Khán giả lũ lượt trở lại với bóng đá Việt Nam

Theo DaiDoanKet |

Sau 4 vòng đấu, lượng khán giả tới sân tăng đột biến. Những nhà tổ chức không khỏi mừng thầm bởi đây chính là tín hiệu mừng cho thấy sự khởi sắc trở lại của giải bóng đá số 1 Việt Nam.

Tất nhiên, để niềm vui này kéo dài và có tính bền vững, BTC giải, các đội bóng và cả người hâm mộ còn phải làm rất nhiều để bóng đá và khán giả luôn luôn song hành.

Những khán đài được hâm nóng

Khoảng 2 vạn khán giả đã lấp kín những khán đài sân Hàng Đẫy, vốn là SVĐ nổi tiếng bởi sự nguội lạnh vì vắng người xem. Cuộc thư hùng nảy lửa trên sân Hàng Đẫy giữa chủ nhà Hà Nội T&T và SL.Nghệ An đã biến thành một ngày hội thực sự. Lần đầu tiên sau 15 năm (kể từ Tiger Cup 1998)-giải đấu mà ĐTVN với thế hệ vàng đã thi đấu cực kỳ ấn tượng, sân Hàng Đẫy mới sôi động như vậy. Cũng lần đầu tiên sau 15 năm, người ta mới lại bắt gặp những hình ảnh của dân phe vé hoạt động hết công suất.


	CLB SLNA luôn "đốt cháy” khán đài trong mỗi lần thi đấu

CLB SLNA luôn "đốt cháy” khán đài trong mỗi lần thi đấu

Trên sân Chi Lăng, lượng khán giả chưa bao giờ thấp hơn mức 1 vạn. Đáng chú ý, có những trận số lượng người xem lên tới gần 3 vạn, phủ kín những khán đài. Trên sân Lạch Tray, CĐV nổi tiếng bởi sự cuồng nhiệt, cũng tạo nên những lễ hội bóng đá tại đây. Theo thống kê của BTC, có khoảng gần 1 vạn người tới sân mỗi trận đấu. Thậm chí những sân như Cao Lãnh ở giải hạng Nhất, cũng có tới hơn 7.000 người tới xem, cho thấy khán giả đang không quay lưng với các giải đấu quốc nội, vốn đánh mất niềm tin bởi công tác tổ chức, chất lượng và cả những sự cố.

Đi tìm giá trị bền vững

Một khán giả thủ đô có mặt trên sân Hàng Đẫy để xem trận Hà Nội T&T và SL.Nghệ An khẳng định: "Bóng đá sẽ chết, V.League sẽ chết nếu không có khán giả. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng người hâm mộ sẽ không quay lưng với bóng đá nước nhà, nếu như chúng tôi được xem những trận đấu hấp dẫn như vậy".

Ở đây, không khó lý giải với hiện tượng CĐV tăng đột biến như những vòng đấu vừa qua. Chính bản sắc, tính truyền thống của các đội bóng, là nguyên nhân đầu tiên giúp các trận đấu luôn có nhiều CĐV tới sân cổ vũ.

Người hâm mộ bóng đá sẽ không quay lưng nếu như các trận đấu có chất lượng chuyên môn cao, còn công tác tổ chức không để lại những vết gợn đáng tiếc. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải địa phương nào cũng nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà và không phải sự quan tâm của người hâm mộ lúc nào có giá trị bền vững.

Sau trận đấu giữa HN T&T và SL.Nghệ An, sân Hàng Đẫy lại trở về hình ảnh quen thuộc của mình. Niềm vui đến rồi qua đi rất nhanh và có lẽ phải 1 năm nữa, mới lại có không khí của một lễ hội như vậy, khi đội khách trở lại.

TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn nhấn mạnh, một giải bóng đá có thành công hay không, người ta nhìn vào số lượng khán giả đến sân.Theo ông Viễn, ngoài tính truyền thống, bản sắc cần được các đội bóng duy trì, thì các Hội CĐV cũng phải chuyên nghiệp hơn. Nói cách khác, ngoài tình yêu với bóng đá của người hâm mộ VN được hâm nóng, thì chính chất lượng các trận đấu, sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức giải, cũng là những điều kiện rất quan trọng để lôi kéo khán giả đến sân.

V.League sẽ không "chết" nếu BTC giải, các đội bóng và người hâm mộ hiểu rõ những tôn chỉ như thế. V.League sẽ tự phát triển nếu như mọi thứ chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất.

Chuyên nghiệp-đó là thứ mà bóng đá Việt Nam đang thiếu và đó cũng là lý do mà chúng ta chưa tìm thấy những giá trị bền vững, bắt đầu từ sự quan tâm của người hâm mộ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại