Năm 2014, bóng đá Việt Nam rung chuyển bởi 2 vụ án bán độ. Một trong số đó là trận đấu giữa CLB Quảng Ninh và CLB Đồng Nai (kết quả 5-3) diễn ra trên sân Cẩm Phả ngày 20/7.
Hơn một năm sau khi xảy ra vụ án, HLV của CLB Đồng Nai, ông Trần Bình Sự vẫn chưa nguôi ngoai cảm giác đau đớn:
“Tôi đã tin tưởng Phạm Hữu Phát vì nghĩ cậu ta là người hiền lành, có chuyên môn tốt, nên tín nhiệm trao băng đội trưởng. Nhưng tôi không thể ngờ chính cầu thủ này lại là kẻ chủ mưu và cầm đầu vụ án bán độ”.
Nói là không ngờ vì với 68 năm tuổi đời, 35 năm lăn lộn với nghiệp huấn luyện, ông Trần Bình Sự không lạ những góc khuất, mặt trái của bóng đá Việt Nam và không thiếu “võ” để trị.
Xuất thân là một cầu thủ của Công an Hải Phòng, sau đó ông Sự chuyển sang nghiệp huấn luyện, kinh qua không ít CLB rồi cả cấp độ ĐTQG.
Hầu hết các HLV đang hành nghề tại V-League như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường… đều từng là học trò của nhà cầm quân lão làng, khi ông tạm quyền dẫn dắt ĐTVN năm 1993.
Nhưng dạn dày đến thế, HLV Trần Bình Sự cũng có lúc bị “gài” bởi một cầu thủ chỉ đáng tuổi cháu nội (Hữu Phát sinh năm 1988).
“Hết hiệp 1 trận đấu, Đồng Nai dễ dàng để thủng lưới 3 quả, tôi đã thấy ngờ ngợ nên quyết định thay người ở hàng phòng ngự.
Nhưng cầu thủ bây giờ quá ma quái, không phải một, hai người tham gia mà có tới 6 người trải dài cả 3 tuyến”, ông Sự chia sẻ.
Vị HLV sinh năm 1947 nói tiếp: “Không những thế, họ còn tinh vi thực hiện hành vi đánh bạc trên mạng rồi móc ngoặc với các đối tượng cá độ ngoài đội bóng để tổ chức dàn xếp tỷ số”.
Nhưng ông Sự bất ngờ một thì người hâm mộ còn bất ngờ mười. Tất cả 6 cầu thủ bị bắt đều chưa từng có điều tiếng gì trong quá khứ.
Kẻ chủ mưu Phạm Hữu Phát từng là thành viên của lứa U21 Đồng Nai vô địch U21 QG năm 2010. Cho đến trước khi xảy ra vụ án, những gì người ta biết về Phát là một cầu thủ tài đức vẹn toàn.
Trong khi đó, hầu hết những cái tên còn lại đều từng là thành viên của các cấp độ đội tuyển như Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện, Đinh Kiên Trung (U23 Việt Nam), Phan Lưu Thế Sơn (U19 Việt Nam)…
Điều đó cho thấy sự phức tạp của môi trường bóng đá nội và những mối quan hệ xã hội rất khó kiểm soát của các cầu thủ Việt Nam.
Theo HLV Trần Bình Sự, sự phức tạp ấy đã có từ thời bóng đá bao cấp với công thức “3 đi 3 về”, hoặc những “thủ thuật” để đẩy nhau vào “cửa tử” như việc một đội A giả vờ đi về đánh lừa đội B, nhưng sau đó quay lại thi đấu khiến đội B bị xử thua...
Ngay cả đến lúc này, cũng không ai dám nói chắc về sự trong sạch của bóng đá Việt Nam.
Ông Sự đưa ra những ví dụ ở V-League 2015 như Hải Phòng cất 2 ngoại binh để đá với Cần Thơ và thua cuộc, hoặc SLNA bất ngờ thua đậm trên sân HAGL khiến chính các CĐV xứ Nghệ cũng bất bình.
Vụ án bán độ tại V-League 2014 đã để lại những dư chấn nặng nề với CLB Đồng Nai mà HLV Trần Bình Sự không kịp xử lý khi bước vào mùa giải 2015. Hậu quả là đội bóng của ông phải xuống hạng.
“Tất nhiên, khi xảy ra vụ án bán độ, ban huấn luyện cũng phải bị liên đới trách nhiệm do quản lý cầu thủ không tốt.
Nhưng họ tinh vi đến thế thì chỉ có cơ quan công an mới đủ trình độ phát hiện ra”, những chia sẻ của nhà cầm quân 68 tuổi không chỉ cho thấy mặt trái của bóng đá Việt Nam mà còn là sự khó khăn trong nghề nghiệp ông theo đuổi 35 năm qua.
6 cầu thủ Đồng Nai tham gia vụ án bán độ gồm Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện, Đinh Kiên Trung, Hà Niệm Tiến, Phan Lưu Thế Sơn.
Theo lời khai của nhóm đối tượng nêu trên, họ đã chủ động để thua CLB Quảng Ninh với 2 bàn cách biệt (3-5) để nhận về khoản tiền 400 triệu đồng.
Tương tự vụ án bán độ của các cầu thủ Ninh Bình, cả 6 cầu thủ của CLB Đồng Nai đều bị VFF treo giò vĩnh viễn.