Nhắc lại một câu chuyện cũ nhiều người đã biết, Công Phượng từng bị loại ở chính đội bóng quê hương SLNA (vì hình thể còi cọc), trước khi gia nhập Học viện HAGL Arsenal JMG.
Trở lại 7-8 năm trước, nếu lúc đó HLV Graechen tiếp tục lắc đầu, con đường đến với bóng đá của “thần đồng” xứ Nghệ coi như bị chặn lại.
Nhưng sự khác biệt của nhà cầm quân người Pháp so với lối tư duy khá phổ biến ở bóng đá Việt Nam là ông không đặt thể hình làm tiêu chí hàng đầu khi tuyển chọn học trò.
Cao hay thấp, mạnh hay yếu không quan trọng bằng những kỹ năng mà các cậu bé dạo đó mới hơn 10 tuổi thể hiện với trái bóng.
Người ta luôn nói lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh là sự khác biệt so với mặt bằng bóng đá Việt Nam. Và khởi đầu của sự khác biệt ấy nằm ở cái nhìn, cách tư duy khác biệt của người thầy đã tạo ra họ.
Song cái nhìn (hay sự định hướng) ban đầu dù quan trọng, không hoàn toàn quyết định thành công. Nó còn tùy thuộc vào hành động và cách làm.
Từ những “viên ngọc thô” ban đầu, HLV Graechen đã làm gì để mài giũa họ thành tài?
Không dễ để trả lời câu hỏi này khi nhiều phóng viên thậm chí đã cất công theo dõi hàng chục buổi tập của Công Phượng cùng đồng đội.
Bí quyết của Học viện HAGL Arsenal JMG có lẽ không đơn giản như những gì được biết. Chẳng hạn, cầu thủ nhí phải mất 3-5 năm đá bóng bằng chân đất trước khi mang giày để có cảm giác tốt hơn.
Bởi nếu chỉ đơn giản như vậy, bầu Đức đã không phải đổ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng học viện và trả lương thuê những chuyên gia như HLV Graechen.
Một cách đặt vấn đề như thế cũng tôn thêm tài năng của nhà cầm quân người Pháp. Những ai kinh qua đời cầu thủ đều phải thừa nhận một nguyên tắc: Sẽ không có trò giỏi nếu không có thầy giỏi.
Cựu trung vệ ĐTVN Nguyễn Mạnh Dũng từng chia sẻ về điều này: “Đừng nói HLV Graechen không giỏi. Một người không có trình độ thì không thể tạo ra cả một lứa cầu thủ xuất sắc như vậy”.
Trước thế hệ của Công Phượng, Tuấn Anh, không phải bóng đá Việt Nam chưa từng sản sinh ra những gương mặt ưu tú.
Nhưng điều đó chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ và có tính chất “lúa trời”, chứ không phải sản phẩm đồng bộ của một quá trình “chăm bón”.
Nhưng người ta không chỉ tôn trọng và khâm phục HLV Graechen bởi ông là một người thầy giỏi.
Một nguyên tắc khác của đào tạo trẻ là những người làm thầy phải có tâm. Xét ở khía cạnh này, không dễ để tìm ra người thứ 2 như chiến lược gia sinh năm 1977.
7-8 năm Công Phượng, Tuấn Anh xa gia đình cũng là chừng ấy thời gian mà những ngày về Pháp thăm nhà của HLV Graechen chỉ đếm trên đầu ngón tay.
U19 Việt Nam 4-1 U19 Myanmar
Vai trò của ông ở Học viện HAGL Arsenal JMG còn giống như một người cha đối với các cầu thủ trẻ. Sự trưởng thành và chững chạc về mặt nhân cách của lớp học viên khóa 1 không thể là sự ngẫu nhiên nếu thiếu sự giáo dục tỉ mỉ.
Triết lý HLV Graechen luôn nhấn mạnh tới các học trò từ ngày đầu tiên cho đến lúc này là sự khiêm nhường và không ngừng học hỏi.
Nếu tiếp xúc với phụ huynh của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, bất cứ ai cũng sẽ nghe được trải lòng của họ về sự biết ơn dành cho người thầy và nơi đã nuôi dưỡng con cái mình trước hết trở thành một công dân tốt.
Tâm huyết của HLV Graechen dành cho các học trò của ông thậm chí còn lớn hơn bầu Đức.
Vì dù yêu mến đến mấy, không phải lúc nào bầu Đức cũng có điều kiện ăn nằm cùng cầu thủ, lắng nghe và chia sẻ vui buồn, đông viên và khuyến khích họ như nhà cầm quân người Pháp.
Thế nên, ngày HLV Graechen thôi dẫn dắt CLB HAGL, nhiều học trò của ông coi đó là sự mất mát của một “người cha tinh thần”.
“Tôi sẽ không dừng lại. Sứ mệnh của tôi là đi cùng lứa cầu thủ này đến cuối cuộc hành trình”, một trong những phát biểu cuối cùng của nhà cầm quân người Pháp trước ngày từ nhiệm cho thấy tình cảm rất lớn ông dành cho Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội.
Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Những ngày này, trở lại với công tác đào tạo ở Học viện HAGL Arsenal JMG, HLV Graechen đã tìm thấy sự thư thái và bình yên sau chuỗi ngày khắc nghiệt tại V-League.
Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội rồi sẽ như những cánh chim rời tổ, bay đến những phương trời xa, làm việc với những người thầy mới.
Song ký ức về khoảng thời gian tươi đẹp 2013-2014 sẽ sống mãi trong tâm trí của hàng triệu cổ động viên.
Hãy thử đặt ra câu hỏi rằng, nếu không có đội tuyển U19 và những ngày tháng tuyệt vời ấy, bóng đá Việt Nam bây giờ sẽ thế nào?
Nên Guillaume Graechen không chỉ là một người thầy tài năng, một người cha tận tâm, ông còn là người hùng trong trái tim người hâm mộ.
HLV Graechen sinh năm 1977 tại Vernon (Pháp). Trong 14 năm khi còn là cầu thủ, ông chủ yếu chơi cho các CLB hạng thấp hoặc bán chuyên.
Từ năm 2007, HLV Graechen bắt đầu công việc huấn luyện tại Học viện HAGL Arsenal JMG.
Năm 2009, ông kết hôn với bà xã Ngô Thị Loan. Mái ấm của nhà cầm quân người Pháp sau đó có thêm 2 thành viên nhí là cậu con trai Leito và cô con gái Melita.
Cuối năm ngoái, HLV Graechen đã hoàn tất hồ sơ để xin nhập quốc tịch theo quê hương vợ.