Mở đầu cuộc trò chuyện, HLV Graechen nói: “Quả thật rất khó để đánh bại U19 Nhật Bản bởi họ là đội bóng hàng đầu châu Á và có trình độ nhỉnh hơn chúng ta. Tuy nhiên, nếu U19 Nhật Bản thi đấu như những gì họ thể hiện ở trận bán kết thắng U19 Thái Lan 2-1, tôi tin U19 Việt Nam hoàn toàn có thể đòi được nợ, nhất là khi chúng tôi có hơn 40.000 khán giả nhà trên sân Mỹ Đình”.
* HLV U19 Nhật Bản than phiền mật độ thi đấu dày đặc ở giải đấu này vắt kiệt sức của cầu thủ. Ông ấy cũng nói không dễ khuất phục U19 Việt Nam thêm một lần nữa và không hề muốn gặp U19 Việt Nam ở chung kết bởi sức ép quá lớn từ khán đài. Ông nghĩ gì về phát biểu này?
- Tôi nghĩ không chỉ có U19 Nhật Bản mà tất cả cầu thủ của bốn đội vào bán kết đều bị vắt kiệt sức vì phải đá với mật độ hai ngày/trận. Tuy nhiên, muốn vô địch, điều quan trọng là bạn phải vượt qua mọi đối thủ và cả những khó khăn như vậy
Tôi tôn trọng U19 Nhật Bản, đó là một tập thể chơi bóng hết sức khoa học, khôn ngoan, bản lĩnh và rất đáng gờm. Do vậy, U19 Việt Nam rất muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt từ các khán đài đầy ắp người xem như từng nhận được ở các trận trước đó, đặc biệt là trận đấu bán kết. Khán giả là động lực rất lớn giúp các cầu thủ U19 Việt Nam vượt qua chính mình và khuất phục đối thủ.
* Ông nhận thấy đâu là sự tiến bộ lớn nhất của các cầu thủ U19 Việt Nam so với trận chung kết thua U19 Myanmar vào tháng trước?
- Các cầu thủ U19 Việt Nam chơi bóng kỹ thuật hơn, hàng phòng ngự thi đấu chặt chẽ và cố gắng hạn chế tối đa sai sót. Bên cạnh đó, trên hàng tấn công chúng ta đã làm được điều khó nhất là tạo ra cơ hội và tôi hài lòng với hiệu suất ghi bàn của các cầu thủ ở trận bán kết vừa qua.
* Sự cuồng nhiệt của 40.000 khán giả trên khán đài có làm các cầu thủ bị sức ép tâm lý?
- Khán giả trên sân Mỹ Đình thật sự rất tuyệt vời, họ là nguồn động lực lớn cho các cầu thủ. Tuyển U19 Việt Nam đã biết cách vượt qua sức ép từ sự trông đợi này ở trận bán kết, điều đó sẽ giúp họ làm chủ tâm lý của chính mình trong tương lai.
* U19 Việt Nam sẽ giữ nguyên đội hình xuất phát ở bán kết để tái đấu cùng U19 Nhật Bản?
- Có lẽ đến gần giờ ra sân tôi mới biết được 11 cầu thủ đá chính. Các cầu thủ như Văn Sơn, Hồng Duy, Đông Triều, Tiến Dũng, Công Phượng, Tuấn Anh... hứng chịu quá nhiều pha vào bóng cứng rắn của U19 Myanmar, nên tôi phải chờ bác sĩ kiểm tra sức khỏe của họ rồi mới quyết định những ai sẽ đá chính trong trận chung kết.
Sức mạnh hàng công U19 Nhật dựa vào 3 cầu thủ
Sau ba trận ở giải, hàng công của U19 Nhật Bản đã giội vào lưới đối phương 9 bàn thắng (trung bình 3 bàn/trận). Đây là hiệu suất ghi bàn hết sức ấn tượng. Sức mạnh đáng gờm này xuất phát chủ yếu từ tiền đạo Ochi Yamato (11), tiền vệ Kaneko Shota (15) và nhất là tiền vệ Okugawa Masaya (16) - người sút phạt trực tiếp rất điêu luyện. Tổng cộng họ đã đóng góp 5 bàn thắng cho U-19 Nhật.
* Ochi Yamato (19 tuổi)
Ochi Yamato là cầu thủ quan trọng trên hàng công của U19 Nhật Bản với khả năng chạy chỗ thông minh và nhãn quan chiến thuật cực tốt. Anh là cầu nối của hàng công U19 Nhật Bản với những pha xuống biên cực kỳ khó chịu. Với Yamato, chỉ cần một thoáng sơ sẩy của hàng phòng ngự đối phương là anh có thể làm nên chuyện.
* Kaneko Shota (19 tuổi)
Tuy chỉ cao 1,62m nhưng Kaneko Shota lại là cầu thủ giàu tốc độ, có kỹ thuật cá nhân và sức rướn rất tốt. Điều gây ấn tượng ở Shota chính là những tình huống đột phá dũng mãnh ở biên trái. Trong trận gặp U19 Việt Nam mới đây, Shota đã có pha đột phá như vậy trước khi dứt điểm ghi bàn nâng tỉ số lên 3-1.
* Okugawa Masaya (17 tuổi)
Masaya là mẫu cầu thủ có lối đá thông minh, tư duy chiến thuật khá tốt cùng sự bình tĩnh và đặc biệt dứt khoát trong những tình huống chuyền bóng hay dứt điểm. Masaya chính là cầu thủ đã lập cú đúp cho U19 Nhật Bản trong trận thắng U-19 Úc 4-3 ở vòng bảng. Masaya đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của giải với 3 bàn thắng.