập luyện, sáng tạo trong việc tiếp thu các bài quyền. Hoàng cũng từng tham gia nhiều giải thi đấu và đạt thành tích về môn võ cổ truyền cấp quận, thành phố.
Năm anh 16 tuổi, Pencat Siklat du nhập vào Việt Nam. Tiệm cận với môn võ này một cách nhanh chóng, thuần thục, anh được huấn luyện viên đánh giá cao và giao nhiệm vụ đứng lớp huấn luyện các võ sinh khác tại võ đường Thanh Lê.
Tốt nghiệp đại học Mở Hà Nội, anh đầu quân cho một công ty tư nhân về lĩnh vực công nghệ phần mềm, vừa tham gia huấn luyện võ thuật tại võ đường.
Nhiều vận động viên từ lò luyện võ Thanh Lê đi thi đấu và giành thành tích tốt cả về thi đấu đối kháng lẫn biểu diễn tập thể.
Nhiều người trở thành vận động viên chuyên nghiệp, có người góp mặt trong đội tuyển Võ thuật Hà Nội, đội tuyển Công an thành phố. Có thời điểm lớp học, câu lạc bộ của anh chiêu sinh lên tới 80- 100 người.
Bước ngoặt cuộc đời
Cũng nhờ võ thuật xe duyên, anh gặp người phụ nữ của đời mình. Anh là huấn luyện viên, còn chị là võ sĩ thi đấu chuyên nghiệp.
Dù ở hai môn phái khác nhau, nhưng niềm đam mê võ thuật kéo hai trái tim lại gần với nhau. Cuối năm 2005, họ “kết tóc xe tơ” và có với nhau một cô con gái xinh đẹp.
Bất hạnh bắt đầu từ năm 2010, khi anh phát hiện mình bị suy thận nặng. Biến chứng của căn bệnh khiến anh mù hoàn toàn.
Một sáng tỉnh dậy, anh đau đớn nhận ra, đôi mắt mình không còn nhìn thấy được gì nữa. Cuộc sống của người võ sư mạnh mẽ đầy uy lực bỗng chốc phụ thuộc hoàn toàn vào người khác khiến anh chới với.
Những ngày đối mặt với căn bệnh tử thần khiến anh suy kiệt cả về tâm trí. Anh giam mình trong bóng tối, không tiếp xúc với ai. Anh sợ bị thương hại, sợ tiếng thổn thức hằng đêm của vợ, sợ cả những khao khát và ước mơ trỗi dậy trong tim mình.
Từ người trụ cột trong gia đình, anh trở thành “gánh nặng”. Vệ sinh, ăn uống, đi lại của anh đều “được” vợ giúp. Cuộc sống gia đình chất chồng khó khăn, bởi chi phí chữa bệnh của anh vô cùng lớn.
Rồi một ngày, anh nhận ra, anh không thể ngồi mãi trong bóng tối. Hình ảnh người vợ tần tảo, bỏ nghiệp thi đấu võ để mưu sinh, tập chạy xe máy chở chồng đi chữa bệnh khiến anh suy nghĩ. “Tàn nhưng không phế” – anh Hoàng quyết tâm vực dậy bằng một ý chí cao độ.
Một ngày tháng 3 cách đây 5 năm, sau những lần thập tử nhất sinh trên giường bệnh, anh đề nghị chị chở anh đến lớp học võ.
Những học trò cũ đến lớp để đón chào huấn luyện viên “trở lại”. Buổi học đầu tiên không có những bài quyền cước, mà thầy trò ngồi lại với nhau.
Thầy hỏi trò về chuyện học hành, thi cử, công việc sau khi ra trường, còn trò quấn quýt, ríu rít như chim non. Đứa thì đấm vai, đứa thì bóp tay cho thầy… “Bạn bè, người thân, học trò động viên, giúp đỡ, tôi đã lấy lại được tinh thần.
Nhưng có một người đặc biệt nữa là vợ tôi. Nếu không có cô ấy, có lẽ, tôi không thể có ngày hôm nay” – anh Hoàng ngậm ngùi.
Anh Hoàng bảo, nhờ võ thuật mà anh vượt qua được những điều tưởng như không thể.
Đó là những khi tưởng đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết; khi anh bị ngã, ống thông mạch máu ở cầu tay bị vỡ khiến máu phun ra như suối, ướt đầm áo, tưởng chết…
Cũng nhờ đam mê võ, anh trở lại là HLV dạy được võ cho các môn sinh.
Tuần 3 buổi, anh đi chạy thận, 3 buổi còn lại, anh đến CLB võ thuật Pencat Siklat và võ Cổ truyền tại ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG để dạy võ. Ngày cuối tuần, anh còn dạy võ cho học sinh Trường THPT Trương Định và các võ sinh khác ở công viên Bách Thảo.
Ban đầu, lớp chỉ có 7 võ sinh, đến nay, mỗi khóa có từ 20-50 võ sinh theo học. Cuối các tháng có buổi thi đấu giữa các học viên để tăng cường tính thực tế, cọ xát. Hình thức thi đấu đối kháng do trọng tài chuyên nghiệp làm chủ.
Việc dạy học của Hoàng có sự giúp sức của các trợ giảng từ các học trò chuyên và không chuyên do anh đào tạo. Lớp võ giúp anh duy trì đam mê võ và truyền cảm hứng, niềm yêu cuộc sống cho những người trẻ.
Võ thuật không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn giúp môn sinh rèn luyện tâm tính, thay đổi nhận thức và thế giới quan.
Đó là cách tiết chế bản tính, sử dụng sức mạnh của mình đúng mục đích; khả năng kiên cường và bản lĩnh trong cuộc sống. Chính vì thế, mỗi lớp, anh chỉ thu 20-50 nghìn đồng/ tháng, kinh phí chỉ đủ để đi lại.
Hoàng Khương Duy, một võ sinh cũ vẫn thường về lớp để giúp thầy dạy các bạn mới, nghẹn ngào: “Thầy thường nói với chúng tôi, khi còn trẻ, hãy cố gắng phấn đấu, nỗ lực và cống hiến hết mình. Võ thuật thật sự sẽ giúp các em đạt được những đỉnh cao khác.
Đến giờ, tôi vẫn luôn tự hào bởi thầy dạy cho tôi không chỉ là những bài quyền trên sân tập mà cả nghị lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh”.
Trước khi chào tạm biệt anh và học trò, PV hỏi anh năm mới có mong ước gì, anh cười bảo: "Mong ước lớn nhất của anh lúc này là có được sức khỏe để có thể đứng lớp, dìu dắt các học trò của mình."
Nhìn cách anh rèn luyện sức khỏe, dạy bảo học trò, tôi tin mong ước ấy của anh luôn thành hiện thực.