Trong suốt cả năm 2015 và đầu năm 2016, dù TTCK Việt Nam đã có không ít những nhịp sóng tăng mạnh nhưng đồ thị cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gần như chỉ một chiều đi xuống.
Hiện tại, cổ phiếu HAG chỉ giao dịch “bi đát” quanh ngưỡng 7.900 đồng – mức giá thấp nhất trong lịch sử của HAGL kể từ khi niêm yết vào năm 2008.
Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán: Sở dĩ giá cổ phiếu của HAGL xuống thấp bởi lẽ họ đang ngập trong nợ nần, thậm chí, tổng số nợ lớn hơn cả số vốn. Điều này đã tác động tới tâm lý của nhà đầu tư dẫn tới làn sóng đánh tháo lan rộng.
Hơn nữa, các mảng HAGL đang làm đều không có triển vọng tốt: Bất động sản đang dần cắt bớt, giá cao su rất thấp chưa có xu hướng tăng.
Nuôi bò trong ngắn hạn chưa có lãi, thậm chí lỗ. Nông nghiệp, giá các hàng hóa luôn ở mức thấp và chưa có chiều hướng đi lên rõ ràng.
Tuy công việc kinh doanh thua lỗ như vậy nhưng Bầu Đức vẫn mạnh tay trong lĩnh vực bóng đá ví dụ như việc xuất ngoại cầu thủ và hỗ trợ Quế Ngọc Hải.
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng: cho rằng: Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược kinh doanh riêng và người ta có thể sử dụng nhiều công cụ để phát triển.
“Bóng đá cũng nằm trong chiến lược kinh doanh của HAGL nhằm mục đích nâng cao thương hiệu.
Thêm vào đó, đây là một lĩnh vực mà Bầu Đức rất tâm huyết, dù thua lỗ, đại gia này vẫn ném tiền vào, giống như ông chủ của Chelsea dù giá dầu xuống, mất cả tỷ bảng nhưng vẫn “chơi” bóng đá” – ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình: "Kinh doanh có nhiều giỏ, khi kinh tế của HAGL gặp nhiều khó khăn thì bóng đá sẽ hỗ trợ các giỏ khác của Tập đoàn này.
Bởi lẽ, từ xưa tới nay, bóng đã vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” cho HAGL, giúp cho doanh nghiệp này nâng cao giá trị thương hiệu.
Trong khi đó, giá trị thương hiệu là một tài sản vô hình, giữ vai trò quan trọng về lâu dài mà chúng ta rất khó “cân đo đong đếm” được".
Trái ngược với quan điểm của ông Bình, với tư cách là một chuyên gia về chứng khoán, ông Đỗ Nguyễn Minh Nhân, nhân viên môi giới Công ty chứng khoán Bảo Việt lại cho rằng:
"Mảng thể thao là cách để làm PR thương hiệu cho HAGL nhưng không giúp ích nhiều cho Bầu Đức trong việc phát triển kinh tế".
Ông Nhân giải thích: “Những thông tin tích cực về mặt bóng đá không giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư về cổ phiếu.
Bóng đá có thể tốt cho thương hiệu nhưng nó chỉ giúp ích cho học viện HAGL và cá nhân Bầu Đức chứ không giúp cho Tập đoàn HAGL”.
Vị chuyên gia này lưu ý: "Sự nổi danh của các ngôi sao như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và việc bán đi hay chuyển nhượng cầu thủ, về mặt chính thống, lợi nhuận sẽ vẫn rót về túi tiền của riêng Bầu Đức chứ không phải HAGL".
"Học viện HAGL là tổ chức phi lợi nhuận, tự nuôi sống bản thân, tiền thu về có thể tiếp tục đào tạo các lớp cầu thủ tiếp theo, chứ không liên hệ quá mật thiết với HAGL. Nếu là năm 2008, bóng đá có thể là cứu cánh, nâng giá trị cổ phiếu của HAGL lên.
Còn hiện tại, do bóng đá Việt Nam đang chững lại, việc đầu tư vào bóng đá của Bầu Đức tạo hiệu ứng cao về mặt thương hiệu, có sức hút nhưng chưa đủ mạnh để vực dậy nền tài chính của Tập đoàn này” – ông Nhân nói.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cũng nêu rõ: "Việc xuất ngoại cầu thủ là cách quảng bá hình ảnh, thương hiệu rất tốt cho HAGL nhưng không “đỡ” được kết quả kinh doanh đi xuống của HAGL".
Ông Quang cũng cho biết thêm: "Việc xuất ngoại cầu thủ có ảnh hưởng tốt tới cả nền bóng đá nước nhà, tạo thành một tiền đề giúp các bạn trẻ khác phấn đấu để trở thành cầu thủ quốc tế.
Hơn nữa, nhiều người được hưởng lợi trong chuyện này từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho tới bản thân doanh nghiệp HAGL và cả các cầu thủ trẻ".
Tuy nhiên, ông Quang cũng nhấn mạnh: "Một số chiến lược kinh doanh không hiệu quả của HAGL đã làm giảm sự đóng góp của Bầu Đức liên quan tới lĩnh vực bóng đá.
Túi tiền của Bầu Đức đi xuống khiến ông này phải lo cắt giảm vào bóng đá. Việc xuất ngoại cầu thủ cũng là một hình thức cắt giảm tài chính”.
Theo ông Quang, người Việt Nam cũng nên thông cảm, chia sẻ điều này với Bầu Đức:
“Theo tôi, Bầu Đức nên xã hội hóa mảng kinh doanh bóng đá, tách ra thành công ty cổ phần đại chúng riêng, độc lập để trong lúc khó khăn sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư,những ai yêu mến bóng đá có thể góp vốn vào.
Bằng cách đó, họ có thể chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi, nâng tầm sự nghiệp bóng đá nước nhà”.