Inter còn lại gì nếu không được đi châu Âu?

Theo Goal |

Serie A đang ngày càng thụt lùi. Dưới đây là những lí do lí giải tại sao bóng đá Italia cần những ý tưởng mới và cải cách về tài chính.

Ở trận Derby Italia hôm thứ Bảy vừa qua, Juventus đã đánh bại Inter 2-1 ngay tại Meazza. Đó là đòn giáng mạnh vào tương lai của Nerazzurri . Luật Công bằng Tài chính sắp có hiệu lực cộng thêm việc mất quá nhiều điểm dẫn đến không đủ điều kiện tham dự Champions League có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của Inter.

Đội bóng của Andrea Stramaccioni đã bị đội xếp thứ ba bỏ xa tới 10 điểm và phải chiến đấu hết mình nếu không muốn tiếp tục rơi vào tình cảnh khốn khó về tài chính khi không được tham dự Champions League như đã xảy ra ở mùa giải 2011 - 2012. Lúc đó, Inter đã mất đến 165 triệu bảng. Trong khi chủ sở hữu Massimo Moratti cùng cộng sự đang đấu tranh để hạn chế chi phí thì họ phải gánh một số tiền khổng lồ để trả lương cho các cầu thủ.

Theo con số chính thức công bố vào tuần trước, trong năm tài chính 2012, Inter phải ngốn 165 triệu bảng để trả tiền lương, hầu hết là trả cho cầu thủ. Con số trên với Juventus chỉ là 137 triệu bảng.

 

Tiền thưởng cũng khiến bất kì câu lạc bộ phải bỏ ra một khoản khá lớn, với các quy tắc cơ bản là số tiền không vượt quá 50% tổng thu nhập. Tuy nhiên, ở bóng đá Ý, vẫn còn tình trạng đối phó với lạm phát bởi tiền thuế dựa vào lương bổng quá cao. Ví dụ, trường hợp của Inter, họ sẽ phải bỏ ra một số tiền khủng khiếp với 80% doanh thu để trả tiền lương.

Trong bối cảnh đó, việc tham dự Champions League là điều tối quan trọng với bất kỳ đội bóng nào nếu muốn sống khỏe về tài chính. Lấy ví dụ cụ thể, Juventus sẽ bỏ túi 60 triệu bảng nếu vào đến bán kết Champions League mùa giải này. Tầm quan trọng của việc tham dự Champions League khiến cho Milan đánh canh bạc tới 70 triệu bảng để kí bản hợp đồng 5 năm với Mario Balotelli.

Một vài năm trước, bóng đá Ý bước vào vòng xoáy của sự tiêu cực dẫn đến doanh thu giảm sút rất nhiều; các sân vận động hầu như trống rỗng một nửa, chất lượng giải đấu thấp khiến cho bản quyền truyền hình thu được từ nước ngoài giảm theo.

Một ví dụ nữa để thấy sự suy giảm giá trị của các câu lạc bộ Italia đến từ nhà tài trợ. Nếu Barcelona (Nike, Qatar Foundation) và Real Madrid (Adidas, Bwin) mỗi năm thu về chừng 60 triệu bảng thì Inter (Nike, Pirelli) và Juventus (Nike, Jeep) chỉ mang lại chưa bằng một nửa với 30 triệu và 25 triệu bảng.

Tuy nhiên, không hẳn là một màu đen xám xịt với bóng đá Italia. Juventus vẫn đang làm tất cả để xóa bóng ma tiêu cực. Và nếu như những việc làm của họ tiếp tục thành công thì Bà đầm già sẽ là đội bóng Italia (và là một trong số ít những đội bóng ở châu Âu) đạt được lợi ích thiết thực.

Ở những diễn biến khác, Lazio đang thực hiện những chính sách tài chính thích hợp và họ đang có dự định xây dựng sân vận động riêng; Napoli ổn định trong sáu năm qua còn gia đình Pozzo (chủ sở hữu của Udinese) đã mở rộng kinh doanh sang tận Tây Ban Nha và Ehngald với việc mua lại Grenada và Watford. Catania, Chievo và Cagliari (mặc dù gặp phải những vấn đề về sân vận động) cũng đang sống khỏe về tài chính.

 

Tuần qua, chủ sở hữu của Napoli và cũng là nhà sản xuất phim nổi tiếng Aurelio De Laurentiis đã bắt đầu thực hiện những cuộc cải cách táo bạo với nhiều thay đổi cần thiết cho bóng đá Italia. De Laurentiis đã đề ra cuộc cách mạng theo mô hình bóng đá Tây Ban Nha, tức là đội trẻ của các đội bóng đang thi đấu ở Serie A sẽ góp mặt ở Lega Pro (giải Hạng Ba Italia).

Điều này sẽ giúp cho các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội cọ xát và phát triển; De Laurentiics còn đưa ra những nguyên tắc khác như: chú trọng bồi dưỡng tài năng ở ngay chính địa phương thay vì phải mất một chi phí lớn để đầu tư vào các cầu thủ đến từ nước khác.

Những ý tưởng này đã gây ra các cuộc tranh luận gay gắt, nhưng ít nhất đã tạo ra một cuộc thảo luận cần thiết về tương lai của bóng đá Italia, nền bóng đá mà khi năm tài chính 2012 khép lại thì họ chịu khoản nợ khủng khiếp lên đến 1.63 tỷ bảng.

Cấu trúc và cách suy nghĩ của bóng đá Italia đã lỗi thời. Và điều đó khiến cho con người ta có cảm giác rằng nếu có một Thời kì Phục hưng thì cần phải có những con người như De Laurentiis của Napoli, Giampaolo Pozzo của Udinese hay Andrea Agnelli của Juventus. Tất cả họ đều là những doanh nhân - những người đã chứng minh họ có khả năng tạo ra những kết quả tích cực không chỉ trên thương trường mà còn trên sân cỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại