Các chi tiết nói trên có thể được sử dụng như là những dữ liệu để chúng ta phân tích xem lối chơi mà HLV Miura sử dụng đã chuẩn hay chưa, rằng U23 Việt Nam phải chơi tấn công hay phòng ngự, rình rập chờ cơ hội.
Bàn thua đầu tiên nếu không phải là pha bóng đầu tiên mà cự ly hàng thủ dâng cao so ở cự ly tầm 30m với vị trí của thủ thành Minh Long, thì nó cũng chỉ là một trong vài lần hiếm hoi mà U23 Jordan tìm thấy khoảng trống.
Chúng ta triển khai tấn công ở hành lang trái. Thanh Bình chuyền ở cự ly ngắn cho Công Phượng, nhưng Phượng không thể kiểm soát quả bóng ấy.
Cũng không ai lập tức gây sức ép ngay để đòi lại bóng hoặc làm giảm nguy cơ bị phản công. Và những gì diễn ra sau đó, chỉ trong vòng chưa đầy một phút, đã trở thành tai họa của U23 Việt Nam.
Toàn bộ hàng tiền vệ không ai áp sát. Mặc đối phương triển khai bóng tấn công khá thong dong và có khá nhiều phương án để triển khai. Lỗi có thể là Tấn Tài đứng sai vị trí, và bẫy việt vị đã tự bập vào chân chúng ta.
Nhưng trách nhiệm là của tất cả, của những tiền đạo – những người phòng ngự từ xa, của những tiền vệ - những người làm lá chắn cho hàng thủ, phải biết cách phong tỏa những ngòi nổ của đối phương.
Và có thể là cả HLV, người cần phải hô hào các cầu thủ phải áp sát nếu ông đánh hơi thấy hiểm nguy.
Tất nhiên, không phải cứ lúc nào chúng ta dâng cao thì đối thủ cũng khai thác được. Nhưng rõ ràng là pha bóng ấy cho thấy nguy cơ rất lớn khi U23 Việt Nam dâng cao đội hình. Tại sao lại thế?
Các cầu thủ U23 Jordan vượt trội về kỹ thuật so với U23 Việt Nam - Ảnh: Anh Đức
Thứ nhất, các cầu thủ U23 Jordan vượt trội về kỹ thuật. Họ có thể qua người 1-1 với bất cứ ai, ở vị trí nào trên sân. Thứ hai là thể lực, họ áp đảo về tranh chấp, đua tốc độ. Thứ ba là sự ăn ý của một đội bóng được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trong thành phần xuất phát của U23 Jordan tối 14/1, có gần một nửa đội hình từng đá chính trong trận đấu với U23 Thái Lan ở Asian Games 2014 như Alsouiman, Raja Hasan, Almardi, Ahmad Alessawi...
Trong khi đó, hầu hết các cầu thủ của U23 Việt Nam bắt đầu khoác áo đội tuyển cấp độ này từ đầu năm ngoái khi chúng ta tham dự vòng loại U23 châu Á và chuẩn bị cho SEA Games.
Tức là do ở hoàn cảnh khác nhau, vị thế khác nhau mà có sự chuẩn bị khác nhau. U23 Jordan chuẩn bị cho cuộc đua giành vé Olympic từ Asian Games 2014. Còn chúng ta, Asian Games là để đội tuyển chuẩn bị cho AFF Cup.
Một U23 Jordan vốn có nhiều cầu thủ kỹ thuật, to khỏe nên chơi ăn ý hơn hẳn. Cứ nhìn cái cách họ ăn mừng hai bàn thắng đầu là thấy họ đã là một tập thể hòa hợp không chỉ về chuyên môn mà cả bầu không khí giữa các thành viên trong đội nữa.
Bóng đá Jordan không nổi đình đám ở châu Á, chưa vươn ra với tầm thế giới như Nhật, Hàn Quốc... nhưng họ đứng thứ 86 thế giới, trong top 10 châu lục, còn Việt Nam thì đứng thứ 146 thế giới và còn chật vật ở khu vực Đông Nam Á.
Mong muốn U23 Việt Nam tấn công là ảo tưởng về sức mạnh - Ảnh: Anh Đức
So tiếp thêm về con người cầu thủ.
Nếu như Công Phượng là cầu thủ xuất sắc nhất, xứng đáng được gửi gắm niềm tin (vì cũng chẳng còn ai ngoài anh) thì Công Phượng vẫn chẳng là gì xét về phẩm chất kỹ thuật, "quản lý" quả bóng sao cho chính xác, hiệu quả, phục vụ được ý đồ tiếp theo mà các cầu thủ Jordan đã phô diễn.
Bởi thế, ở trong một bảng đấu ngoài Jordan còn có UAE và Australia, như HLV Miura đặt ra mục tiêu giành vé vào tứ kết là dũng cảm, nhưng mong muốn U23 Việt Nam tấn công là ảo tưởng về sức mạnh.
Tấn công bằng bóng dài, đua sức thì thực sự ngốc nghếch.
Sự thức tỉnh này thực ra chẳng phải là kết quả gì, nhưng nghiệt ngã thay là chúng ta chẳng thu hoạch được gì hơn điều đó, trong khi HLV Miura từ cách nay cả năm rồi đã được nhận diện là có hạn chế về huấn luyện lẫn điều chỉnh trận đấu.
Vậy, đấu với U23 Australia thì sao? Chúng ta sẽ thay thế một vài vị trí và chơi tấn công chăng? Thử một lần ngốc nghếch toàn diện để rồi biết đâu đấy chúng ta làm nên bất ngờ?
Một đội bóng đã đóng dựng cả năm nay, tập luyện miệt mài suốt hai tháng qua mà lại không biết mình thế nào thì thật khó định nghĩa về nó!