Như thế cũng có thể nói là một nách 3 con, kiểu tận dụng triệt để chất xám của các chuyên gia - HLV ngoại quốc thường thấy của bóng đá Việt Nam.
Từ việc tuyển quân, đề bạt danh sách, đề xuất các kế hoạch tập luyện - thi đấu cọ xát, đến việc lên giáo án, đứng lớp và cầm quân ra trận..., một tay HLV Miura làm tất.
Vai trò của bộ phận giúp việc, các phòng ban trực thuộc VFF là rất hạn chế. Thực tế là với các trợ lý khá lành tính như Trần Công Minh hay Nguyễn Đức Cảnh, kể cũng khó đòi hỏi.
Mới đây, vì bất đồng quan điểm mà trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Quốc Tuấn đã từ chối hợp tác với ông Miura, chứ không hẳn công việc ở HAGL quá bận đến độ ấy.
Ngó qua người Thái (lại là Thái Lan), dưới trướng HLV Kiatisuk ở U23 Thái Lan lúc này là đội ngũ 7 trợ lý thuộc biên chế chính thức, trong đó có một chuyên gia fitness người Đức.
Nói là chính thức, bởi ngoài những người thuộc biên chế và được FAT trả lương, "Zico Thái" luôn sẵn sàng một đội ngũ giúp việc làm bán thời gian khác, do chính anh bỏ tiền túi ra thuê. Đây là một chi tiết khá mới mẻ.
"Họ là những người quan hệ truyền thông, tổng hợp các thước phim tư liệu cho đội bóng và về đối thủ. Ngoài ra, họ cũng là bộ phận tuyển trạch không chính thức...
Cũng như chúng tôi, những người được Zico thuê bán thời gian có nhiệm vụ báo cáo công việc mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày cho anh ấy, bởi anh ấy là ông chủ, là người trả lương...", trợ lý số 2 Apisit Kaikaew chia sẻ.
Với Kiatisuk, đấy không đơn thuần là công việc, mà còn là một vụ đầu tư nghiêm túc.
Có thể thấy, các phương pháp làm của người Thái nói chung và triều đại Kiatisuk Senamuang nói riêng là rất chuyên nghiệp. Nó khác với chúng ta, khi có cảm giác như trăm công nghìn việc đều đổ hết lên đầu HLV trưởng.
Ví như việc tổng hợp băng hình tư liệu về đối thủ chẳng hạn, bộ phận nào đang đảm nhiệm?!
Trước khi Thái Lan đả bại Việt Nam 3 bàn không gỡ ở Mỹ Đình tại khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 mới đây, trợ lý Apisit được cử qua Việt Nam "nằm vùng" cả tuần, tất nhiên, không bỏ qua trận Việt Nam hoà Iraq với tỷ số 1-1 trước đó.
Cũng nắm nhiều ĐTQG cùng lúc, nhưng HLV Kiatisuk luôn có hơn chục trợ lý, người giúp việc/đội, để đảm bảo công việc luôn suôn sẻ. Tất nhiên phải kể đến việc FAT luôn đứng sau lưng hậu thuẫn.
"Ở Thái Lan, Zico giống như siêu sao. Người ta chỉ có thể thấy anh ấy trên các tấm pano quảng cáo ngoài đường, chứ hiếm khi Kiatisuk rời phòng làm việc hoặc nhà riêng.
Người ngoài muốn tiếp xúc với Zico lúc này là cả vấn đề, chứ không đùa", vẫn lời trợ lý HLV Apisit.
Thời gian qua, người ta có thể cảm nhận nỗi cô đơn tột cùng của HLV Toshiya Miura. Nhưng trên thực tế, ông Miura đã đơn độc ngay sau khi đặt bút ký hợp đồng với VFF rồi.
Không trợ lý giúp việc đồng hương, HLV Miura phải xây dựng các ê-kíp làm việc từ đầu, thông qua tiến cử của ông chủ VFF. Đến ngay cả sự ủng hộ cũng chỉ là vừa phải, chứ đừng nói những hỗ trợ ở tầm vi mô lẫn vĩ mô.
Một kiểu đá khoán rất thiếu chuyên nghiệp và cần phải thay đổi, nếu còn có tham vọng đưa nền bóng đá lên một tầm cao mới. Chẳng phải tìm kiếm đâu xa, cứ ngó qua Thái Lan mà học hỏi.
Thành công hay thất bại tại một giải đấu, khó nói trước, nhưng nếu có có sự chuẩn bị chu đáo, chúng ta có nhiều hơn cơ sở để kỳ vọng.
Trong kinh doanh, chẳng có sự đầu tư hời hợt nào mà mang lại hiệu quả kinh tế cao cả. Bóng đá, một địa hạt rất nhỏ của xã hội, nhưng lại liên quan rất nhiều đến đời sống, cũng thế thôi.
Với những gì đã và đang diễn ra, chúng ta có thể đoán được sự thành bại ở VCK U23 châu Á sắp tới chưa?!
Hỏi mà như đã trả lời.
1 Chưa một HLV ngoại nào khi dẫn dắt các ĐTQG ở Việt Nam có nhiều hơn 1 trợ lý nước ngoài, và tất cả trợ lý này đều chỉ là chuyên gia thể lực chứ không phải trợ lý chuyên môn.
3 Các HLV ngoại dẫn dắt ĐT nam trong những năm gần đây đều phải cáng đáng cả ĐTQG, U23 QG và Olympic QG.
7 Dưới trướng HLV Kiatisuk ở U23 Thái Lan lúc này là đội ngũ 7 trợ lý thuộc biên chế chính thức, trong đó có một chuyên gia fitness người Đức.