Một bạn tự xưng là "hàng xóm của nhà Công Phượng" vừa chia sẻ câu chuyện này trên Facebook cá nhân. Nội dung tâm thư của hàng xóm Công Phượng như sau:
"Chào mọi người. Mình là một người hàng xóm của Công Phượng (gần nhà em). Mình cũng thường xuyên qua lại nhà Công Phượng.
Cũng tình cờ được chú Bảy (bố của Công Phượng) chia sẻ rằng, Phượng thường hay gọi điện về tâm sự với chú ấy và nói rằng em ấy rất áp lực vì sự tung hô quá đà của người hâm mộ, báo chí.
Phượng thấy mình chưa có đóng góp gì quá to lớn nên cũng đừng tâng bốc em lên như vậy. Khi CĐV trên khán đài hô vang tên Công Phượng thì Phượng nói rằng không muốn mọi người hô như vậy, vì như thế sẽ làm mất đi tính đoàn kết trong tập thể. Em ấy muốn đá bóng một cách tự nhiên nhất thì mới phát huy được hết khả năng của mình. Phượng chẳng phải trung tâm gì cả mà muốn cống hiến hết mình cho màu cờ sắc áo mà thôi.
Phượng bảo trận gặp Myanmar, chân Phượng như đeo chì vì quá áp lực. Em cũng hơi thất vọng với màn trình diễn của mình.
Vì vậy, chúng ta hãy hiểu cho Công Phượng, đừng vì một cá nhân mà quên đi tập thể. Hãy để em nó tự nhiên như bao cầu thủ khác, để tập trung, để ổn định hơn cho trận chung kết với Nhật Bản vào đêm mai.
Mong mọi người chia sẻ điều này. Xin cám ơn."
Không riêng Công Phượng mà nhiều danh thủ hàng đầu thế giới khi được đặt quá nhiều kỳ vọng cũng từng thi đấu thất vọng ở CLB mới. Torres ở Chelsea hay Kaka tại Real Madrid là trường hợp điển hình.
Vì vậy, người hâm mộ không nên đưa Công Phượng và các cầu thủ khác của U.19 Việt Nam lên mây khi tuổi đời các em còn nhỏ, khiến các học trò của HLV Guillaume Graechenthi đấu như đeo chì ở chân.
Dễ thấy, mỗi khi được người hâm mộ, báo chí tung hô quá mức và đặt quá nhiều kỳ vọng, tuyển U.19 Việt Nam thường gặp thất bại. Minh chứng rõ nhất là trận chung kết thua Myanmar 3-4 ở giải U.22 Đông Nam Á vừa qua tại Brunei.
Qua câu chuyện trên, nhiều người cũng nhận ra đức tính tốt ở Công Phượng là sự khiêm tốn, không muốn đặt lợi ích cá nhân lên trên tập thể.