HLV trưởng SLNA, Nguyễn Hữu Thắng, đã nói trúng vào sự thật khó chối là, năng lực cầu thủ Việt Nam là hữu hạn và để cải thiện điều này, chúng ta phải mất thêm vài thế hệ (đời người) nữa, cùng một chiến dịch tầm quốc gia về cải thiện giống nòi.
Điều này đúng và chắc rằng nhiều người cũng cảm nhận được, nhưng là chưa đủ. Môi trường phát triển, phấn đấu có vai trò quyết định, đến hậu vận và sự thành bại, không chỉ trong thể thao, bóng đá, mà nó đúng với hầu hết các địa hạt xã hội. Hãy liên tưởng tới Giáo sư Ngô Bảo Châu, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn hay gần đây là kình ngư Ánh Viên, tay vợt Lý Hoàng Nam…, tất cả sẽ có ngay câu trả lời.
Xét những biểu hiện tích cực gần đây qua các cuộc đối đầu với U19 Nhật Bản ở giải tập huấn, một chừng mực nào đó, U19 Việt Nam đã cho thấy sự tiến bộ. Tuy nhiên, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…, chỉ có thể tiệm cận được đẳng cấp của đồng nghiệp cùng lứa bên phía Nhật Bản, nếu họ có cơ hội phát triển trong môi trường bóng đá tương đương.
Có tiềm năng là một chuyện, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp xuất sắc là chuyện khác
Nhiều người học và chơi dương cầm, mới có một Đặng Thái Sơn, nhưng nghệ sĩ dương cầm này chỉ đạt đến trình độ bậc thầy, nhờ những năm tháng học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Cũng như bóng đá, phải có hàng chục, thậm chí hàng trăm các Học viện dám hành động như HAGL Arsenal JMG, mới hy vọng có các lứa cầu thủ giỏi. Để vươn tới đẳng cấp hay vị thế nào đó trong thể thao, không thể mãi kỳ vọng vào lúa trời.
Việc bầu Đức quyết định cho “những đứa trẻ của ông” đá V-League, có thể không bị xem là bước lùi, mà là sự khởi đầu. Song một điều chắc chắn rằng, U19 Việt Nam nói chung và cầu thủ Học viện của bầu Đức nói riêng, sẽ không thể vươn tới một đẳng cấp khác, nếu chỉ chơi bóng tại dải đất hình chữ S, hoặc khu vực Đông Nam Á, chứ đừng nói là giải trẻ. Bóng đá Việt Nam từng có bao thế hệ vàng, nhưng rồi chỉ là đồng thau.