4 học viên của Học viện HAGL Arsenal JMG lên đường sang Anh tập huấn
NHỮNG SỰ KIỆN MANG TÍNH LỊCH SỬ
Tháng 10/2012, đội U.18 của HAGL đã có chuyến du đấu tại Pháp, Bỉ và Anh. Kết quả, họ thắng đội trẻ Wissous 2-0, hòa U.19 Paris FC 0-0, thua Học viện Arsenal tại Bỉ 2-4 và đặc biệt là chiến thắng 1-0 trước U18 "xịn" của Pháo thủ thành London.
Còn trong tháng 12/2012, cả nước xôn xao với sự kiện đích thân HLV Arsene Wenger của đội bóng lừng danh Arsenal (giải Ngoại hạng Anh) gửi thư tới Học viện bóng đá HAGL để triệu tập 4 cầu thủ: Đông Triều, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường sang Arsenal tập huấn. Đó là một sự kiện mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Học viện bóng đá của HAGL kết hợp với Arsenal
Trong khi tất cả đều hân hoan với thông tin này, ông bầu Đoàn Nguyên Đức vẫn tỏ ra khá bình thản. Với ông, chỉ khi nào các cầu thủ thể hiện được khả năng và được Arsenal ký hợp đồng mới có thể xem là thành công của HAGL - Arsenal JMG.
Đó là một tuyên bố không hề ngạo mạn mà căn cứ trên mức độ đầu tư rất lớn về tiền bạc, công sức và trí tuệ của học viện, để cho ra đời những sản phẩm hoàn toàn khác biệt so với những gì người ta từng biết về bóng đá trẻ và đào tạo trẻ ở Việt Nam.
Năm 2007, bầu Đức đã đầu tư chừng 4-5 triệu USD để xây dựng Học viện HAGL-Arsenal JMG. Nằm cách thành phố Pleiku 13 km, khuôn viên rộng chừng 5 ha của học viện gồm 5 sân tập ngoài trời, 1 sân tập có mái che, 6 khu nhà ở cùng các công trình phụ trợ như bể bơi, sân tennis, phòng xông hơi, tập tạ...
Cách tuyển chọn học viên cũng vô cùng khắt khe. Đông Triều, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường nằm trong số 16 học viên trúng tuyển năm 2007 trên tổng số 7.000 thí sinh đến từ khắp cả nước. Đến năm 2009, từ 9.991 cầu thủ nhí, học viện cũng chỉ lấy vỏn vẹn 10 em.
Với 20 thành viên bao gồm các HLV và 16 học viên khóa 1, chi phí mà học viện HAGL bỏ ra để thực hiện tour du đấu gần 1 tháng tại châu Âu hồi tháng 10/2012 là không nhỏ. Nhưng do các cầu thủ khóa 1 sẽ ra trường vào năm 2014 nên đây là thời điểm họ cần được thi đấu cọ xát với những cầu thủ vượt trội về thể hình và thể lực để thẩm định về năng lực. Tốn mà cần thiết thì bầu Đức đâu xót tiền.
ĐÀO TẠO TRẺ LÀ CÁCH XÂY DỰNG TỪ GỐC
Hiện tại, học viện bóng đá HAGL chỉ duy trì 2 khóa đào tạo trên, với thời gian đào tạo kéo dài 7 năm, một dấu hiệu cho thấy mức độ quan tâm về chất lượng chứ không phải số lượng. Ngoài chuyện được các chuyên gia đào tạo tới từ Arsenal giảng dạy ngay từ độ tuổi 12-14, các học viên còn được chú trọng đào tạo văn hóa song song với bóng đá.
Một yêu cầu tối thiểu là các cầu thủ phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ để giao tiếp. Hiệu quả có thể thấy qua việc 4 học viên sang London mà không cần bất kỳ cán bộ nào đi cùng. Bởi lãnh đạo học viện rất tin tưởng vào những kỹ năng đã trang bị cho các học viên.
Các cầu thủ trẻ miệt mài tập luyện
Kể từ khi được tuyển chọn, các học viên đều không mang giầy khi luyện tập. HLV Guillaume giải thích, ở độ tuổi của các em, xương bàn chân vẫn đang trong quá trình phát triển mạnh nên đi chân trần là để không bị gò theo cỡ của giày. Mặt khác, kỹ thuật tiếp xúc với trái bóng cũng sẽ phát triển nhanh hơn. Sau hơn 3 năm tập chân trần, phải đến năm thứ tư các học viên mới được đi giày đá bóng.
Tính trung bình, mỗi năm, một học viên tiêu tốn của bầu Đức chừng 1 tỷ đồng. Có nghĩa, 26 học viên của 2 khóa ngốn hết 26 tỷ/năm, nhân với 7 năm đào tạo chi phí là gần 200 tỷ đồng. Rõ ràng, sau quãng thời gian "ăn xổi" như hồi mới bước chân vào bóng đá, bầu Đức nhanh chóng nhận ra đó không phải con đường bền vững.
Ông từng nói: "Tôi sẽ chống mắt ngồi coi các ông bầu đua tiền được đến khi nào". Không cần phải chờ đợi lâu, bóng đá Việt Nam năm 2012 đã bộc lộ quá nhiều bất ổn sau những quãng thời gian phát triển bong bóng.
Tầm nhìn của một doanh nhân đã khiến bầu Đức chuyển hướng sang trồng người, những cầu thủ mà chuyên môn tốt còn cần phải song hành với đạo đức và nền tảng văn hóa. Sau 5 năm, từ một vùng hoang sơ Hàm Rồng biến thành vườn ươm tài năng sân cỏ.
Thành quả ngày hôm nay của học viện HAGL-Arsenal JMG có lẽ mới chỉ là sự bắt đầu. Song, nhiều người đã tin rằng, tới đây, những "cây non" của bầu Đức, ngoài chuyện đóng vai trò nòng cốt ở ĐT U23 và ĐTQG, còn là đại diện cho thế hệ cầu thủ thật sự chuyên nghiệp. Đó cũng là một tấm gương để những nhà làm bóng đá khác suy ngẫm. Không trồng người, lấy đâu ra mùa Xuân?